Sau thuế bảo vệ môi trường, giải pháp nào để kìm giá xăng, dầu?

Từ 1-4, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ chính thức được điều chỉnh giảm. Việc này sẽ giúp hạ nhiệt giá xăng, dầu trong nước. Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia, cần xem xét tới các công cụ khác để phối hợp điều hành giá xăng, dầu, tránh tăng giá đột biến, tránh gây tổn hại cho nền kinh tế.

Giải pháp cần thiết hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Theo nghị quyết, từ 1-4, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng giảm 2.000 đồng/lít, từ 4.000 đồng/lít xuống 2.000 đồng/lít. Bên cạnh đó, thuế bảo vệ môi trường đối với dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn giảm 1.000 đồng/lít, từ 2.000 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn giảm 1.000 đồng/kg, từ 2.000 đồng/kg xuống 1.000 đồng/kg; dầu hỏa giảm 700 đồng/lít, từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít. Mức giảm được áp dụng tới hết ngày 31-12-2022.

Giá xăng, dầu được kỳ vọng sẽ giảm mạnh trong ngày 1-4. Ảnh: HIỀN ANH

Giá xăng, dầu được kỳ vọng sẽ giảm mạnh trong ngày 1-4. Ảnh: HIỀN ANH

Hiện trong cơ cấu giá xăng, dầu cơ sở, mỗi lít xăng, dầu bán ra đang chịu 4 loại thuế gồm: Thuế giá trị gia tăng; nhập khẩu; tiêu thụ đặc biệt và bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, việc áp dụng giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu sẽ góp phần trực tiếp làm giảm giá bán lẻ của các mặt hàng này. Cụ thể, với mức giảm thuế này, giá bán lẻ (bao gồm cả thuế giá trị gia tăng) sẽ được giảm 2.200 đồng/lít đối với xăng; 1.100 đồng/lít đối với dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn; 1.100 đồng/kg đối với mỡ nhờn; 770 đồng/lít đối với dầu hỏa.

Xăng, dầu vừa là mặt hàng chiến lược, quan trọng, vừa là mặt hàng thiết yếu có tác động mạnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô. Theo các chuyên gia kinh tế, việc điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn dù sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng gần 24.000 tỷ đồng nhưng đây là giải pháp phù hợp và cần thiết để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh khó khăn vì đại dịch.

Cần phải tính tới các công cụ thuế linh hoạt hơn

Trong bối cảnh Quỹ bình ổn giá xăng, dầu đang trong trạng thái cạn kiệt, theo các chuyên gia, không thể trông chờ vào quỹ này để kìm đà tăng giá mặt hàng quan trọng này. Theo đó, để kìm đà tăng giá chỉ có thể trông chờ vào biện pháp từ giảm thuế, phí cấu thành giá.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, thời gian qua, hai Bộ Công Thương và Tài chính đã sử dụng rất tốt Quỹ bình ổn giá xăng, dầu để điều hành giá. Tuy nhiên, trong bối cảnh quỹ bình ổn có hạn cần có các giải pháp, công cụ khác để phối hợp điều hành giá xăng, dầu, tránh tăng đột biến, tránh gây tổn hại cho nền kinh tế. Hiện, khoảng 40% trong giá xăng, dầu là thuế phí. Theo đó, để điều tiết mức tăng của giá xăng, dầu, ngoài thuế bảo vệ môi trường, cần xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng. “Nhưng cần lưu ý, mức giảm nhiều quá thì sẽ hụt thu ngân sách, do vậy điều chỉnh chính sách về thuế cần sự đánh giá, tính toán một cách toàn diện”, ông Nguyễn Bích Lâm nêu quan điểm.

Cùng cách nhìn nhận, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho rằng, để kìm giá xăng, dầu cần phải tính tới các công cụ thuế linh hoạt hơn, như bài toán giảm thuế môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu; phải có chiến lược tiết kiệm, chuyển đổi dần trong cơ cấu sử dụng năng lượng thân thiện hơn với môi trường...

Diễn biến của thị trường xăng, dầu trong thời gian qua một lần nữa cho thấy, việc quản lý giá xăng, dầu, thị trường xăng, dầu nói riêng và bảo đảm an ninh năng lượng nói chung cần một chính sách đồng bộ, dài hạn của tất cả các bộ, ngành liên quan với những kịch bản cụ thể để có sự ứng phó kịp thời trước những biến động khó lường của thị trường thế giới. Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng, dầu bám sát diễn biến giá xăng, dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng, dầu trong nước để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng, dầu (doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu, doanh nghiệp sử dụng xăng, dầu làm đầu vào cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng). Để ổn định giá xăng, dầu trong nước, Bộ Công Thương kiến nghị Bộ Tài chính rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở mặt hàng xăng, dầu như mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức, phí đưa xăng, dầu từ nước ngoài về Việt Nam và các loại thuế cho phù hợp nhằm bảo đảm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng, dầu.

Giá xăng, dầu có thể được điều chỉnh sớm hơn vào ngày mai (1-4)

Chiều 30-3, tại họp báo thường kỳ Bộ Công Thương, trả lời câu hỏi về việc điều hành giá xăng, dầu ngày 1-4, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết quy định điều hành giá xăng, dầu vẫn sẽ phụ thuộc giá thế giới. Tuy nhiên, kỳ điều hành giá xăng, dầu ngày 1-4 sẽ có điểm hơi khác so với kỳ điều hành bình thường. Cụ thể, bình thường vào lúc 15 giờ các ngày 1, 11 và ngày 21 hằng tháng, giá xăng, dầu sẽ được điều chỉnh (tức là 10 ngày một lần). Song với việc thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn chính thức có hiệu lực, việc điều chỉnh giá xăng, dầu trong ngày 1-4 có thể thực hiện sớm hơn. Liên Bộ Công Thương-Tài chính sẽ điều hành làm thế nào mang lại lợi ích cao nhất cho người dân, doanh nghiệp. Về nguồn cung xăng, dầu trong thời gian tới, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối nỗ lực bảo đảm đủ nguồn cung trong nước trong quý II-2022.

VŨ DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/sau-thue-bao-ve-moi-truong-giai-phap-nao-de-kim-gia-xang-dau-690254