Cần Thơ: 67 công trình trọng điểm chậm tiến độ, giải ngân đạt 21%
Sau khi hợp nhất, TP Cần Thơ có 67 công trình trọng điểm, trong đó các dự án có mức vốn đầu tư từ 100 tỷ đồng trở lên chiếm hơn 73%. Tuy nhiên, theo báo cáo của các chủ đầu tư, tiến độ triển khai các công trình còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.
Vốn đầu tư nhiều nhưng giải ngân thấp
Theo Sở Tài chính TP Cần Thơ, sau sáp nhập, tổng vốn đầu tư công toàn thành phố gần 30.000 tỷ đồng, trong đó TP Cần Thơ (cũ) hơn 12.000 tỷ đồng, tỉnh Hậu Giang (cũ) gần 7.600 tỷ đồng và tỉnh Sóc Trăng (cũ) hơn 9.200 tỷ đồng. Thành phố đã bàn giao chi tiết hơn 27.000 tỷ đồng. Đến ngày 30/6, giá trị giải ngân mới đạt hơn 7.300 tỷ đồng, tương đương 26,37% so với quyết định của Thủ tướng giao.

Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ (bìa phải) kiểm tra dự án Bệnh viện Ung bướu chậm tiến độ.
TP Cần Thơ có 67 công trình trọng điểm với tổng vốn đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng nhưng tiến độ giải ngân còn chậm, chỉ đạt hơn 21% kế hoạch vốn được giao. Đáng chú ý, nhiều công trình giao thông được bố trí vốn lớn nhưng tỷ lệ giải ngân vẫn rất thấp.
UBND TP Cần Thơ cho biết, trong năm 2025, tổng nguồn vốn giao cho Ban Quản lý (BQL) dự án đầu tư xây dựng TP Cần Thơ (cũ), BQL dự án 2 (Sóc Trăng cũ) và BQL dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp Hậu Giang (cũ) là trên 15.800 tỷ đồng, nhưng đến nay mới giải ngân đạt khoảng 30% tổng nguồn vốn đầu tư.
Theo báo cáo, BQL dự án ODA Cần Thơ đã cơ bản hoàn thành 2/4 dự án do Ban làm chủ đầu tư, đồng thời đang triển khai dự án cơ giới hóa nông nghiệp Việt Nam và dự án nâng cấp đô thị TP Cần Thơ. Tại BQL dự án 1 hiện có 11 dự án chuyển tiếp từ năm 2024, trong đó 7 dự án đang khởi công mới và 4 dự án chuẩn bị đầu tư.
Vướng giải phóng mặt bằng, thiếu vật liệu
Sở Xây dựng TP Cần Thơ cho rằng nguyên nhân khiến các công trình, dự án chậm tiến độ là do khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, thiếu hụt nguyên vật liệu như cát, đá; giá vật liệu tăng cao; một số nhà thầu không đảm bảo năng lực thi công.
BQL dự án 2 hiện đang quản lý 21 dự án chuyển tiếp, 3 dự án khởi công mới và 1 dự án chuẩn bị đầu tư. Riêng dự án thành phần 4 thuộc dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tổng mức đầu tư 11.961 tỷ đồng, đã hoàn thành giải phóng mặt bằng 100%. Tuy nhiên, tổng giá trị thực hiện dự án mới đạt 33,5% giá trị hợp đồng. Trong đó, phần cầu đạt trên 70% khối lượng, còn phần đường thi công chậm do thiếu nguồn cát san lấp.
Ông Lê Minh Cường - Giám đốc BQL dự án Đầu tư xây dựng TP Cần Thơ (cũ) cho biết: "Ban đang quản lý trên 6.116 tỷ đồng, đến đầu tháng 7/2025 đã giải ngân hơn 1.507 tỷ đồng, đạt hơn 25% tổng nguồn vốn. Hiện có 14 dự án đang thực hiện thủ tục quyết toán".

Một công trình trọng điểm ở TP Cần Thơ chậm tiến độ do vướng mặt bằng.
Đối với dự án thành phần 2 thuộc cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tổng khối lượng thi công khoảng 2.493 tỷ đồng, đạt gần 40%. Tuy nhiên, việc hỗ trợ và tái định cư vẫn còn chậm, đặc biệt đối với các dự án hạ tầng giao thông như xây dựng và nâng cấp đường tỉnh 917, đường tỉnh 918 giai đoạn 2, cầu Kênh Ngang. Đây là nguyên nhân chính ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thi công và giải ngân vốn.
Hiện tình hình khai thác mỏ cát ở hạ nguồn sông Hậu đang dần cạn kiệt. Một số nhà thầu cho biết, nguồn khai thác chủ yếu là cát pha bùn, chất lượng không ổn định. Sóc Trăng (cũ) hiện có 3 mỏ cát đang dự kiến khai thác với trữ lượng khoảng 5.000m³ và một mỏ cát biển dự kiến khai thác khoảng 2 triệu m³. Do đó, cần sự phối hợp của các ngành chuyên môn để thúc đẩy tiến độ khai thác, đáp ứng nhu cầu cát san lấp phục vụ các công trình trọng điểm.
Cần tháo gỡ vướng mắc kịp thời
Nhiều ý kiến đề nghị UBND TP Cần Thơ sớm chỉ đạo ngành chức năng thành lập hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để nhanh chóng hoàn thành công tác hỗ trợ, tái định cư cho các dự án còn chậm tiến độ. Đồng thời, thành phố cần xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư dự án kè sông Cần Thơ ứng phó biến đổi khí hậu.
Ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nhấn mạnh: "Vốn còn rất lớn, nhưng đến nay chúng ta mới giải ngân được 26,37% là quá chậm. Các chủ đầu tư phải khẩn trương rà soát, phân loại từng dự án, xây dựng báo cáo chi tiết hàng tuần, hàng tháng để đến ngày 31/12/2025 phải hoàn thành dứt điểm".

Dự án thành phần 4 thuộc dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng rất cần cát.
Đối với các sở, ban, ngành và địa phương, Chủ tịch UBND TP yêu cầu nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, phân công cấp phó phụ trách, kiểm tra tiến độ từng dự án và báo cáo định kỳ. "Những dự án có vốn lớn phải báo cáo hàng tuần hoặc hai tuần một lần cho UBND TP để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn. Các dự án còn vướng giải phóng mặt bằng phải rà soát kỹ, phân loại cụ thể để có giải pháp xử lý dứt điểm", ông Trần Văn Lâu chỉ đạo.
Đối với nguồn vật liệu san lấp, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ yêu cầu Sở Nông nghiệp và Môi trường cần chủ động rà soát đánh giá trữ lượng các mỏ cát trên địa bàn báo cáo UBND thành phố. Nếu nguồn cát tại chỗ thiếu so với nhu cầu phải trình UBND thành phố để có giải pháp phối hợp các tỉnh, thành phố khu vực hỗ trợ nhằm đáp ứng nhu cầu san lấp cho các công trình. Sở Nội vụ sớm trình đề án hợp nhất các ban quản lý dự án, trung tâm phát triển quỹ đất, các chi nhánh hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khu vực để bộ máy mới đi vào hoạt động phục vụ tốt giải pháp mặt bằng cho các dự án.