Sầu riêng không đạt chuẩn, giải cứu hay tiêu hủy?
Năm 2024, với kim ngạch xuất khẩu đạt 3,3 tỷ USD, sầu riêng trở thành 'ngôi sao' của nông sản Việt Nam. Thế nhưng chỉ trong 4 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu sầu riêng lại đang sụt giảm mạnh và chưa biết cú trượt dài này sẽ kéo dài đến khi nào.

Còn nhớ, trong năm 2024, khi nói đến sầu riêng hầu hết đều thấy báo chí thông tin giá sầu riêng liên tục đạt đỉnh, kim ngạch xuất khẩu tháng sau phá kỷ lục của tháng trước, sầu riêng Việt Nam có nhiều lợi thế so với đối thủ Thái Lan khi xuất sang Trung Quốc (thị trường chiếm tới 90% sản lượng sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam).
Tất nhiên, lúc đó cũng có không ít bài báo cảnh báo về việc diện tích trồng sầu riêng mở rộng quá nhanh, nhiều trường hợp mua bán giả mạo mã số vùng trồng, đóng gói, thận trọng không sầu riêng thành sầu chung rồi phải giải cứu.
Nhưng niềm vui vẫn át đi những cảnh báo. Cả người trồng lẫn toàn ngành vẫn hồ hởi đặt mục tiêu mới cho “ngôi sao” nông sản trong năm 2025. Thậm chí, người còn kỳ vọng, sầu riêng sẽ phá kỷ lục với kim ngạch khoảng 3,5 tỷ USD trong năm 2025.
Trái ngược với kỳ vọng, những tháng đầu năm, sự sụt giảm của kim ngạch xuất khẩu sầu riêng như cú giáng mạnh khiến không ít người phải bừng tỉnh sau cơn say kim ngạch. Cụ thể, 4 tháng đầu năm 2025, nước ta xuất khẩu được 35.000 tấn sầu riêng, kim ngạch đạt 120-130 triệu USD. Trong khi cùng kỳ năm 2024, chỉ riêng xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đã lên tới 79.300 tấn, giá trị gần 370 triệu USD.
Kim ngạch giảm mạnh kéo theo giá sầu riêng tại các vùng trồng cũng lao dốc. Những bài báo kiểu như sầu riêng bán lề đường, giá sầu riêng chỉ còn 30.000 đồng/ký… xuất hiện khiến người đọc xót xa. Nguyên nhân của sự sụt giảm xuất khẩu là do từ cuối năm 2024 đến nay, Trung Quốc phát hiện sầu riêng Việt Nam và Thái Lan đều nhiễm Cadimi.
Sau đó, Trung Quốc lại phát hiện chất vàng O (chất có thể gây ung thư) trên sầu riêng của Thái Lan vào cuối năm ngoái. Do đó, hải quan Trung Quốc yêu cầu 100% lô hàng phải có giấy kiểm nghiệm Cadimi và vàng O mới được thông quan. Yêu cầu này áp dụng cho sầu riêng nhập khẩu từ tất cả các quốc gia.
Vấn đề được quan tâm ở đây là chỉ sau một thời gian ngắn Trung Quốc đưa ra quy định này, đến nay theo thông tin báo chí sầu riêng Thái Lan chỉ bị kiểm tra với tần suất 30%, thay vì 100% như trước và được cấp "luồng xanh" thông quan sang Trung Quốc. Trong khi đó Việt Nam vẫn bị kiểm tra 100%.
Vậy Thái Lan đã làm như thế nào. Họ hỏa tốc xây dựng hệ thống hơn 300 phòng kiểm nghiệm nhỏ để kiểm tra chất lượng sầu riêng ngay tại các vườn trồng. Đây là bước sàng lọc đầu tiên, làm căn cứ để các doanh nghiệp mua hàng từ các nhà vườn.
Bước thứ hai, các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng phải đưa hàng đến các phòng kiểm nghiệm được Trung Quốc công nhận để sàng lọc một lần nữa trước khi được cấp giấy chứng nhận. Sau hai bước sàng lọc tỷ lệ vi phạm khi kiểm tra ở cửa khẩu xuống mức rất thấp dù bị kiểm tra 100% và mang về kết quả có “luồng xanh” cho sầu riêng Thái Lan.
Được biết, chúng ta hiện chưa có phòng kiểm nghiệm tại các vùng trồng mà chỉ đưa thẳng đến các trung tâm kiểm nghiệm Cadimi và vàng O được Trung Quốc công nhận. Thế nhưng, do hoạt động này theo dạng đem mẫu đi kiểm nghiệm nên khi tới cửa khẩu tỷ lệ vi phạm khi kiểm tra vẫn cao.
Giả sử Việt Nam đầu tư nhiều phòng kiểm nghiệm mini tại các vùng trồng liệu sầu riêng có thể bon bon xuất đi Trung Quốc như trước đây hay không? Việc này chưa chắc, bởi chúng ta muốn quay lại thời hoàng kim phải giải quyết tận gốc của vấn đề. Một số doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng lớn cho biết dù đầu tư kiểm nghiệm Cadimi tại vườn nhưng nguồn cung đạt chuẩn rất hạn chế.
Nhiều nông dân không biết cách thức loại trừ chất cấm Cadimi ra sao. Đây cũng là một phần của hệ lụy chạy theo phong trào, chỉ nhìn vào lợi nhuận lúc giá cao mà không có kiểm soát tốt ngay từ đầu.
Lúc này vai trò của cơ quan chức năng hết sức quan trọng. Chúng ta phải kiểm soát lại các vùng trồng, cơ sở đóng gói được cấp mã số xem đã làm chuẩn theo yêu cầu kỹ thuật theo nghị định thư hay chưa. Xử lý mạnh tay những nơi chưa đạt yêu cầu và những nơi giả mạo mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để xuất khẩu.
Đồng thời, cơ quan chức năng cũng như địa phương, doanh nghiệp, người nông dân phải bắt đầu xắn tay ngay vào việc liên kết sản xuất bền vững có kiểm soát từ đất, phân, nước mới có thể giải bài toán Cadimi. Khá nhiều chuyên gia đang lên tiếng rất tích cực khi đưa ra nhiều giải pháp để giải quyết tận gốc vấn đề. Đây là cơ hội để “các nhà” cùng ngồi lại xây dựng ngành nông nghiệp sầu riêng bền vững thực sự.
Tất nhiên, với diện tích vùng trồng lớn, số lượng hộ liên kết làm theo chuẩn với các doanh nghiệp còn khiêm tốn, công việc chắc chắn sẽ rất nhiều. Nhưng nếu chúng ta không nhanh chóng và dứt khoát hệ lụy sẽ càng khó lường. Hơn nữa, với những lô hàng không đạt chuẩn nếu đem ra tiêu thụ nội địa ai sẽ bảo đảm cho sức khỏe của người dân.
Dễ thấy cứ mỗi khi nông sản xuất khẩu gặp khó chúng ta lại kêu gọi người tiêu dùng giải cứu. Nhưng giải cứu những sản phẩm bị nhà nhập khẩu trả về do nhiễm kim loại nặng và chất gây ung thư như sầu riêng thật nguy hiểm. Chúng ta cũng cần thêm việc kiểm soát những sản phẩm quay đầu, nếu cần thiết phải tiêu hủy chứ không thể để hàng ra thị trường nội địa tiêu thụ.
Việc mạnh tay ngay từ bây giờ có thể khiến một bộ phận người trồng bị thiệt hại, kim ngạch xuất khẩu có thể chưa phục hồi ngay nhưng lâu dài uy tín và đường đi của sầu riêng Việt Nam mới có thể rộng mở và bền vững. Từ vài năm nay những cảnh báo về việc thị trường Trung Quốc đã không còn dễ tính được báo chí nói đến nhiều nhưng dường như chúng ta vẫn còn chủ quan.
Và hệ lụy đang từng bước thấy rõ. Chúng ra đang bước vào chính vụ sầu riêng (từ cuối tháng 4 đến tháng 9) khó khăn vẫn còn rất lớn và cũng chưa biết khả năng kim ngạch sẽ ra sao trong khi đối thủ chính là Thái Lan vẫn tăng tốc chiếm thị phần ở thị trường tỷ USD Trung Quốc.
Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/sau-rieng-khong-dat-chuan-giai-cuu-hay-tieu-huy-post122972.html