Sau Mỹ, Pháp-Đức sốt xình xịch vụ Nga thử tên lửa phá hủy vệ tinh trong không gian?
Sau khi Nga xác nhận vụ thử vũ khí nhằm vào một vệ tinh không sử dụng của nước này ngoài không gian vào ngày 15/11, Đức và Pháp đã đồng loạt lên tiếng.
Ngày 16/11, trên mạng xã hội Twitter, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly viết: "Không gian vũ trụ là một lợi ích chung thuộc về 7,7 tỷ người dân của hành tinh này. Những kẻ cố ý phá hoại không gian vũ trụ có trách nhiệm to lớn vì tạo ra những mảnh vụn gây ô nhiễm, đặt những phi hành gia và vệ tinh vào tình trạng nguy hiểm".
Cùng ngày, chính phủ Đức cho biết, nước này rất quan ngại việc Nga phá hủy vệ tinh trên, kêu gọi cộng đồng quốc tế cần có các biện pháp khẩn cấp để "củng cố an toàn và lòng tin".
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Đức nêu rõ, "việc phá hủy vệ tinh trong quỹ đạo Trái đất tầm thấp đã tạo ra một lượng lớn mảnh vỡ, yếu tố sẽ gây nguy hại tới quyền sử dụng không gian tự do và không bị cản trở của tất cả các quốc gia trong nhiều năm.
Do hậu quả của vụ thử tên lửa và các mảnh vỡ phát sinh, các phi hành gia trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) cũng phải chịu thêm rủi ro".
Berlin cho rằng cách hành xử của Moscow "có nguy cơ dẫn đến sai sót trong phán đoán và khiến tình hình leo thang".
Bộ Ngoại giao Đức nhận định, vụ thử nghiệm cho thấy những rủi ro và mối đe dọa ngày càng tăng đối với an ninh, ổn định trong không gian cũng như sự cấp thiết trong việc cộng đồng quốc tế phải thống nhất các quy tắc sử dụng không gian vũ trụ một cách hòa bình và bền vững cũng như các biện pháp nhằm củng cố an toàn và xây dựng lòng tin.
Trước đó, Mỹ tố cáo hành động của Nga là liều lĩnh, dẫn đến sự xuất hiện của nhiều mảnh vụn rác vũ trụ và gây đe dọa lợi ích của tất cả các nước.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc của Mỹ, đồng thời khẳng định "không có bằng chứng" đằng sau chỉ trích này.