Sau sáp nhập, bất động sản TP.HCM đứng trước cơ hội tái cấu trúc thị trường
Việc sáp nhập và mở rộng địa giới hành chính đang mở ra cơ hội tái cấu trúc mạnh mẽ cho thị trường bất động sản TP.HCM, song quá trình phục hồi vẫn được dự báo diễn ra chậm và chưa có đột phá rõ rệt trong ngắn hạn.
Thị trường bật tín hiệu phục hồi nhưng chưa bứt phá
Theo báo cáo mới nhất của Sở Xây dựng TP.HCM gửi Bộ Xây dựng, 5 tháng đầu năm 2025, doanh thu kinh doanh bất động sản đạt hơn 117.300 tỷ đồng, chiếm hơn 57% tổng doanh thu dịch vụ và tăng gần 12% so với cùng kỳ 2024. Đây là dấu hiệu tích cực sau giai đoạn giảm sâu trong năm 2023.
TP.HCM đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 14 dự án nhà ở với tổng diện tích hơn 309.000 m², tổng vốn hơn 15.000 tỷ đồng, đồng thời triển khai 31 dự án nhà ở thương mại quy mô hơn 20.000 căn, bên cạnh 4 dự án nhà ở xã hội và nhà ở công nhân quy mô gần 3.000 căn.
Sở Xây dựng ghi nhận một số dự án "đắp chiếu" nhiều năm đã được tháo gỡ, tái khởi động; các dự án mới cũng bắt đầu xuất hiện, tạo thêm nguồn cung. Tuy nhiên, phân khúc cao cấp vẫn chiếm ưu thế, trong khi nhà ở vừa túi tiền và nhà ở xã hội chưa có chuyển biến mạnh.
Điểm đáng chú ý là quá trình sáp nhập, hợp nhất địa giới hành chính TP.HCM với Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu đang mở rộng không gian đô thị, tái cấu trúc mô hình phát triển vùng. Đây là cơ hội để tái phân bố dân cư, hạ tầng và nguồn lực đầu tư, đồng thời tạo "cú hích" cho các dự án bất động sản ven đô và vùng giáp ranh.
Theo các chuyên gia, động lực tăng trưởng mới sẽ đến từ những khu vực kết nối hạ tầng liên vùng, đặc biệt là các dự án giao thông trọng điểm, cảng biển, logistics, cũng như các khu đô thị vệ tinh được định hướng trong quy hoạch chung mở rộng TP.HCM.
Sở Xây dựng nhận định, việc hợp nhất sẽ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư phát triển nhà ở, đặc biệt là các doanh nghiệp có chiến lược dài hạn về đô thị thông minh, đô thị xanh và nhà ở đáp ứng nhu cầu thực của người dân.

Theo Sở Xây dựng, thị trường bất động sản ở TP.HCM đã dần phục hồi.
Cơ hội tái cấu trúc sản phẩm và mô hình phát triển
Sở Xây dựng TP.HCM nhận đinh, trong năm 2025, thị trường bất động sản TP.HCM tiếp tục phục hồi nhưng vẫn thận trọng, chưa có bứt phá mạnh. Giá có thể tăng nhẹ ở một số phân khúc do tác động từ bảng giá đất mới, nhưng sẽ không xảy ra "sốt giá".
Nguồn cung mới được bổ sung từng bước, lượng giao dịch dự kiến tăng nhưng vẫn phụ thuộc nhiều vào tiến độ tháo gỡ pháp lý và khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp. Phân khúc căn hộ chung cư vẫn là điểm sáng nhờ nhu cầu ở thực cao, trong khi phân khúc đất nền và nghỉ dưỡng có thể tiếp tục trầm lắng.
Đáng chú ý, các chính sách mới về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản và tín dụng có hiệu lực từ 1/8/2024 được kỳ vọng sẽ cải thiện niềm tin thị trường, tạo điều kiện cho các dự án triển khai thuận lợi hơn.
Các chuyên gia cho rằng, giai đoạn hậu sáp nhập là thời điểm tái cấu trúc thị trường bất động sản. Không chỉ mở rộng quỹ đất và không gian phát triển, TP.HCM còn có cơ hội định hình lại mô hình phát triển đô thị, hướng đến các khu đô thị đa trung tâm, giảm áp lực cho khu vực nội đô cũ.
Việc quy hoạch đồng bộ hạ tầng, xác định rõ khu vực phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và khu đô thị mới sẽ quyết định xu hướng thị trường những năm tới. Nếu được triển khai hiệu quả, TP.HCM sau sáp nhập có thể trở thành đầu tàu bất động sản của vùng Đông Nam Bộ và cả nước, với cơ cấu sản phẩm đa dạng và phát triển bền vững hơn.