Sau những cuộc chia ly

Ở huyện miền núi Định Hóa, người dân vốn thật thà chất phác, chịu thương chịu khó, sống chan hòa, biết trân trọng, gìn giữ cuộc sống hạnh phúc gia đình, việc vợ chồng ly hôn trước đây được xem là chuyện hy hữu.

Ở huyện miền núi Định Hóa, người dân vốn thật thà chất phác, chịu thương chịu khó, sống chan hòa, biết trân trọng, gìn giữ cuộc sống hạnh phúc gia đình, việc vợ chồng ly hôn trước đây được xem là chuyện hy hữu. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, tình trạng ly hôn lại gia tăng đáng kể, chủ yếu là ở giới trẻ.

Sau ly hôn, con cái sẽ trở thành những đứa trẻ chịu nhiều thiệt thòi, đáng thương. (Ảnh: Internet)

Trong khoảng 5-7 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm, Tòa án nhân dân huyện Định Hóa tiếp nhận đơn và giải quyết từ 180 đến trên 200 vụ ly hôn. Trong đó, đương sự phần lớn là các cặp vợ chồng trẻ.

Nguyên nhân của những vụ việc ly hôn ở Định Hóa có nhiều, nhưng ở những đôi vợ chồng trẻ có một số điểm chung là không tìm được tiếng nói chung, áp lực kinh tế gia đình phải đi làm ăn xa, không có thời gian quan tâm, chăm sóc nhau và con cái…

Trước khi kết hôn, chị Hoàng Thị Th. (sinh năm 1991, ở xã Quy Kỳ) cùng chồng đã có thời gian tìm hiểu, tự nguyện đến với nhau và được gia đình đôi bên tổ chức lễ cưới theo phong tục của địa phương. Sau khi kết hôn, hai người ra ở riêng, cuộc sống vợ chồng êm đềm và sinh được 1 đứa con.

Tuy nhiên, những năm tháng hạnh phúc ấy không được lâu. Theo đơn trình bày của chị Th., nguyên nhân là do chồng không chịu khó làm ăn, thường xuyên tụ tập bạn bè uống rượu, bỏ tiền thật đầu tư tiền ảo trên mạng gây tốn kém, chị và gia đình khuyên bảo nhưng chồng không nghe. Vợ chồng liên tục xảy ra cãi vã, xúc phạm nhau hoặc không chuyện trò, quan tâm đến nhau.

Còn anh T. (chồng chị Th.) lại cho rằng, nguyên nhân mâu thuẫn vợ chồng bắt đầu từ khi chị Th. đi làm công nhân xa nhà. Thời gian đầu, chị Th. có gọi điện về cho chồng con, sau đó gọi ít dần, khi nói chuyện thường xảy ra cãi vã. Từ đó vợ chồng xa cách dần và không có tình cảm, thỉnh thoảng chị Th. về nhà nhưng không nói chuyện gì với anh.

Trước mâu thuẫn không thể hàn gắn, tình cảm vợ chồng không còn nên chị Th. nộp đơn xin ly hôn. Vừa qua, sự việc đã được Tòa án nhân dân huyện Định Hóa giải quyết. Đứa con thơ được chị Th. nuôi nấng nhưng thiếu đi sự quan tâm của người cha.

Tương tự câu chuyện trên, vợ chồng chị La Thị T. Và anh Hoàng Văn B. (ở xã Định Biên) cũng vừa hoàn tất thủ tục ly hôn. Nguyên nhân của sự tan vỡ trên cũng xuất phát từ việc hai vợ chồng không tìm được tiếng nói chung, thiếu quan sự tâm, chăm sóc lẫn nhau, nhất là từ khi chị T. đi làm công nhân tại một khu công nghiệp ở Bắc Ninh.

Theo Thẩm phán Lê Hồng Khánh, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Định Hóa, những năm gần đây, số lượng vụ việc ly hôn mà đơn vị thụ lý chiếm khá cao, khoảng 45-50% tổng vụ việc. Trong số 180 đến trên 200 vụ việc ly hôn mỗi năm, số lượng vợ chồng trẻ (dưới 30 tuổi) ly hôn chiếm tới 80% và có tới khoảng 90% số vợ chồng sống với nhau chưa đầy 5 năm.

Nguyên nhân sâu xa của những cuộc ly tán rất nhiều như: Do vợ (chồng) đi làm ăn xa nhà, không có thời gian quan tâm chăm sóc chồng con, tình cảm vợ chồng phai nhạt dần, mâu thuẫn nảy sinh; bạo lực gia đình, chồng vướng vào cờ bạc, rượu chè, ma túy; vợ chồng bất đồng quan điểm sống; nhiều bạn trẻ, dễ yêu - nhanh cưới, khi cuộc sống vợ chồng gặp khó khăn thì buông bỏ, sẵn sàng gửi đơn ra tòa... Thế nhưng, hậu quả để lại thì đáng lo ngại bởi nhiều người chưa suy nghĩ thấu đáo về những thiệt thòi, hệ lụy về sau này, nhất là đối với con cái.

Nói về những đứa trẻ có bố mẹ ly hôn, Thẩm phán Trần Thiện Hoàng tâm tư: Nhiều lúc thấy những đứa trẻ vô tư chơi trong khuôn viên, ngồi trong phòng xét xử với gương mặt ngây thơ, trong sáng chờ bố mẹ làm thủ tục chia tay, tôi không khỏi chạnh lòng. Chúng thật tội nghiệp, đáng thương, không biết sau này, tương lai của những đứa trẻ ấy sẽ ra sao khi chịu sự thiệt thòi tình cảm không gì bù đắp nổi ấy. Bởi vậy, sau khi tiếp nhận đơn, chúng tôi luôn tìm mọi cách hòa giải, làm sao để các cặp vợ chồng hiểu, suy nghĩ kỹ và quay về vun đắp hạnh phúc, chăm lo cho con cái. Tuy nhiên, việc hòa giải thành chiếm tỷ lệ thấp và ít bền vững, bởi mâu thuẫn, sự rạn vỡ rất khó hàn gắn và cái tôi cá nhân của đương sự dường như ngày càng lớn, nhất là đối với giới trẻ.

Thực tế cho thấy, để có một cuộc hôn nhân hạnh phúc, bền vững cần sự quan tâm, chia sẻ, đồng cảm, thấu hiểu nhau cùng nhau giải quyết những áp lực công việc, kinh tế… Bởi vậy, các bạn trẻ trước khi tiến tới hôn nhân cần tìm hiểu nhau thật kỹ; trang bị đầy đủ kỹ năng, kiến thức hôn nhân, gia đình, biết nhận diện và tránh xa những cám dỗ, cạm bẫy của cuộc sống, một lòng hướng về mái ấm gia đình để cùng vun đắp hạnh phúc bền vững, để con cái không trở thành những đứa trẻ thiệt thòi.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202211/sau-nhung-cuoc-chia-ly-0007339/