Sau thuế nhôm, Coca-Cola cân nhắc lại chiến lược bao bì
Công ty sẽ tăng cường sử dụng bao bì là chai nhựa thay vì nhôm nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump áp dụng các mức thuế mới.
![Nhà máy Coca-Cola ở Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_324_51457234/04b82d0d1a43f31daa52.jpg)
Nhà máy Coca-Cola ở Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN
Giám đốc điều hành (CEO) của Coca-Cola, ông James Quincey, cho biết, công ty sẽ tăng cường sử dụng bao bì là chai nhựa thay vì nhôm nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump áp dụng các mức thuế mới.
Trong báo cáo về kết quả kinh doanh, ông Quincey giải thích rằng, để đảm bảo giá cả phải chăng và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, Coca-Cola sẽ chuyển sang sử dụng các loại bao bì khác. Ông ví dụ, nếu lon nhôm trở nên đắt đỏ hơn, công ty có thể tập trung hơn vào việc sử dụng chai nhựa PET.
Ngày 10/2, Tổng thống Trump đã quyết định tăng thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm từ mức 10% lên 25%, bắt đầu từ tháng tới.
Mặc dù thừa nhận Coca-Cola có nhập một lượng nhôm từ Canada (Ca-na-đa), ông Quincey đánh giá thấp tác động tài chính của các loại thuế quan này đối với công ty. Ông cho rằng việc tăng giá nhôm thêm 25% không ảnh hưởng đáng kể đến toàn bộ hệ thống của Coca-Cola. Ông cũng nói thêm rằng, bao bì chỉ là một phần nhỏ trong cơ cấu chi phí tổng thể của một doanh nghiệp trị giá hàng tỷ USD tại Mỹ.
Ngoài việc chuyển sang sử dụng nhiều bao bì nhựa hơn, ông Quincey cho biết Coca-Cola có thể giảm thiểu tác động của thuế bằng cách tìm kiếm các nguồn nhôm trong nước và tăng giá bán với khách hàng.
Nhôm thường có giá cao hơn nhựa, nhưng lại có khả năng tái chế vô hạn và là một trong những vật liệu được tái chế phổ biến nhất. Trong những năm gần đây, Coca-Cola đã bổ sung thêm các lựa chọn bao bì nhôm, chẳng hạn như nước đóng chai Dasani và Smartwater.
PET (polyethylene terephthalate) là một loại nhựa nhẹ, dễ tái chế, nhưng tỷ lệ tái chế lại thấp hơn so với nhôm. Theo số liệu từ Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, tỷ lệ tái chế chai và lọ PET vào năm 2018 là 29,1%, trong khi tỷ lệ này đối với lon bia và nước ngọt bằng nhôm là 50,4%.
Đáng chú ý, mặc dù Coca-Cola đã cố gắng tăng cường sử dụng nhôm, tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace vẫn xếp Coca-Cola là công ty gây ô nhiễm hàng đầu thế giới trong sáu năm liên tiếp vì lượng rác thải nhựa sử dụng một lần khổng lồ.
Chỉ hai tháng trước, Coca-Cola đã hạ thấp các mục tiêu bền vững của doanh nghiệp này. Thay vì đặt mục tiêu sử dụng 50% vật liệu tái chế trong bao bì vào năm 2030, hiện tại, "gã khổng lồ" ngành nước giải khát này đặt mục tiêu sử dụng 35-40% vật liệu tái chế vào năm 2035. Công ty cũng tuyên bố sẽ "đảm bảo thu gom" 70-75% số lượng chai và lon tương đương với số lượng sản phẩm bán ra hàng năm, thay vì tái chế toàn bộ lượng nhựa tương đương với số chai mà họ sử dụng vào năm 2030 như mục tiêu ban đầu.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/sau-thue-nhom-coca-cola-can-nhac-lai-chien-luoc-bao-bi/362903.html