Sẻ chia cùng người nghèo
Mặc dù được cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh xuống cơ sở quan tâm đầu tư nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội… nhưng do đặc thù địa lý, xuất phát điểm kinh tế thấp, trình độ dân trí một bộ phận bà con hạn chế; hủ tục còn ăn sâu vào tiềm thức nhiều người dân nên tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của tỉnh còn khá cao. Với trên 41.000 hộ nghèo và trên 13.000 hộ cận nghèo, là trăn trở lớn của không chỉ cán bộ, lãnh đạo, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức mà của chính mỗi người dân trong tỉnh.
Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2023 (từ ngày 17/10 - 18/11) lại đến. Cả hệ thống chính trị của tỉnh tích cực vào cuộc, vận động, tuyên truyền các cá nhân, tổ chức ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” các cấp. Số tiền quyên góp được, các địa phương phân bổ, hỗ trợ cho cá nhân, gia đình xóa nhà tạm, sửa chữa nhà, mua sắm các vật dụng thiết yếu khác để phục vụ cuộc sống hàng ngày.
Điện Biên đang cùng lúc nhận được sự quan tâm giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương, các mạnh thường quân cho công cuộc xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Hiện tỉnh đang tập trung xóa 5.000 ngôi nhà tạm cho hộ nghèo, đối tượng yếu thế trong xã hội bằng nguồn vốn kêu gọi của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, mỗi nhà 50 triệu đồng. Phấn đấu đến Tết Nguyên đán 2024, những hộ nghèo thuộc diện hỗ trợ được ở trong ngôi nhà mới. “An cư mới lạc nghiệp”, bà con yên tâm về nơi ăn chốn ở, sẽ tập trung phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội theo đó được giữ vững.
Trong những năm qua, bên cạnh đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở; y tế, giáo dục đào tạo, giải quyết việc làm… tỉnh dành nguồn vốn khá lớn cho công tác XĐGN. Với hàng nghìn tỷ đồng đầu tư cho XĐGN, an sinh xã hội, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đã giảm xuống theo từng năm. Tại các huyện nghèo 30a, số gia đình có nhà kiên cố “3 cứng” tăng dần. Cuộc sống đã thực sự sang trang với người dân nơi đây.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, hiện Điện Biên vẫn là một trong những tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất nước. Sẻ chia khó khăn với người nghèo, phát huy truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách… mỗi người dân, cán bộ, viên chức, lực lượng vũ trang… tùy vào điều kiện của mình, hãy chung tay vì người nghèo để không ai bị bỏ lại phía sau.
Trong Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm nay, ngoài kêu gọi, vận động cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và nhân dân tham gia đóng góp tiền ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” các cấp như thường lệ; chúng ta cũng cần có cách làm sáng tạo, nhân văn, sát thực tế mỗi địa phương, đơn vị hơn nữa. Cụ thể, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 1.200 doanh nghiệp, văn phòng đại diện các doanh nghiệp Trung ương đứng chân. Chỉ cần mỗi đơn vị nói trên “động lòng trắc ẩn”, mở lòng ủng hộ tiền triệu, chục triệu hoặc trăm triệu trở lên thì số tiền thu được không nhỏ. Bên cạnh ủng hộ tiền mặt, có thể vận động các doanh nghiệp đứng ra giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo xóa nhà tạm theo kiểu “chìa khóa trao tay”. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có lực lượng lao động lớn, tay nghề cao, máy móc đồ sộ, chuyên dụng. Họ trực tiếp tham gia làm nhà giúp người nghèo sẽ nhanh hơn, chất lượng hơn. Cùng với đó, vận động xây cầu, đường giao thông nông thôn, trường học, nhà ở, tổ chức khám chữa bệnh, cấp phát thuôc miễn phí cho người nghèo; nhận đỡ đầu, giúp đỡ những trường hợp đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh; tham gia các chương trình an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo, giúp người nghèo trong các dịp lễ, tết… cũng là cách làm hay, hiệu quả, thiết thực, cần nhân rộng.
Giúp người nghèo bằng nhiều cách, miễn sao kết quả tốt nhất, lộ trình giảm nghèo đảm bảo nhanh, hiệu quả nhất là được.
Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/209797/se-chia-cung-nguoi-ngheo