Sẽ đến lúc dân ra đường không cần trình tờ giấy xét nghiệm
Các DN đề nghị sớm áp dụng cơ chế tự test, tự chịu trách nhiệm và đẩy kết quả lên dữ liệu online.
Gánh nặng chi phí xét nghiệm
Trao đổi với VietNamNet, một DN FDI đang sản xuất “3 tại chỗ” với 500 công nhân trên địa bàn TP.HCM cho biết, mỗi công nhân đang phải xét nghiệm tuần/lần với chi phí thấp nhất là 260.000 đồng/người. Như vậy, chi phí 1 tháng cho riêng việc xét nghiệm là khoảng 520 triệu đồng. Trong khi đó, công nhân tự test thì không có giá trị mà cần có xác nhận của cơ quan y tế nên DN phải mời đội ngũ y tế đến test. DN cũng không dám đưa người lao động đến cơ sở y tế, lo ngại việc tập trung đông người có thể nhiễm bệnh.
“Những phát sinh như vậy là quá cao. Công ty mẹ sẽ tính toán chi phí tại Việt Nam đã cao hơn chi phí cho một nước Đông Âu để cùng sản xuất ra một sản phẩm, điều này khiến lãnh đạo tập đoàn toàn cầu sẽ tính toán lại", lãnh đạo DN đặt câu hỏi.
Tại hội thảo trực tuyến “Kế hoạch phục hồi kinh tế TP.HCM trong giai đoạn bình thường mới” do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (Huba) tổ chức sáng 25/9. Nhiều DN cho rằng, kế hoạch phục hồi tới đây, bắt buộc phải có sự tính toán và thay đổi về phương thức xét nghiệm đang áp cho người lao động trong các cơ sở sản xuất.
Theo ông Phạm Văn Việt – Phó Chủ tịch Hội dệt may thêu đan TP.HCM, cần ban hanh hướng dẫn và chấp nhận kết quả xét nghiệm của các DN. Hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể trong khi các DN cứ tự test 7 ngày/lần. Cơ chế công nhận test cần rõ ràng để tránh việc người lao động khi ra ngoài phải xin thêm dấu của địa phương. Đồng thời, cơ quan nhà nước cần có sự can thiệp nhằm bình ổn chi phí dụng cụ xét nghiệm. Không thể để tình trạng hôm nay mua giá này, mai giá khác. Mua số lượng lớn sẽ rất tốn kém.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng & vật liệu xây dựng TP.HCM (Saca) – ông Đinh Hồng Kỳ nói, việc bắt DN xét nghiệm 2 -3 ngày/lần gây nhiều lãng phí, tốn kém.
Ông Chu Tiến Dũng – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM (Huba) chia sẻ, chi phí xét nghiệm đang trở thành gánh nặng quá lớn với DN. Cứ 3 ngày rồi 7 ngày test/lần thì chi phí rất lớn và DN không thể chịu nổi. Chủ tịch Huba đề xuất việc xét nghiệm chỉ hướng vào đối tượng cụ thể.
Hướng tới tự test, không cần trình giấy
Liên quan đến công nhận xét nghiệm của người lao động trong các DN, PGS.TS. Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đưa ra giải pháp, tận dụng tổ y tế trong các đơn vị. Theo đó, tổ y tế này xác nhận kết quả xét nghiệm sau đó lãnh đạo DN ký, đóng dấu. Đây như một dạng chứng thư thể hiện việc DN xác nhận công nhân đã thực hiện test. Bên cạnh đó, việc thực hiện xét nghiệm trong thời gian tới đây sẽ chỉ tăng cường xét nghiệm khi có dấu hiệu lâm sàng.
Trên góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM – ông Bùi Tá Hoàng Vũ thông tin, thành phố đang theo hướng lấy shipper làm thí điểm, trao niềm tin cho người dân trong quá trình tự xét nghiệm, tự bảo vệ sức khỏe cho mình. Các bộ tiêu chí xây dựng đã có sự thay đổi rất lớn so với giai đoạn trước. DN phải tự làm, tự xét nghiệm và tự chịu trách nhiệm cho hoạt động xét nghiệm của mình. Cơ quan nhà nước hậu kiểm sau.
Theo ông Vũ, trong tương lai sẽ không còn loại giấy nào liên quan đến xét nghiệm nữa thay vào đó là thông tin được tích hợp trong ứng dụng TP đang triển khai. Vấn đề nhà chức trách TP quan tâm là cách ứng xử khi có ca F0 trong DN. Bởi, nếu cứ bóc tách, rào chắn lại khi có F0 thì DN thà không mở còn ít lỗ hơn.
“Nên chia nhỏ, tách nhỏ các dây chuyền sản xuất theo hướng độc lập tương đối. Dính ca F0 nào thì bóc tách dây chuyền đó. Thậm chí có DN khi xuất hiện F0 thì thực hiện “3 tại chỗ” luôn dây chuyền đó và gọi bác sỹ vào điều trị. Cuối cùng tất cả khỏe lại bình thường”, Giám đốc Sở chia sẻ.
Ngoài ra, tại hội thảo, đại diện Sở bày tỏ sự lo lắng về đối tượng trẻ em là con của đội ngũ công nhân. Dù người lao động đã được tiêm vắc xin, không trở nặng nhưng công nhân có thể mang virus về cho gia đình, lúc đó virus sẽ tấn công vào trẻ em. Đây là thiệt hại và là điều đau xót mà TP đang lo lắng, cân nhắc.