Triển khai 216 đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ

Triển khai Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương vừa công bố Kế hoạch, chương trình hoạt động của Hội đồng thẩm định thuộc Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ năm 2025.

Việc triển khai Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đã đem lại những kết quả khả quan. Ảnh minh họa

Việc triển khai Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đã đem lại những kết quả khả quan. Ảnh minh họa

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cho biết, việc triển khai Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trong những năm vừa qua đã đem lại những kết quả khả quan và tạo tác động, lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp và các thành phần kinh tế.

Hoạt động của Chương trình ngày càng phong phú, đa dạng, đi vào chiều sâu, có tính ứng dụng cao và phù hợp với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp. Sau khi tham gia các hoạt động hỗ trợ, doanh nghiệp đã có những thay đổi, chuyển biến tích cực, thể hiện qua tăng năng suất và hiệu suất sản xuất, cắt giảm chi phí, tiết kiệm nguồn lực. Qua đó, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp cũng như mở ra nhiều cơ hội tìm kiếm khách hàng, đối tác tiềm năng mới.

Công nghiệp hỗ trợ là một lĩnh vực quan trọng trong phát triển kinh tế bền vững, tăng cường nội lực sản xuất trong nước và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Thời gian qua, công nghiệp hỗ trợ đã đóng góp cho sự phát triển của một số ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam, giúp tăng trưởng xuất siêu từ 2 tỷ USD năm 2017 đến hơn 28 tỷ USD hiện nay. Các đề án hỗ trợ đã mang lại hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất hướng tới tự chủ, đóng góp vào phát triển ngành công Việt Nam nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng.

Tại phiên họp khai mạc và công bố kế hoạch, chương trình hoạt động của Hội đồng thẩm định Chương trình phát triển Công nghiệp hỗ trợ năm 2025, các thành viên Hội đồng thẩm định đã đưa ra nhiều ý kiến, đánh giá khách quan, trung thực đối với từng nội dung của đề án đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm.

Phát biểu tại phiên họp, ông Phạm Nguyên Hùng - Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, qua 4 năm triển khai Chương trình giai đoạn II (2021-2024), Bộ Công Thương đã phê duyệt 216 đề án với tổng kinh phí giao thực hiện 798.008 triệu đồng, trong đó kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ là 648.180 triệu đồng và nguồn vốn khác là 149.828 triệu đồng.

Quy mô của Chương trình cũng được mở rộng trên cả 3 miền Bắc -Trung - Nam, tạo tác động lan tỏa rộng khắp và thu hút sự quan tâm của đông đảo các thành phần như các Bộ, ngành, các địa phương, tổ chức, hiệp hội, viện nghiên cứu, các trường đại học, cao đẳng và doanh nghiệp…

Các đề án thuộc Chương trình tập trung vào các hoạt động chính.

Thứ nhất, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ kết nối, trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước, xúc tiến đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Thứ hai, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất.

Thứ ba, hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Thứ tư, hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu.

Thứ năm, xây dựng và vận hành trang thông tin về công nghiệp hỗ trợ.

Sau 4 năm triển khai, Chương trình đã đạt được một số kết quả nhất định như phạm vi và quy mô chương trình ngày càng được mở rộng. Theo đó, nhiều tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và chế biến, chế tạo trên khắp cả nước quan tâm và tích cực tham gia.

Đáng chú ý, các hoạt động của Chương trình ngày càng phong phú, đa dạng, đi vào chiều sâu, có tính ứng dụng cao và phù hợp với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp tham gia các hoạt động thuộc Chương trình ngày càng gia tăng, đặc biệt là trong các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật chuyên sâu như quản trị sản xuất, quản lý chất lượng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đổi mới, ứng dụng công nghệ vào sản xuất.

Chương trình còn tạo sân chơi giao lưu, học hỏi, kết nối giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh trong nước và nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia thông qua các diễn đàn, hội thảo, triển lãm quốc tế./.

ĐỨC ANH

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/trien-khai-216-de-an-phat-trien-cong-nghiep-ho-tro-36761.html