Sẽ không đánh thuế với hàng hóa chuyển phát nhanh dưới 1 triệu đồng?
Bộ Tài chính vừa đề xuất miễn thuế nhập khẩu hàng hóa trị giá thấp dưới 1 triệu đồng qua dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh nhằm thúc đẩy giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới.
Cụ thể, trong dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 134/2016/NĐ-CP của Bộ Tài chính vừa hoàn thiện trình Chính phủ, có đề xuất miễn thuế nhập khẩu đối với hàng nhập khẩu gửi qua bưu chính, chuyển phát nhanh có trị giá từ 1 triệu đồng trở xuống hoặc có số tiền thuế phải nộp dưới 100.000 đồng.
Trường hợp hàng hóa có trị giá hải quan vượt quá 1.000.000 đồng hoặc có tổng số tiền thuế phải nộp trên 100.000 đồng, thì phải nộp thuế nhập khẩu đối với toàn bộ lô hàng.
Hàng hóa có tổng trị giá hải quan dưới 500.000 đồng hoặc có tổng số tiền thuế xuất khẩu, nhập khẩu phải nộp dưới mức 50.000 đồng cho một lần xuất khẩu, nhập khẩu được miễn thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu.
Quy định này không áp dụng đối với hàng hóa là quà biếu, quà tặng, hàng hóa mua bán trao đổi của cư dân biên giới và hàng hóa gửi qua dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh.
Hồ sơ miễn thuế thực hiện theo quy định của pháp luật về hải quan.
Theo ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan, việc miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có giá trị nhỏ là một trong những giải pháp thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử.
Việc miễn thuế nhập khẩu hàng hóa trị giá thấp được vận chuyển qua đường bưu chính hoặc chuyển phát nhanh tạo điều kiện cho người tiêu dùng trong nước được hưởng lợi nhờ cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0.
Vì không bị giới hạn về không gian và thời gian nên có thể mua sắm mọi nơi, mọi lúc đối với các cửa hàng trên khắp thế giới; có thêm nhiều lựa chọn về sản phẩm và dịch vụ do được tiếp cận được nhiều nhà cung cấp.
Đồng thời, người tiêu dùng được mua hàng với giá thấp hơn do do thông tin thuận tiện, dễ dàng và phong phú, tạo ra áp lực cho các nhà cung cấp trong việc giảm giá thành, gia tăng chất lượng dịch vụ.
Theo số liệu công bố của Statista (Hãng nghiên cứu thị trường của Đức), doanh thu thương mại điện tử Việt Nam nằm trong top 6 nền thương mại điện tử phát triển nhất thế giới năm 2018.
Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử đạt 25% đến 30%/năm, theo đánh giá của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam. Nếu Việt Nam vẫn duy trì mức độ tăng trưởng này thì quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2025 đứng chỉ đứng sau Indonesia và Thái Lan tại khu vực ASEAN.
Doanh thu giao dịch điện tử của Việt Nam đạt hàng tỷ USD/năm, nhưng ông Tuấn cho biết, 80% giao dịch có giá trị dưới 30 USD, vì vậy, nếu đánh thuế nhập khẩu đối với hoạt động này sẽ gây áp lực rất lớn đến quản lý nhà nước về hải quan trong khi ngân sách nhà nước thu được các khoản thuế từ hàng hóa nhập khẩu không nhiều.
Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh rất đồng tình với việc miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa giao dịch thương mại điện tử.
Trong khi đó, ông Phạm Thanh Liêm (Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế) thì lo ngại việc miễn thuế nhập khẩu hàng hóa có giá trị nhỏ dễ tạo ra kẽ hở để trốn thuế. Cụ thể, nếu người tiêu dùng nhập cả tạ sữa bột dành cho trẻ em, phân nhỏ ra gửi qua đường chuyển phát nhanh về nước, và mỗi lần gửi vẫn bảo đảm giá trị hàng hóa dưới 1.000.000 đồng thì hoàn toàn có thể lợi dụng được kẽ hở để trốn thuế.
Cũng theo Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 134/2016/NĐ-CP, hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu được miễn thuế nhập khẩu gồm nguyên liệu, vật tư (bao gồm cả vật tư làm bao bì hoặc bao bì để đóng gói sản phẩm xuất khẩu), linh kiện, bán thành phẩm nhập khẩu trực tiếp cấu thành sản phẩm xuất khẩu hoặc tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất hàng hóa xuất khẩu nhưng không trực tiếp chuyển hóa thành hàng hóa; sản phẩm hoàn chỉnh nhập khẩu để đóng gói, dán nhãn hoặc gắn, lắp ráp vào sản phẩm xuất khẩu hoặc đóng chung thành mặt hàng đồng bộ với sản phẩm xuất khẩu; linh kiện, phụ tùng nhập khẩu để bảo hành cho sản phẩm xuất khẩu; hàng hóa nhập khẩu không sử dụng để mua bán, trao đổi hoặc tiêu dùng mà chỉ dùng làm hàng mẫu; và hàng hóa nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu được phép tiêu hủy và thực tế đã tiêu hủy.