Sau sự cố trượt đại học, tôi thấy mình sai lầm khi nghĩ đến cái chết
Trượt đại học, tôi thấy mình như kẻ tội đồ khiến bản thân và mẹ cha nhục nhã, tương lai đen tối, thậm chí từng sai lầm nghĩ đến cái chết.
Chuyện một nữ sinh ở Quảng Nam tự tử sau khi biết không đủ điểm vào trường đại học mình mong muốn khiến tôi nhói lòng khi nhớ lại câu chuyện của chính mình 7 năm trước. Năm đó, lớp tôi có tỷ lệ đỗ cao nhất trường, nhưng trong số đó không có tôi - một trong những học sinh khá nhất lớp. Bản thân tôi, gia đình, họ hàng, bạn bè và thầy cô giáo, không ai nghĩ rằng tôi trượt đại học.
Từ nhỏ đến lớn, tôi luôn là niềm tự hào của gia đình. Có một cuộc đua ngầm giữa tôi và M., cậu em con chú và cũng là hàng xóm, về thành tích học tập. Thực ra, đây là cuộc đua giữa bố mẹ tôi và bố mẹ M., khiến chúng tôi bị cuốn theo.
M. bằng tuổi tôi, học cùng lớp với tôi từ bé. Nó học cũng khá nhưng luôn luôn kém tôi chút xíu, chỉ lâu lâu tôi giảm sút phong độ mới có thể vượt lên. Có điều nó đẹp trai hơn, hoạt động đoàn đội nhiệt tình hơn nên xét về độ nổi trong trường thì chúng tôi một chín một mười. Hai đứa thân thiết, và đều sợ những lần họp họ, giỗ chạp, cưới xin, khi hai bà mẹ tự hào khoe con và ngầm “dìm hàng đối thủ”.
Trong khi tôi trượt, M. đỗ vào trường đại học mà cậu ấy mong muốn. Dù mừng cho cậu ấy, nhưng chính điều đó khiến tôi đau khổ, nhất là những lần mẹ tôi nhắc đến M. như một lời trách móc. Tôi thấy trời đất như sụp đổ, nhục nhã và mất phương hướng, cảm thấy mình như một tên tội đồ khi bôi tro trát trấu vào mặt cha mẹ mình.
Ở quê mọi người rất quan tâm đến nhau, nên hễ gặp tôi là láng giềng, họ hàng đều hỏi thăm, an ủi, rồi lại nhắc đến M. và những người thi đỗ khác trong xóm, những người có sức học kém xa tôi. Bố mẹ tôi cũng bị “tra tấn” như vậy, nhất là bởi thím tôi, mẹ của M. Những ngày đó chúng tôi đều tránh ra đường, tránh gặp gỡ, nhưng các sự kiện của họ mạc thì bố mẹ vẫn phải tham gia, và mỗi lần họ trở về nhà với gương mặt nặng trĩu là tôi lại không dám nhìn vào mắt họ.
Bố mẹ không mắng tôi, nhưng vẻ thất vọng, buồn bã của họ khiến tôi thấy mình thật đáng chết, là kẻ đại bất hiếu. Dù ở nông thôn, suốt bao nhiêu năm tôi không phải đụng tay đến việc gì, chỉ ăn và học, vậy mà cuối cùng lại giáng cho bố mẹ một đòn như vậy.
Mặc dù hạ quyết tâm thi đỗ trong năm sau, tôi vẫn từ chối đi luyện thi, phần vì thấy mình không xứng đáng tiêu tốn tiền bạc của bố mẹ, phần vì không muốn gặp ai, không muốn ra đường. Tôi hứa sẽ tự học, nhưng tinh thần sa sút đến mức đọc không vào một chữ. Với bạn bè, tôi cũng gần như cắt đứt liên lạc, mạng xã hội cũng chẳng dám dùng vì sợ nhìn thấy cảnh bạn bè khoe đỗ đạt, khoe chuyện học hành, vui chơi ở trường mới…
Tôi đóng cửa ở nhà, cũng không biết từng ngày trôi qua như thế nào khi thực chất chẳng làm gì cả. Tôi ăn không biết ngon, ngủ khó, ngay cả đọc sách, chơi game cũng không thiết, và cảm thấy nhẹ cả người khi bố mẹ ra khỏi nhà đi làm. Càng ngày mặc cảm tội lỗi càng lớn, tôi thấy tương lai một màu tối đen khi không thể tập trung vào sách vở. Khoảng 4 tháng sau khi biết mình trượt đại học, ý nghĩ tự tử xuất hiện và bám lấy tâm trí tôi không dứt.
Rất may là tôi không đủ dũng khí để tự chấm dứt đời mình, hoặc chưa kịp đi đến mức có hành động sai lầm không thể cứu vãn ấy. Dì ruột tôi ở TP.HCM trong một lần về thăm, thấy tình trạng của tôi liền bảo với bố mẹ là tôi trầm cảm và nhất định giục đưa đến chuyên gia tâm lý. Nhờ đó, tôi ổn dần. Rồi tôi cũng vào đại học, chậm hơn các bạn 2 năm.
Bây giờ với cái nhìn của người trưởng thành, tôi thấy chuyện trượt đại học không phải là bi kịch quá lớn, rằng có nhiều cách để bước vào đời, nhưng nam sinh 17 tuổi ngày đó không biết như vậy. Sau này tôi được biết ở trung tâm mà tôi đến trị liệu tâm lý, vào thời đó có 3 bạn khác cũng bị khủng hoảng như mình.
Ơn trời vì tuy sống ở nông thôn, tôi vẫn có cơ duyên được hỗ trợ tâm lý để tìm lại chính mình. Hy vọng các em học sinh sau này được chuẩn bị tốt hơn về mọi mặt để vượt qua thất bại của kỳ tuyển sinh đại học, để không còn những trường hợp tự sát vì lý do này nữa.