Sầu riêng đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu
Sầu riêng đang được xem là cây ăn quả phát triển “nóng” ở Việt Nam nói chung và khu vực Nam Bộ nói riêng sau sự kiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với trái sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc vào ngày 11/7/2022.
Sau khi Nghị định thư này có hiệu lực, hàng trăm tấn sầu riêng của Việt Nam đã có mặt tại thị trường Trung Quốc và không ngừng gia tăng trong năm 2023 cũng như những tháng đầu năm 2024.
Một thời gian dài, do giá bán tăng cao, lợi nhuận mang lại cho nông dân rất lớn, nhiều người đã chuyển đổi diện tích đất trồng lúa, các loại cây trồng khác sang trồng sầu riêng. Việc phát triển “nóng” loại cây này đã và đang đặt ra nhiều thách thức đối với các cơ quan chuyên môn trong việc quản lý vùng trồng, cũng như duy trì đà tăng trưởng để phát triển theo hướng bền vững.
Diện tích sầu riêng tăng “nóng”
Việc phát triển quá nhanh về diện tích trồng sầu riêng ở hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre, trong đó có nhiều khu vực ngoài quy hoạch, chưa bảo đảm hạ tầng thủy lợi, nhất là những nông dân chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng sầu riêng chưa có nhiều kinh nghiệm, được cảnh báo sẽ gây ra nhiều hệ lụy về sau. Ông Nguyễn Văn Mới, xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) trồng được 0,3 ha sầu riêng giống Monthong được gần 5 năm tuổi.
Trong vụ mùa đầu tháng 2/2024, ông bắt đầu xử lý cho trái đầu tiên. Sau khi vườn sầu riêng đậu trái được gần một tháng thì gặp đợt cháy lá nặng. Cây suy yếu, nhiều cành nhánh bị chết, trái rụng dần. Gia đình ông quyết định cắt bỏ toàn bộ số trái để cứu vườn cây. Ngồi buồn nhìn vườn cây xơ xác, ông Nguyễn Văn Mới cho biết: “Trước đây, gia đình chuyên trồng lúa. Vài người dân ở đây bàn bạc và chuyển đổi từ đất lúa sang trồng sầu riêng.
Trong vụ trái đầu, chúng tôi chưa có nhiều kinh nghiệm, cho nên bị thiệt hại khá lớn. Không có lợi nhuận từ vụ trái đầu tiên mà cây suy kiệt, gia đình phải thuê cán bộ kỹ thuật chuyên trồng sầu riêng để cứu vườn cây. Tốn rất nhiều chi phí nhưng cây phục hồi khá chậm. Phải mất thêm gần một năm nữa, vườn sầu riêng này mới có thể xử lý trái trở lại. Việc trồng sầu riêng không dễ”.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, đề án phát triển cây sầu riêng của địa phương đến năm 2025 là từ 14.000-16.000 ha. Tuy nhiên, đến thời điểm này, diện tích sầu riêng đã tăng lên gần 22.000 ha. Trong đó, diện tích đang cho trái hơn 14.900 ha. Nếu trước đây, diện tích vùng chuyên canh sầu riêng chỉ tập trung ở các xã ven sông Tiền của các huyện Cai Lậy, Cái Bè, thì hiện nay đã mở rộng sang hầu hết các huyện, thị vùng kiểm soát lũ phía tây và vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Tiền Giang như: thị xã Cai Lậy, huyện Cai Lậy, Cái Bè, Tân Phước.
Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang Võ Văn Men cho biết: Quan điểm của ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang là không khuyến khích phát triển thêm diện tích trồng sầu riêng ở những vùng đất nhiễm phèn, nhiễm mặn hoặc ngoài các vùng quy hoạch, theo Nghị định 62 về việc chuyển đổi cây trồng ở vùng đất trồng lúa.
Tại tỉnh Bến Tre, diện tích sầu riêng cũng tăng khá nhanh và tập trung ở các vùng nước ngọt như: Chợ Lách, Châu Thành. Đến nay, địa phương có khoảng 2.760 ha trồng sầu riêng, trong đó có 1.935 ha cho trái. So với năm 2015, diện tích trồng sầu riêng tăng khoảng 700 ha.
Quyền Trưởng phòng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre) Nguyễn Phúc Hiệp cho biết: “Khi cây sầu riêng phát triển “nóng” tại các địa phương, ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre đã có công văn gửi các địa phương, các đơn vị trực thuộc khuyến cáo nông dân không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng tại các vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp”.
Theo Viện Cây ăn quả miền nam thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), diện tích trồng sầu riêng tăng nhanh trong những năm gần đây. Nếu như năm 2016, cả nước chỉ có 33.400 ha, thì năm 2022 đã có hơn 112.000 ha. Trong năm 2023, diện tích trồng sầu riêng tiếp tục được mở rộng và đạt khoảng 127.000 ha.
Trong hai năm gần đây, nhiều địa phương tăng tốc mở rộng diện tích trồng sầu riêng. Cả nước hiện đã vượt so với định hướng đặt ra khoảng 50.000 ha sầu riêng (Đề án Phát triển cây ăn trái chủ lực đến năm 2025 và 2030 theo Quyết định số 4085 ngày 27/10/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định hướng phát triển sầu riêng đến năm 2030 khoảng 65.000-75.000 ha). Đây là điều khiến nhiều người lo ngại vấn đề cung-cầu và giá cả sầu riêng sẽ diễn biến phức tạp.
Phát triển phải theo hướng bền vững
Để phát triển cây sầu riêng một cách bền vững, tỉnh Tiền Giang và Bến Tre đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, tăng cường liên kết, chế biến sản phẩm và đẩy mạnh xuất khẩu đi các nước. Hợp tác xã nông nghiệp Tân Phú (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) là hợp tác xã điển hình của tỉnh Bến Tre trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trái sầu riêng theo chuỗi giá trị. Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tân Phú Nguyễn Thị Thinh cho biết: “Hiện tại, hợp tác xã có 301 thành viên đã được công nhận 5 mã số vùng trồng, với diện tích 168 ha liên kết với Công ty Quỳnh Mai, Công ty Tây Nam và vựa trái cây 6 Thắm để tiêu thụ sản phẩm.
Hợp tác xã trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP và đang hoàn thiện để được công nhận sản phẩm OCOP từ 4 sao lên 5 sao nhằm phục vụ thị trường. Ngoài ra, hợp tác xã đang thực hiện đề tài chế biến sầu riêng bằng công nghệ sấy để chế biến sâu, tăng giá trị quả sầu riêng. Hiện tại hợp tác xã đã được chỉ dẫn địa lý cho 200 ha sầu riêng”.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre Huỳnh Quang Đức cho biết:Ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre đang tập trung phối hợp với các địa phương thực hiện Nghị quyết 07 năm 2021 của Tỉnh ủy Bến Tre về xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre, giai đoạn 2020-2025; trong đó, có cây sầu riêng. Việc phát triển cây sầu riêng tại tỉnh Bến Tre trong thời gian qua đã chú trọng nâng cao chất lượng, thống nhất quy trình canh tác theo tiêu chuẩn an toàn hoặc tương đương và sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết để có vùng nguyên liệu lớn.
Đồng thời, địa phương tập trung xây dựng mã số vùng trồng nội địa và xuất khẩu để bảo đảm liên kết tiêu thụ, hạn chế cung vượt cầu, dư thừa, dội chợ. Ngoài ra, đầu ra của sản phẩm phải thông qua các liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ, sản xuất theo yêu cầu của nước nhập khẩu…”.
Tỉnh Tiền Giang đã xây dựng và triển khai Đề án phát triển cây sầu riêng đến năm 2025 và Dự án xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sầu riêng tỉnh Tiền Giang. Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, toàn vùng hình thành được 15 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp kiểu mới, thu hút gần 16.000 thành viên.
Mạng lưới các hợp tác xã trong vùng chuyên canh sầu riêng này đang phát huy vai trò kinh tế tập thể kiểu mới, tổ chức lại sản xuất nhằm nâng cao giá trị trái sầu riêng thông qua hình thành chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ, áp dụng khoa học-công nghệ, gắn kết sản xuất và kinh doanh, ứng dụng công nghệ xử lý sau thu hoạch, chế biến sâu và giảm tổn thất sau thu hoạch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm...
Ngoài ra, ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang cũng tích cực hỗ trợ các hợp tác xã, nông dân trồng sầu riêng phát triển sản xuất, chú trọng chuyển giao khoa học-kỹ thuật giúp giảm chi phí đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu; xây dựng và phát triển hệ thống dịch vụ sản xuất và tiêu thụ sầu riêng gắn với xúc tiến thương mại và phát triển thị trường…
Đặc biệt, tỉnh hướng dẫn nông dân về kỹ thuật trồng sầu riêng an toàn theo hướng VietGAP hoặc GlobalGAP, kỹ thuật ủ phân hữu cơ bón cho cây trồng, kỹ thuật tỉa cành, tạo tán, xử lý ra hoa rải vụ, tưới phun sương tự động tiết kiệm nước…
Đồng thời, các ngành chức năng của tỉnh tích cực kết nối cung-cầu, tìm kiếm và mở rộng thị trường cho trái sầu riêng thông qua các kênh phân phối lớn như: Các siêu thị, trung tâm thương mại; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã chuyên canh sầu riêng tham dự, tìm kiếm cơ hội làm ăn tại các hội chợ kết nối cung-cầu hàng hóa; phối hợp Cục Xúc tiến thương mại, Hiệp hội Rau quả Việt Nam hỗ trợ các doanh nghiệp và hợp tác xã tham gia các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia và quốc tế. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Tiến sĩ Đoàn Hữu Tiến, Viện Cây ăn quả miền nam cho biết: Để duy trì sự tăng trưởng về thị trường nói chung và xuất khẩu nói riêng cho ngành hàng sầu riêng là vấn đề đặt ra cho nhà quản lý cũng như giới thương mại. Khi thị trường biến động, xuất khẩu gặp trục trặc sẽ tác động tiêu cực đến nhiều đối tượng, nhất là nông dân trồng sầu riêng.
Chính vì vậy, chúng ta cần phải quan tâm đến tất cả các khâu của chuỗi cung ứng sầu riêng; trong đó, khâu sản xuất sầu riêng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, bảo đảm đáp ứng yêu cầu thị trường về quy cách sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, trước và sau thu hoạch; thực hiện tốt khâu truy xuất nguồn gốc, có mã vùng trồng, mã nhà đóng gói… là giải pháp căn cơ để tạo lòng tin lâu dài và góp phần vào việc duy trì thị trường xuất khẩu sầu riêng lâu bền.
Nhu cầu thị trường Trung Quốc đối với trái sầu riêng còn có xu hướng tăng, song sắp tới việc cạnh tranh giữa sầu riêng sản xuất từ các nước như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Campuchia, Lào… với sầu riêng của Việt Nam sẽ trở nên gay gắt hơn. Vì vậy, sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc phải tuân thủ các luật, quy định và tiêu chuẩn liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm của Trung Quốc và các yêu cầu trong Nghị định thư.
Theo Tiến sĩ Đoàn Hữu Tiến, nhà vườn và doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ và cùng nhau sản xuất sầu riêng bảo đảm an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật và truy xuất nguồn gốc. Nếu trái sầu riêng của Việt Nam không chú trọng cải thiện về chất lượng, mẫu mã và đáp ứng các yêu cầu của thị trường Trung Quốc thì sẽ tự làm khó cho mình khi xuất khẩu vào thị trường này.