Sau 'thuế đường', Thái Lan đang tính đánh 'thuế muối' ở thực phẩm
Sau thành công của 'thuế đường', Thái Lan đang tính đánh 'thuế muối' ở thực phẩm nhằm góp phần thay đổi hành vi tiêu dùng.
Sau thành công của 'thuế đường', Thái Lan đang tính đánh 'thuế muối' ở thực phẩm nhằm góp phần thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng lành mạnh hơn, tờ Bangkok Post đưa tin ngày 15-8 đưa tin.
Thái Lan đã áp dụng thành công “thuế đường” (thuế áp lên thực phẩm có đường) từ năm 2017.
Ông Ekniti Nitithanprapas - Cục trưởng Cục Thuế tiêu thụ đặc biệt thuộc Bộ Tài chính Thái Lan - đánh giá rằng 'thuế đường' đã phát huy hiệu quả trong việc giảm lượng đường tiêu thụ của người dân Thái Lan.
Theo nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Dân số và Xã hội tại ĐH Mahidol (Thái Lan) thực hiện vào năm 2018, mức tiêu thụ đồ uống có hàm lượng đường từ 10-14g/100ml ở Thái Lan trước khi áp dụng 'thuế đường' là 2,99 tỉ lít mỗi năm, cao gấp 4 lần so với 728 triệu lít/năm ở thời điểm hiện tại.
Ông Ekniti cho biết 'thuế muối' sẽ được áp tương tự, sẽ tăng theo mức natri sử dụng trong thực phẩm. 'Thuế muối' sẽ được thu theo tỉ lệ lũy tiến và bắt đầu với các loại thực phẩm chế biến sẵn như mì ăn liền, đồ ăn nhẹ và thực phẩm đông lạnh.
Theo Bangkok Post, người Thái Lan trung bình tiêu thụ 3.600 miligam muối mỗi ngày, gần gấp đôi mức 2.000 mg mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị. Các chuyên gia y tế cho rằng việc tiêu thụ quá nhiều muối dẫn đến huyết áp cao và các bệnh về thận.
Bộ Tài chính Thái Lan có kế hoạch phối hợp với Bộ Y tế Công cộng nước này để cùng thiết lập các tiêu chuẩn cho lượng muối tiêu thụ hàng ngày.
Chính phủ Thái Lan đang chi khoảng 36 tỉ baht (hơn 1 tỉ USD, tức 24.000 tỉ đồng) mỗi năm cho ngân sách y tế, bao gồm chi phí dành cho điều trị lọc thận.