Sau xử phạt công ty TPCN vẫn quảng cáo, người tiêu dùng có quyền khởi kiện?
Mặc dù đã bị xử phạt, quảng cáo sai về thực phẩm chức năng vẫn tràn lan trên mạng, được giới thiệu như sữa non tăng chiều cao. Nhiều phụ huynh lo lắng về sức khỏe con em khi sản phẩm chưa bị xử lý triệt để.
Tái diễn vi phạm, nhiều phụ huynh lo lắng
Thực phẩm chức năng H. bắt đầu xuất hiện trên thị trường vào năm 2020 và nhanh chóng trở thành sản phẩm được nhiều bậc phụ huynh săn đón nhờ các lời quảng cáo hấp dẫn. Theo những gì được rầm rộ quảng bá, chỉ cần uống 1-2 ly sữa mỗi ngày, trẻ em có thể cao thêm từ 3-5cm chỉ sau 3-6 tháng.
Những lời tuyên bố đầy hứa hẹn này đã tạo nên cơn sốt lớn trong các nhóm phụ huynh, đặc biệt là những người mong muốn cải thiện chiều cao cho con cái.
Tuy nhiên, sự tin tưởng ấy dần bị lung lay khi nhiều người bắt đầu nghi ngờ về tính thực tế của các lời quảng cáo này. Đặc biệt, vào ngày 21/3/2024, Sở Y tế TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 75/QĐXPVPHC để xử phạt chủ sở hữu sản phẩm do có hành vi quảng cáo không phù hợp với các tài liệu theo quy định.
Theo quyết định trên, công ty đã bị phạt 25 triệu đồng và buộc phải tháo gỡ toàn bộ nội dung quảng cáo không phù hợp với các tài liệu pháp lý được cấp phép.
Dù vậy, ngay sau khi có quyết định xử phạt, nhiều phụ huynh vẫn thấy sản phẩm này tiếp tục xuất hiện trên các trang mạng với những lời quảng cáo không khác gì trước đây.
Chị H.G (30 tuổi, Hà Nội) chia sẻ với Người Đưa Tin rằng chị đã chi hơn 3,5 triệu đồng để mua sữa non cho con sau khi thấy nhiều quảng cáo trên mạng xã hội. Tuy nhiên, khi biết công ty bị xử phạt vì hành vi quảng cáo sai sự thật, chị cảm thấy lo lắng và hoang mang.
"Tôi đã rất kỳ vọng vào sản phẩm này, nhất là khi thấy nhiều gia đình khác cũng mua và các lời quảng cáo nói rằng sẽ giúp con cao lớn vượt trội chỉ sau vài tháng. Là một người mẹ, ai cũng muốn con mình phát triển tốt nhất, nên tôi không tiếc tiền để đầu tư cho con.
Nhưng bây giờ, sau khi biết sự thật, tôi không biết phải làm thế nào nữa. Tôi đã mua đến vài hộp, nhưng mỗi khi nghĩ đến việc con uống mà không mang lại kết quả, tôi lại cảm thấy bất an".
Chị H.G ngừng lại một lúc, rồi tiếp tục: "Tôi cảm thấy hoang mang không biết liệu nếu cứ tiếp tục uống thì có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của con không. Không chỉ mất tiền, mà giờ tôi còn lo lắng về những tác động lâu dài khi sử dụng sản phẩm mà công ty đã bị phạt vì quảng cáo sai sự thật".
Đáng chú ý, không chỉ chị H.G mà hàng ngàn bậc phụ huynh khác cũng đã chi ra những khoản tiền lớn cho HIUP với niềm tin sẽ giúp con mình tăng chiều cao. Một hộp sữa non - tên thường gọi của thực phẩm chức năng này có giá lên đến hơn 800 nghìn đồng, một khoản không nhỏ đối với nhiều gia đình. Điều này càng làm tăng cảm giác bị lừa dối khi sản phẩm không mang lại kết quả như mong đợi.
Hiện các quảng cáo với nội dung sai lệch vẫn xuất hiện tràn lan trên các nền tảng trực tuyến, đặc biệt là trong các hội nhóm dành cho cha mẹ. Các quảng cáo này tiếp tục nhấn mạnh khả năng "tăng chiều cao vượt trội" của sản phẩm, "cam kết uống 1 tháng sẽ tăng từ 1-2cm... cho con uống sớm thì càng tăng chiều cao sớm", "đánh bay nấm lùn, còi cọc".
Thậm chí có những lời kêu gọi mua hàng với các chương trình khuyến mãi hấp dẫn nhằm thu hút người tiêu dùng.
Một trong những yếu tố giúp thực phẩm chức năng này chiếm được lòng tin của các bậc phụ huynh là sự tham gia của nhiều MC, biên tập viên truyền hình hoặc người nổi tiếng trong xã hội, những người này thường xuyên xuất hiện trên các đoạn clip và bài đăng quảng bá sản phẩm, khẳng định về chất lượng và hiệu quả tăng chiều cao.
Không chỉ có sự tham gia của người nổi tiếng, công ty còn quảng cáo được “chứng thực” bởi các chuyên gia dinh dưỡng đầu ngành. Những lời khẳng định này càng làm tăng độ tin cậy và hấp dẫn đối với những bậc cha mẹ mong muốn con mình phát triển toàn diện.
Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng văn phòng Luật sư Kết nối (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) nhận định, đối với người có ảnh hưởng (chuyên gia, người có uy tín, người được xã hội chú ý trong lĩnh vực, ngành, nghề cụ thể) quảng cáo cho các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hay quảng cáo có nội dung sai sự thật là một trong những hành vi bị cấm theo quy định tại Điều 8 Luật quảng cáo 2012.
"Người thực hiện hành vi quảng cáo sai sự thật tùy vào tính chất, mức độ của hành vi và hậu quả xảy ra mà người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về xử phạt hành chính, người thực hiện hành vi quảng cáo gian dối sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng theo quy định tại khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP", luật sư Hùng cho hay.
Cũng theo luật sư, trường hợp người thực hiện hành vi quảng cáo gian dối đã bị phạt hành chính rồi mà tiếp tục vi phạm thì sẽ bị xử lý hình sự về tội quảng cáo gian dối theo quy định tại Điều 197 BLHS năm 2015 với mức phạt lên đến 100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Cấp phép một đằng, quảng cáo một nẻo
Khi tra cứu tên sản phẩm trên trang web của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), kết quả cho thấy sản phẩm này chỉ được đăng ký là “thực phẩm bảo vệ sức khỏe”, không phải là sữa như công ty đã quảng cáo. Tuy nhiên, với việc tự nhận mình là “sữa non chuyên biệt”, doanh nghiệp đã lừa dối không ít khách hàng, đặc biệt là những bậc phụ huynh mong muốn cải thiện chiều cao cho con.
Các chuyên gia dinh dưỡng cũng cảnh báo về việc sử dụng thực phẩm chức năng một cách thường xuyên cho trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ từ 3-15 tuổi. Theo các chuyên gia, chỉ những trường hợp thực sự cần thiết như trẻ bị suy dinh dưỡng, kém hấp thu, hoặc mắc các bệnh mãn tính mới cần sử dụng thực phẩm chức năng theo sự tư vấn của bác sĩ.
Việc lạm dụng các sản phẩm này có thể gây thừa chất, thậm chí dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng như sỏi thận hay rối loạn về xương khớp.
Để tìm hiểu rõ hơn về sản phẩm, phóng viên Người Đưa Tin đã đóng vai một phụ huynh có con 8 tuổi đến showroom công ty tại đường Láng, Hà Nội. Tại đây, nhân viên tư vấn của công ty vẫn khẳng định rằng đây là một sản phẩm sữa chuyên biệt giúp tăng chiều cao.
Tuy nhiên, khi được hỏi về cam kết tăng từ 3-5 cm chiều cao trong vòng 3-6 tháng như quảng cáo, người tư vấn né tránh và chỉ nói chung chung rằng việc tăng chiều cao phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như chế độ ăn uống và thời gian nghỉ ngơi.
Phóng viên thắc mắc với tư vấn viên có rất nhiều trang web và số điện thoại khác nhau liệu đây có phải số chính của hãng sữa không, tư vấn viên cho biết đều là của hãng.
Về cách sử dụng, phóng viên được tư vấn cho trẻ uống 2 ly mỗi ngày, một ly vào buổi sáng và một ly vào buổi tối, có thể sử dụng trước hoặc sau bữa ăn.
Khi chúng tôi tỏ ra lo ngại về quyết định xử phạt của cơ quan chức năng đối với công ty vì quảng cáo sai sự thật, nhân viên tư vấn thừa nhận: “Quảng cáo mà, đôi khi sẽ nói quá một chút. Báo chí đã đến tận showroom để chụp hình, chứng minh rằng công ty chúng em có địa chỉ rõ ràng. Tất nhiên, không ai hoàn hảo 100% cả".
Người tư vấn này còn đưa ra một số giấy tờ liên quan đến sản phẩm, nhưng những tài liệu này chỉ đề cập đến sản phẩm đã bị cơ quan chức năng xử phạt gần đây.
Người tiêu dùng có quyền khởi kiện
Trước những nội dung trên, luật sư Hùng khẳng định rằng người tiêu dùng hoàn toàn có quyền khởi kiện không chỉ công ty sản xuất mà còn cả những người nổi tiếng đã tham gia quảng cáo cho sản phẩm nếu cảm thấy bị lừa dối bởi thông tin sai sự thật.
"Theo Điều 4 của Luật bảo vệ người tiêu dùng 2023, người tiêu dùng có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình.
Luật quy định rõ rằng người tiêu dùng có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu thông tin quảng cáo không chính xác và gây ra thiệt hại cho họ. Điều này đặt ra trách nhiệm pháp lý không chỉ đối với doanh nghiệp mà còn đối với các cá nhân tham gia quảng cáo".
Luật sư cũng cho biết, trong trường hợp này, nhiều người nổi tiếng như MC, diễn viên đã tham gia vào các chiến dịch quảng cáo cho sản phẩm. Nếu chứng minh được rằng các quảng cáo này chứa thông tin sai sự thật, những người nổi tiếng này cũng có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý, cùng với công ty sản xuất.
Theo luật sư Hùng, mức xử phạt hành chính 25 triệu đồng đối với đơn vị phân phối là quá nhẹ so với mức độ vi phạm. Dù đã bị phạt, công ty vẫn tiếp tục quảng cáo sản phẩm với nội dung sai lệch, cho thấy mức phạt này không đủ sức răn đe.
“Quy định pháp luật hiện hành đòi hỏi mức phạt cần đủ sức ngăn chặn hành vi vi phạm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nếu mức phạt không tương xứng với thiệt hại hoặc nguy cơ mà hành vi vi phạm gây ra, rất có thể dẫn đến tình trạng tiếp tục vi phạm”, luật sư Hùng nhấn mạnh.
Luật sư đề xuất rằng cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh tay hơn để đảm bảo sự tuân thủ pháp luật và ngăn chặn các hành vi quảng cáo sai sự thật tái diễn, không chỉ bằng cách tăng mức phạt hành chính mà còn bằng các biện pháp như thu hồi giấy phép kinh doanh hoặc cấm quảng cáo.