Sau hàng loạt vụ ngộ độc tập thể, đại biểu Quốc hội lo ngại có việc buông lỏng quản lý

Trước thực trạng hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm quy mô lớn xảy ra trong thời gian qua, đại biểu Quốc hội đề nghị cần nâng mức xử phạt đối với các sai phạm trong hoạt động kinh doanh về an toàn thực phẩm, nhằm đảm bảo chế tài đủ mạnh, tránh buông lỏng quản lý, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thảo luận tình hình kinh tế - xã hội chiều 29/5, đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đề nghị cần hoàn thiện các chính sách, pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý về an toàn thực phẩm trong bối cảnh liên tiếp xảy ra hàng loạt vụ ngộc độc trong thời gian qua.

XẢY RA NHIỀU VỤ NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM TRÊN QUY MÔ LỚN

Theo đại biểu Nguyễn Minh Tâm, hiện nay an toàn thực phẩm đang trở thành vấn đề quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng. Đặc biệt, thời gian qua, tình trạng các vụ ngộ độc thực phẩm diễn ra trên quy mô rộng và loại hình đa dạng.

Đại biểu cho biết theo thống kê 4 tháng đầu năm 2024, cả nước xảy ra 24 vụ ngộ độc thực phẩm với 835 người bị ngộ độc, trong đó có 3 người tử vong, chưa tính đến các vụ ngộ độc lớn trong tháng 5 liên quan hàng nghìn người trong những bếp ăn tập thể tại một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, Đồng Nai…

“Chưa bao giờ tình trạng ngộ độc thực phẩm đang diễn ra trên quy mô rộng và loại hình đa dạng như hiện nay. Dư luận đang đặt ra câu hỏi về quy trình quản lý giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm”, nữ đại biểu lo ngại.

Theo đại biểu Nguyễn Minh Tâm, có thể nói thức ăn đường phố tại Việt Nam mang lại sự tiện dụng cho người dân, phù hợp với túi tiền của nhiều người. Thức ăn đường phố cũng có nhiều công thức tạo ra các món ăn ngon, thậm chí còn hơn cả các nhà hàng nổi tiếng.

Việt Nam cũng có 5 món ăn lọt vào top 100 món ăn đường phố hấp dẫn nhất châu Á. Tuy nhiên, xét về quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm hầu hết các món ăn đường phố đều không đảm bảo. Ngay cả một số cơ sở dù có chứng chỉ vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng các đơn vị mà họ nhập nguyên liệu vẫn khó bảo đảm việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Bản thân các cơ sở này cũng không lưu mẫu thực phẩm để kiểm định khi cần.

Đáng chú ý, phần lớn các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định, cơ sở kinh doanh thực phẩm đường phố cũng thuộc quản lý của ngành Công thương.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Đoàn Quảng Bình. Ảnh: Quochoi.vn.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Đoàn Quảng Bình. Ảnh: Quochoi.vn.

Dù vậy, đại biểu băn khoăn liệu việc quản lý của ngành Công thương có hiệu quả khi mỗi ngày có nhiều loại hình kinh doanh thức ăn, đồ uống lưu động cho học sinh, hay tại các bếp ăn tập thể ngày càng phổ biến.

“Ngoài việc đình chỉ hoạt động các cơ sở vi phạm, thì sau khi tiếp tục được kinh doanh liệu các cơ sở này có đưa ra quy trình đảm bảo vệ sinh hay không. Hay thậm chí họ sẵn sàng từ bỏ thương hiệu rồi lập ra cơ sở mới”, đại biểu đoàn Quảng Bình băn khoăn.

XÂY DỰNG CÔNG CỤ TRUY XUẤT NGUỒN GỐC

Theo đại biểu Nguyễn Minh Tâm, từ thực tế trên dễ dàng nhận thấy khoảng trống trong quản lý vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe người dân.

“Là một nước có mặt hàng xuất khẩu chính là thực phẩm, uy tín của Việt Nam đối với các đối tác kinh doanh trên thế giới sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng nếu mức độ nhiễm bẩn thực phẩm gia tăng. Chính vì thế, rà soát lại quy trình quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm trong thời gian tới là việc cần thiết”, đại biểu Nguyễn Minh Tâm nhấn mạnh.

Đại biểu cũng cho biết năm 2017, Quốc hội đã giám sát tối cao về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Sau đó, Nghị quyết số 43/2017/QH14 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 – 2020 cũng được ban hành, đã đưa ra nhiều biện pháp để thực hiện, song đến nay nhiều nội dung chưa được triển khai triệt để.

Cụ thể, Ban chỉ đạo về an toàn thực phẩm được tổ chức từ trung ương đến cấp quận, huyện, nhưng tại các xã, phường chỉ có cán bộ kiêm nhiệm. Việc thanh tra, kiểm tra, và các đoàn liên ngành được thành lập theo từng thời điểm, thiếu chuyên môn sâu. Mức độ xử lí nhẹ, khó đảm bảo tính răn đe, đặc biệt rất khó để đưa các vụ án ra xử lí hình sự, do việc xét nghiệm mẫu phức tạp.

Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ, Quốc hội tiếp tục hoàn thiện các chính sách, pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý về quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm đường phố.

Theo đó, cần rà soát và nâng mức xử phạt đối với các sai phạm trong hoạt động kinh doanh về vệ sinh an toàn thực phẩm, nhằm đảm bảo chế tài đủ mạnh. Đồng thời, cần tập trung đầu tư nguồn lực, quan tâm đến nguồn nhân lực cho lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, cần chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan xây dựng phần mềm ứng dụng quản lý việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm, chất lượng cung cấp của từng cơ sở bán hàng lưu động, đường phố. “Việc này sẽ tạo thuận lợi cho cả người mua lẫn việc truy xuất nguồn gốc, cũng như trong xử lí sai phạm”, đại biểu Nguyễn Minh Tâm nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Văn Thi, đoàn Bắc Giang. Ảnh: Quochoi.vn.

Đại biểu Nguyễn Văn Thi, đoàn Bắc Giang. Ảnh: Quochoi.vn.

Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Thi, đoàn Bắc Giang cũng bày tỏ lo ngại về hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm trong các bếp ăn tập thể xảy ra liên tục trong thời gian qua, khiến hàng trăm người phải nhập viện cấp cứu.

“Nguyên nhân do đâu? Do cơ chế còn khoảng trống trong sự chồng chéo của các quy định pháp luật, hay việc buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng. Đề nghị Chính phủ cần có đánh giá rõ hơn để có giải pháp quản lý chặt chẽ trong thời gian tới”, đại biểu đoàn Bắc Giang nêu quan điểm.

Nhật Dương

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/sau-hang-loat-vu-ngo-doc-tap-the-dai-bieu-quoc-hoi-lo-ngai-co-viec-buong-long-quan-ly.htm