Sẽ có trung tâm dữ liệu công nghệ cho Đông Nam Bộ

Các đại biểu nêu các thế mạnh và chỉ ra một số tồn tại và thống nhất xây dựng một trung tâm dữ liệu chung để thúc đẩy sản xuất công nghiệp trong toàn vùng...

Ngày 26-7, tại TP Vũng Tàu, Cục Công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) và Truyền thông, Bộ TT&TT tổ chức hội thảo phát triển vùng động lực công nghiệp CNTT tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu.

Ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông, Bộ TT&TT, chủ trì hội thảo. Sở TT&TT ba tỉnh và TP.HCM cùng đại diện một số tập đoàn trong lĩnh vực viễn thông, CNTT tham dự.

Mỗi tỉnh có tiềm năng, lợi thế riêng

Hội thảo nằm trong khuôn khổ hoàn thiện đề án xây dựng vùng động lực công nghiệp CNTT, thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm điện, điện tử, các sản phẩm Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo theo Nghị quyết số 24-NQ/TW năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam Bộ.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Đỗ Hữu Hiền, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết tỉnh có lợi thế về cảng biển, hệ thống giao thông kết nối nội tỉnh, liên vùng đã và đang được đầu tư hoàn thiện.

Ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và Truyền thông, Bộ TT&TT, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: K.LY

Ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và Truyền thông, Bộ TT&TT, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: K.LY

Tỉnh có hai trạm cập bờ tuyến cáp quang biển kết nối quốc tế do VNPT, Viettel quản lý, phục vụ kết nối Internet Việt Nam với quốc tế; 15 khu công nghiệp (KCN) với hạ tầng kỹ thuật đã được đầu tư bài bản, đồng bộ và đang hướng tới xây dựng các KCN kiểu mẫu/KCN thông minh theo định hướng sinh thái và ứng dụng CNTT trong quản lý, vận hành. Khả năng đáp ứng điện cho các KCN trong thời gian tới là 100%.

Bà Rịa-Vũng Tàu cũng có kế hoạch hành động triển khai thực hiện xây dựng trung tâm dữ liệu vùng (HUB); phát triển hình thành vùng động lực công nghiệp CNTT, công nghệ số, thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm điện, điện tử, các sản phẩm Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo...

Tuy nhiên, hạn chế là chưa có khu công nghệ cao, KCN CNTT tập trung; chưa có nhà máy sản xuất thiết bị công nghệ thuộc các tập đoàn lớn trên thế giới và khu vực; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao...

Còn ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Bình Dương, chia sẻ tỉnh hiện có số doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT, điện tử lớn; có các trường ĐH đào tạo về CNTT, điện tử - viễn thông/khoa học máy tính... Bình Dương cũng xây dựng đề án vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương được triển khai theo mô hình năm lớp: Tạo nguồn nhân lực, chuyển đổi số công nghiệp 4.0, phát triển kinh tế cân bằng, văn hóa đổi mới sáng tạo và quy hoạch đô thị giao thông...

Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM, cũng nêu nghiên cứu hiện trạng phát triển công nghiệp CNTT của TP.HCM và đánh giá vai trò của TP.HCM trong liên kết vùng.

Về vai trò trong liên kết vùng, TP.HCM sẽ xây dựng mới một số khu CNTT tập trung và hình thành vùng động lực công nghiệp CNTT, thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm điện, điện tử, các sản phẩm Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo tại tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu... TP.HCM cũng đầu tư phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, đạt trình độ quốc tế ở các lĩnh vực ưu tiên.

Trung tâm dữ liệu sẽ theo quy chuẩn quốc tế

Trao đổi, góp ý tại hội thảo, đại diện các đơn vị cho rằng các tỉnh, thành đều có những tiềm năng, lợi thế riêng. Để tạo động lực và sự phát triển chung cho vùng, các tỉnh cần xây dựng trung tâm dữ liệu chung. Việc xây dựng tốt trung tâm dữ liệu, cơ sở hạ tầng và giao thông kết nối thuận lợi, đa phương thức cùng các chính sách về năng lượng sẽ giúp thu hút các tập đoàn lớn đa quốc gia...

Khi xây dựng trung tâm dữ liệu vùng cần lưu ý đến thống kê chính xác thực tế tình hình các doanh nghiệp đang hoạt động; đưa vào quy hoạch chung của tỉnh và có sự phối hợp với cục trong thẩm định, trình các bộ, ngành, Chính phủ theo quy định.

Các đại biểu cũng đề nghị phải có định hướng phát triển cho từng địa phương dựa trên thế mạnh riêng, phù hợp với điều kiện kinh tế, nguồn lực nhưng đồng thời có sự liên kết, hỗ trợ, qua đó nâng cao chỉ số chung cho toàn vùng. Trong việc xây dựng, vận hành trung tâm cơ sở dữ liệu chung, cần quan tâm đến vấn đề cập nhật dữ liệu, các yếu tố để vận hành.

Lãnh đạo Sở TT&TT các tỉnh đều thống nhất cho rằng để triển khai hiệu quả đề án chung toàn vùng, Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông phải là “đầu mối” để triển khai, hỗ trợ các địa phương.

Ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông, nhấn mạnh khi triển khai đề án cần chú ý đến tính hiệu quả, mục tiêu có thể “đo, đếm” được, tuân theo các bộ chỉ số, quy chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó là sự phối hợp giữa các tỉnh trong vùng để tạo ra sự cộng hưởng, tạo ra các giá trị lớn hơn.

Ông Nghĩa cũng thông tin là đề án Chính phủ giao nhấn mạnh đến phát triển công nghiệp, sản xuất và dịch vụ CNTT, không chú trọng đến phần chuyển đổi số của địa phương mà chú trọng đến xây dựng các yếu tố để phát triển, thúc đẩy sản xuất công nghiệp, thước đo ở đây là hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp...

TRÙNG KHÁNH

Nguồn PLO: https://plo.vn/se-co-trung-tam-du-lieu-cong-nghe-cho-dong-nam-bo-post744147.html