Sau khi phóng thành công, tàu Orion của NASA sẽ làm gì?
Vụ phóng tàu vũ trụ ngốn hơn 4 tỷ USD của NASA đã thành công. Nhưng trước khi trở lại Trái Đất vào giữa tháng 12, con tàu này sẽ làm những gì?
Sau nhiều lần trì hoãn, tàu Orion của nhiệm vụ Artemis 1 đã cất cánh vào lúc 1h47' ngày 16/11 (theo giờ địa phương) từ bệ phóng 39B tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy của NASA. Đây cũng chính là vụ phóng lần đầu tiên của tên lửa Hệ thống phóng không gian (SLS). Chuyến bay này của tàu Orion sẽ kéo dài 25 ngày tới Mặt Trăng và quay trở về Trái Đất.
Vậy, trong thời gian này, tàu vũ trụ Orion của NASA sẽ làm những gì?
Theo kế hoạch, tàu Orion sẽ dành 6 ngày tiếp theo để bay về phía Mặt Trăng. Dự kiến, vào ngày 21/11, tàu vũ trụ này sẽ bay qua Mặt Trăng ở khoảng cách gần nhất và cách bề mặt khoảng 100 km.
Thao tác này cũng sẽ tận dụng lực hấp dẫn của Mặt Trăng và điều này đẩy tàu Orion đi xa hơn. Tiếp theo, module dịch vụ sẽ tiến hành đốt lần hai vào ngày 25/11 để đưa con tàu vào quỹ đạo nghịch hành xa (DRO).
Tại đây, tàu Orion sẽ trải qua một tuần ở độ cao khoảng 61.000 km phía trên bề mặt của Mặt Trăng. Đến ngày 28/11, con tàu của NASA sẽ đạt khoảng cách gần 483.000 km, tính từ Trái Đất. Điều này có nghĩa là con tàu sẽ phá vỡ kỷ lục của tàu Apollo 13 dành cho phương tiện có thể chở người bay xa nhất tính từ hành tinh xanh của chúng ta.
Trong khi ở DRO, một loạt các cảm biến chủ động và bị động ở trên tàu vũ trụ Orion cũng sẽ tiến hành đo bức xạ và những điều kiện bay khác. Điều này cho phép các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn về điều kiện mà các phi hành gia sẽ phải trải qua trong nhiệm vụ có người lái.
Trên thực tế, Artemis là nhiệm vụ không có người lái, nhưng tàu Orion vẫn có hành khách là những hình nộm.
Cụ thể, được buộc chặt vào ghế chỉ huy của khoang tàu Orion là hình nộm mang tên Moonikin Campos của NASA. Đây là hình nộm được trang bị cảm biến bức xạ ở bên trong. Trong khi đó, cảm biến trên ghế sẽ ghi lại trọng lực và lực rung trong suốt chuyến bay.
Đồng hành cùng Campos còn có hai hình nộm là Helga và Zohar. Hai hình nộm này chỉ có nửa thân trên, không có tay, và chứa hơn 34 máy đo liều bức xạ chủ động và 6.000 máy đo liều bức xạ bị động, nhằm giúp nghiên cứu về hiệu quả của bộ đồ chuyên dụng ngăn bức xạ AstroRad.
Ngoài ra, hai hình nộm Helga và Zohar cũng được chế tạo bằng vật liệu mô phỏng xương và mô cơ của con người. Đặc biệt, cấu trúc phần thân của chúng bao gồm các bộ phận liên quan tới cơ thể phụ nữ để mô phỏng buồng trứng và mô vú vốn nhạy cảm với bức xạ.
Bộ đôi này nằm trpng Thí nghiệm bức xạ Matroshka AstroRad (MARE). Trong đó, Zohar mặc bộ đồ AstroRad.
Sau khi trở về Trái Đất, các chuyên gia nghiên cứu sẽ tiến hành so sánh về độ phơi nhiễm bức xạ giữa các hình nộm này.
Nếu như hiệu quả, bộ đồ AstroRad sẽ cho phép các phi hành gia thực hiện nhiệm vụ quanh tàu vũ trụ Orion. Vì không có sự bảo vệ của từ trường trong quỹ đạo thấp của Trái đất, nên những khu vực xa hành tinh dễ bị ảnh hưởng bởi bức xạ hơn. Do đó, các phi hành gia cũng có nguy cơ phơi nhiễm bức xạ cao hơn.
Theo NASA, đến ngày 1/12, module dịch vụ của tàu vũ trụ Orion sẽ đốt để rời khỏi DRO và đưa con tàu bay gần Mặt Trăng sau đó 4 ngày. Sau đó, module dịch vụ cũng sẽ thực hiện đốt lần cuối cùng để đưa tàu Orion vào hành trình trở về Trái Đất trong 6 ngày.
Vào ngày 11/12, tàu Orion sẽ lao qua bầu khí quyển của Trái đất với tốc độ khoảng 40.000 km/h. Đây là một thử nghiệm lớn đối với khoang tàu và tấm chắn nhiệt khi sẽ phải chịu đựng nhiệt độ lên tới 2.750 độ C. Con tàu sẽ hạ cánh bằng dù xuống Thái Bình Dương và đánh dấu kết thúc nhiệm vụ Artemis 1 của NASA.
Artemis 1 chính là nhiệm vụ đầu tiên trong chương trình cùng tên của NASA nhằm thực hiện tham vọng đưa con người lên Mặt Trăng sinh sống vào cuối những năm 2020.
NASA cho biết, nếu Artemis 1 diễn ra suôn sẻ, nhiệm vụ Artemis 2 sẽ đưa các phi hành gia bay vòng quanh Mặt Trăng vào năm 2024 và Artemis 3 sẽ chở phi hành đoàn hạ cánh xuống cực nam của Mặt Trăng vào năm 2025.
Sau đó, NASA sẽ tiếp tục tiến hành xây dựng căn cứ bề vững trên bề mặt và xung quanh Mặt Trăng. Đây cũng là mục tiêu chính của chương trình Artemis.
Hình ảnh và video đầu tiên gửi từ tàu Orion
Để ghi lại hành trình của chuyến bay này, tàu Orion đã được trang bị 24 camera rải dọc bên ngoài và ở bên trong con tàu, phía trên các tấm pin năng lượng Mặt Trời.
Vào ngày 17/11, chỉ 1 ngày sau khi tàu Orion được phóng thành công, NASA chia sẻ một bức ảnh về con tàu này ở tốc độ gần 8.800 km/h chụp ảnh selfie với Trái Đất ở khoảng cách 92.000 km. Con số này bằng 1/5 khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trăng.
Ngày 18/11, NASA cũng công bố đoạn video selfie ấn tượng của tàu Orion trong nhiệm vụ Artemis 1 của NASA với Trái Đất. Video này cũng đánh dấu một nửa chặng đường của con tàu này tới quỹ đạo Mặt Trăng.
Tính đến ngày 19/11, tàu Orion cách Trái Đất 348.247 km, đồng thời cách xa Mặt Trăng 149.746 km. Hiện con tàu đang bay trong khong gian với vận tốc 1.601 km/h. Mặc dù có những trục trặc nhỏ khi các nhà quản lý sứ mệnh NASA tìm hiểu về cách thức hoạt động của con tàu trong không gian sâu, nhưng đến nay, chuyến bay này vẫn đang diễn ra khá suôn sẻ và vượt mong đợi.
Tên lửa SLS và tàu vũ trụ Orion được coi là hai thành phần cốt lõi trong kế hoạch đưa con người trở lại Mặt Trăng đầy tham vọng của NASA. Trong đó, SLS chính là tên lửa mạnh nhất mà NASA từng chế tạo. SLS nặng khoảng 2.500 tấn và cao gần 100 m. Tàu Orion thì nặng 23 tấn và có đường kính 5 m.
Theo ước tính của NASA, mỗi vụ phóng tên lửa SLS và tàu Orion sẽ mất khoảng 4,1 tỷ USD. Tổng chi phí chi chương trình từ năm 2012 – 2025 sẽ lên tới 93 tỷ USD.
Trước khi được phóng thành công vào ngày 16/11 vừa qua, bộ đôi tên lửa SLS và tàu Orion từng có 3 lần lên bệ phóng. Cụ thể, hai lần đầu diễn ra trong tháng 3 và tháng 6 nhằm thử nghiệm nạp nhiên liệu trước khi phóng. Lần thứ 3, vào giữa tháng 8, bộ đôi được đặt lên bệ phóng để thực hiện phóng lên không gian, nhưng lại bị hoãn vì sự cố rò rỉ hydro lỏng và động cơ quá nhiệt.
Bài viết tham khảo nguồn: Space, NASA