Sâu lắng giai điệu về mùa Xuân biên cương
Xuân Quý Mão 2023 đang đến gần, người người, nhà nhà đang chuẩn bị đón một mùa Xuân mới với ngập tràn niềm tin yêu và hy vọng. Nghĩ đến Tết và mùa Xuân, trong tôi lại rạo rực, bồi hồi với những khúc ca về mùa Xuân biên cương, bởi nơi đó có những người chiến sĩ Biên phòng ngày đêm chắc tay súng bảo vệ phần đất thiêng liêng của Tổ quốc mà có khi không có cơ hội được trở về đoàn tụ với gia đình.
Tôi đã có nhiều dịp được gặp và trò chuyện với nhạc sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Thế Hiển và được biết ca khúc “Hát về anh” ra đời trong dịp Tết cách đây đúng 40 năm từ lời động viên, khuyến khích của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: “Chiến tranh biên giới còn đang rất căng thẳng, các đồng chí hãy gạt đi cái tôi cá nhân để sáng tác về cái chúng ta”. Khi đến phục vụ bộ đội 10 ngày ở Đặc khu Quảng Ninh, chàng ca sĩ trẻ Thế Hiển xúc động khi thấy sự hy sinh quá đỗi lớn lao của các chiến sĩ chỉ khoảng tuổi mình, thậm chí còn ít hơn, vậy là giai điệu: “Một ba lô, cây súng trên vai/ Người chiến sĩ quen với gian lao/ Ngày dài đêm thâu vẫn có những người lính trẻ/ Nặng tình quê hương canh giữ trên miền đất mẹ...” cứ thế cuộn chảy.
Thực tế, thời điểm đó, ông mới chỉ viết được đoạn một, còn khi quay về thành phố Hồ Chí Minh, được chứng kiến không khí nhân dân đón Xuân trong niềm hân hoan đã thôi thúc ông viết đoạn hai: “Cho em thơ ngủ ngon và vui bước sớm hôm đến trường/ Cho yên vui mùa Xuân đôi lứa còn hẹn hò ước mơ/ Đã có những hy sinh khó nói hết bằng lời/ Nên đọng lại trong tôi những nghĩ suy...”. Hình ảnh người lính trẻ không quản gian nguy, vô tư tận hiến, dâng trọn tuổi đời thanh xuân bảo vệ biên giới đất nước gieo vào lòng người nghe nỗi xúc động, tự hào, giản dị và thân thương biết bao nhiêu. Trải qua năm tháng, nhưng ca khúc vẫn được công chúng đón nhận nồng nhiệt khi đã thấu hiểu tâm trạng của người lính Biên phòng với nhiệm vụ bảo vệ biên cương đầy thiêng liêng khi mùa Xuân về.
Hãy nghe âm hưởng lãng mạn, dạt dào như trái tim náo nức trước tình yêu của người lính Biên phòng trong tình khúc “Hoa sim biên giới” của nhạc sĩ Minh Quang (lời thơ Đặng Ái): “Nếu em lên biên giới em sẽ gặp bạt ngàn hoa/ Hoa sim giữa đồi nắng gió, tím như ai chờ mong/ Sắc hoa sim yêu thương trong lòng người lính trẻ/ Chờ em nên tím ngát bồi hồi...”.
Hay như lời ca thắm đượm tình yêu Tổ quốc, tình quân dân trong bài “Chiều biên giới” (nhạc Trần Chung, lời thơ Lò Ngân Sủn): “Chiều biên giới em ơi!/ Có nơi nào xanh hơn/ Như chồi non cỏ biếc/ Như rừng cây của lá/ Như tình yêu đôi ta...”.
Cũng phải nhấn mạnh rằng, “Chiều biên giới” là bài hát đặc biệt trong lịch sử âm nhạc Việt Nam khi có đến 4 nhạc sĩ lấy nhan đề này đặt tên cho “đứa con tinh thần” của mình và đều rất tình cảm, sâu lắng. Ngoài ca khúc của nhạc sĩ Trần Chung còn có các ca khúc của cố Thiếu tướng, nhạc sĩ Vũ Hiệp Bình, nguyên Phó Chính ủy BĐBP với ca từ lắng đọng: “Rừng chiều biên giới bao la/ Ngồi bên con suối ngân nga/ Có người chiến sĩ hát với cây đàn ghi-ta/ Lời ca theo gió bát ngát…”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên với: “Chiều nay đứng nơi đây trên vùng biên giới/ Này em thấy cả trời quê hương mến thương/ Kìa bao con đường đất từng chuyến xe tung bụi đỏ/ Kìa bao la đồng lúa nặng trĩu bông vờn trong gió…” và nhạc sĩ Đức Miêng với: “Chiều biên giới anh thầm nhớ về/ Nơi em đó bộn bề, bao nỗi nhớ tha thiết/ Hỡi anh có biết những lời em thương bao ngày qua/ Tuy rằng xa em để trong lòng…”.
Hòa cùng không khí náo nức mùa Xuân của tình yêu người lính là ca khúc “Tình ca mùa Xuân” của nhạc sĩ Trần Hoàn: “Và chúng mình yêu nhau, bắt đầu từ độ ấy/ Em đi vào xưởng máy khi trời còn hơi sương/ Và anh lại ra đi, vui như ngày hội/ Mùa Xuân biên giới, súng anh gác trời xa...”. Và không gian thấm đẫm xuân tình của “Tình ca mùa Xuân” khiến người nghe không thể không liên tưởng đến một bản tình ca tương tự, đó là “Mùa Xuân bên cửa sổ” của nhạc sĩ Xuân Hồng. Những lời ca từ ngọt lịm, nhưng lại dạt dào cảm xúc khỏe khoắn vì được dâng hiến sức trẻ thanh xuân cho đất nước: “… Khi tạm biệt mùa Xuân, anh lính về biên giới/ Cô gái vào ca ba/ Họ tạm xa từng ngày qua, lòng thiết tha thầm nhớ/ Họ vững tin rồi mùa Xuân sẽ quay về/ Ôi hạnh phúc cô thợ ấy, đơn sơ mà thắm nồng!/ Tình yêu của người lính lắng sâu nhưng cháy bỏng/ Tạm biệt rồi, vẫn đọng những nụ hôn…”.
Viết về người chiến sĩ biên cương thì phần lãng mạn nhất, sâu lắng và trữ tình nhất là những bản tình ca về mùa Xuân biên giới, về tình yêu người lính canh giữ tuyến đầu Tổ quốc. Có điều, những tình khúc đắm say, nồng nàn mà hào sảng, bao la đó không còn đơn thuần là tình yêu nam nữ, mà còn mang tầm vóc vĩ đại của tình yêu quê hương, đất nước thiêng liêng và đầy tự hào.
Và còn thật nhiều, thật nhiều nữa những ca khúc về mùa Xuân biên giới mà người lính Biên phòng thường ngân nga mỗi dịp Tết đến, Xuân về, như: “Gửi em ở cuối sông Hồng” (nhạc Thuận Yến, thơ Dương Soái), “Tình ca Tây Bắc” (nhạc sĩ Bùi Đức Hạnh), “Cô gái Sầm Nưa xinh đẹp” (nhạc sĩ Trần Tiến), “Điệu múa Apsara và người lính tình nguyện” (nhạc sĩ Minh Quang), “Người Mèo ơn Đảng” (nhạc sĩ Thanh Phúc)...
Tiếp bước các thế hệ nhạc sĩ đàn anh, các nhạc sĩ thế hệ hôm nay vẫn luôn quan tâm cho ra đời những ca khúc về mùa Xuân biên giới, như Đại tá, nhạc sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Tuấn Anh (Đoàn trưởng Đoàn Văn công BĐBP) với “Kiểm toán viên và chiến sĩ Biên phòng”, Đại úy, nhạc sĩ Lê Đức Trí (Đội trưởng Đội Tuyên truyền Văn hóa, BĐBP Quảng Bình) với “Gió biên thùy”, Trung tá, nhạc sĩ Vũ Thị Huyền Ngọc (Nhà Văn hóa, Cục Chính trị BĐBP) với “Sắc màu biên giới”…
Có thể khẳng định, đề tài mùa Xuân biên giới có một sức sống mãnh liệt trong lòng các nhạc sĩ trong và ngoài lực lượng BĐBP. Và dù thời gian có thay đổi, không gian có đổi khác, thì tâm thế của người lính Biên phòng vẫn một lòng, một dạ gắn bó với biên cương thân yêu, như câu thơ khẳng định chắc nịch của cố Thiếu tướng, nhạc sĩ Vũ Hiệp Bình: “Với Tổ quốc, chúng tôi là cột mốc/ Với chúng tôi, Tổ quốc là điểm tựa ngàn đời”.
Mùa Xuân luôn mang lại cho mỗi người cảm xúc thật đặc biệt, đó là mùa của đoàn tụ, thời điểm những người con xa quê trở về quê hương và được gần gũi với người thân yêu. Nhưng trên dải đất hình chữ S luôn có những người lính Biên phòng vì nhiệm vụ bảo vệ biên giới thiêng liêng mà không thể về quê nhà dịp này. Những giai điệu sâu lắng, dạt dào, ấm áp tình người là một nguồn động viên tinh thần to lớn, đồng hành cùng người chiến sĩ mang quân hàm xanh vững bước trên đường tuần tra, bảo vệ bình yên cho Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/sau-lang-giai-dieu-ve-mua-xuan-bien-cuong-post458281.html