Sẽ có 'Bộ ngũ' làm đối trọng với Bộ tứ?

Theo nhiều chuyên gia, ý tưởng thành lập một nhóm với sự tham gia của Trung Quốc, Nga, Pakistan, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đối trọng với Bộ tứ (Quad) ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là phi thực tế và viển vông.

Nhiều chuyên gia cho rằng, ý tưởng thành lập một nhóm với sự tham gia của Trung Quốc, Nga, Pakistan, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đối trọng Bộ tứ là viển vông. (Nguồn: Pixabay)

Nhiều chuyên gia cho rằng, ý tưởng thành lập một nhóm với sự tham gia của Trung Quốc, Nga, Pakistan, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đối trọng Bộ tứ là viển vông. (Nguồn: Pixabay)

Việc tăng cường vai trò của Bộ tứ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với sự tham gia của Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia trong khu vực và xa hơn nữa, đã khơi lên những cuộc thảo luận về một sơ đồ năm cạnh đặc biệt thú vị.

Mới đây, kênh tiếng Anh CNN News18 của Ấn Độ đưa ra nhận định về một thỏa thuận tiềm năng giữa Trung Quốc, Nga, Pakistan, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, liên quan đến sự hợp tác trong an ninh khu vực.

Chuyên gia Châu Vĩ Lạc từ Viện Trung Đông thuộc Đại học Ngoại ngữ Thượng Hải nhận xét, thay vì vội vàng công bố thành lập một cơ chế khu vực nào đó chống lại tổ chức của phương Tây, phải thấy điều quan trọng hơn là tăng cường tiềm lực của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).

Trong khi đó, theo bà Maria Pakhomova, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Các vấn đề chung của phương Đông hiện đại thuộc Viện Nghiên cứu phương Đông (Viện hàn lâm Khoa học LB Nga), câu chuyện về khả năng hình thành nhóm khu vực gồm 5 bên với tuyên bố tham vọng như Bộ tứ là tạo lập một liên minh quân sự, hiện đang giống như tin hão huyền đồn thổi.

Bà Pakhomova nói: "Không thể có liên minh quân sự thuần túy ở đây. Chỉ có thể tổ chức các cuộc tham vấn với nhiều hình thức khác nhau trong lĩnh vực an ninh về duy trì ổn định khu vực, giải quyết một số vấn đề toàn cầu nào đó, nhưng trong bất kỳ trường hợp nào cũng không thể là một liên minh quân sự".

Theo chuyên gia này, lập liên minh quân sự "Bộ ngũ" là "không cần thiết. Chúng ta sẽ tiếp tục củng cố và phát triển các cơ chế bảo vệ an ninh mà chúng ta đang tham gia, không phải để đối trọng với Bộ tứ mà là để giảm thiểu các mối đe dọa đối với lợi ích của mình và để duy trì sự ổn định trong khu vực".

Một chuyên gia nổi tiếng khác là Giáo sư Oleg Matveychev từ Học viện Tài chính (Nga) bày tỏ khá hoài nghi về ý tưởng này.

Ông Matveychev bình luận: "Hiện chuyện thành lập một liên minh như vậy khá là viển vông".

Theo chuyên gia này, Nga sẽ không định đánh mất quan hệ hữu nghị với Ấn Độ "chỉ để tạo ra một loại liên minh quân sự nào đó", đồng thời cho rằng, tốt hơn là nên củng cố quan hệ và gắn bó chặt chẽ hơn với lợi ích của mình.

Nga đã có các đồng minh quân sự, có Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) "còn tốt hơn cả một liên minh quân sự". Do đó, theo ông Matveychev, 'liệu Nga có cần phải tham gia vào khối 5 bên với một nước này mà phân tách với nước khác nữa hay không?".

(theo Sputnik)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/se-co-bo-ngu-lam-doi-trong-voi-bo-tu-154628.html