'Sâu keo mùa thu' đang gây hại lớn cho nông nghiệp Gia Lai
Người nông dân tỉnh Gia Lai đang đứng trước họa 'sâu keo mùa thu' gây hại cho hơn 5.500ha ngô và nhiều loại hoa màu khác. Những giải pháp tiêu diệt sâu bảo vệ hoa màu của người dân và các ngành chức năng vẫn chưa mang lại hiệu quả.
Có mặt tại các xã ở huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai), chúng tôi ai cũng xót xa trước những cánh đồng ngô bị “sâu keo mùa thu” gây hại. Lá thì bị sâu ăn rách tả tơi, phân như mùn gỗ đổ từ ngọn xuống gốc, cây ngô không thể phát triển tiếp và có nguy cơ mất trắng. Chị Nguyễn Thị Loan ở thôn 8, xã Chơ Long (huyện Kông Chro) mải miết đi khắp đồng ngô rộng hơn 1,2ha của gia đình, vạch từng chiếc lá để bắt sâu. Thấy chúng tôi hỏi thăm, chị gạt vội những giọt mồ hôi và nói như để giải tỏa nỗi uất ức: Lúc mới trồng ngô lên đều và đẹp lắm, nhưng khi cao tới đầu gối thì “sâu keo mùa thu” xuất hiện. Vợ chồng tôi đã dùng đủ cách kể cả phun thuốc trừ sâu nhưng vẫn không hiệu quả; tổng chi phí đầu tư hơn 10 triệu đồng và công sức bấy lâu nay có nguy cơ đổ sông đổ biển hết”. Ông Nguyễn Biên Thùy ở thông 1 (xã Chơ Long, huyện Kông Chro) có hơn 15 năm kinh nghiệm trồng ngô cũng không có cách gì để bảo vệ những cánh đồng ngô của mình. Ông cho biết: “Năm nay gia đình tôi trồng 6ha ngô thì đã phải cày bỏ 1,3ha bị sâu keo mùa thu để tránh lây lan. Nhưng hơn 4ha còn lại cũng bắt đầu có sâu, tôi chưa biết xoay xở sao đây”.
Tìm hiểu thực tế chúng tôi thấy, “sâu keo mùa thu” không chỉ gây hại trên cây ngô mà cả trên những cánh đồng hoa màu của địa phương. Tại xã Đắk Pơ Pho (huyện Kông Chro) đã có hơn 185ha bị sâu hại trên cây trồng, như: Đậu, bí, rau, ớt… Theo thống kê của các ngành chức năng tỉnh Gia Lai, hiện toàn tỉnh có hơn 5.500ha ngô của 11 huyện bị nhiễm loài sâu này ở các cấp độ nhẹ, trung bình, nặng. Trong đó nặng nhất là các huyện: Chư Prông hơn 2.500ha, Kon Chro và Chư Pưh hơn 1.300ha... Đáng lo ngại nhất là nó vẫn đang tiếp tục phát triển, lan rộng.
Trao đổi với các chuyên gia nông nghiệp, chúng tôi được biết: “Sâu keo mùa thu” là loài có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Mỹ, phàm ăn và có khả năng đe dọa đến 300 loại cây trồng, đặc biệt là trên cây ngô. Loài sâu này hiện đã xuất hiện ở nhiều tỉnh trên cả nước, tại Gia Lai bắt đầu có từ tháng 4-2019. Việc phòng trừ loài “sâu keo mùa thu” rất khó khăn vì vòng sinh trưởng chỉ khoảng 30 ngày, chia làm 6 giai đoạn tuổi. Trên cùng một thửa ruộng, ổ dịch “sâu keo mùa thu” tồn tại nhiều giai đoạn tuổi khác nhau.
Theo tìm hiểu của chúng tôi thì nhiều người dân Gia Lai lúng túng vì “sâu keo mùa thu” xuất hiện lần đầu tiên ở địa phương. Bà con chủ yếu sử dụng 2 phương pháp để diệt sâu là dùng tay bắt và phun thuốc hóa học, như hiệu quả thấp vì: “sâu keo mùa thu” phát triển nhanh trên diện rộng không thể dùng tay bắt hết được; phun thuốc trừ sâu thì chưa đúng cách, đúng thời điểm, thậm chí là chưa đúng thuốc. Ngoài ra, các chuyên gia cũng đang lo ngại, tình trạng sử dụng thuốc trừ sâu tràn lan, thiếu kiểm soát như hiện nay sẽ dẫn đến sâu kháng thuốc và ảnh hưởng lớn đến môi trường, làm mất cân bằng sinh thái.
Trước thực trạng đó, chính quyền và cơ quan chức năng của tỉnh Gia Lai một mặt tuyên truyền, tập huấn để người dân hiểu rõ về loài sâu này cũng như phương pháp phòng, trừ. Ông Hà Ngọc Uyển, Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai cho biết: Việc phun thuốc trừ sâu một lần không diệt trừ được “sâu keo mùa thu”, mà phải phun kép từ 2 đến 3 lần (mỗi lần cách nhau khoảng 7 ngày). Đặc biệt, phun thuốc phải đúng thời điểm mới mang lại hiệu quả cao. Nhất là khi sâu ở tuổi nhỏ (giai đoạn tuổi 1-2), qua giai đoạn này sâu đã khỏe và sẽ đục vào trong thân cây, việc phun thuốc bên ngoài không hiệu quả. Khi sử dụng thuốc phải áp dụng biện pháp 4 đúng: Đúng thuốc, đúng nồng độ liều lượng, đúng lúc và đúng phương pháp.