Sẽ không phải mua vé khi vào phố cổ Hội An để uống cafe và chụp ảnh cưới
Chiều 11/5, UBND thành phố Hội An tổ chức buổi gặp mặt thông tin với các cơ quan báo chí truyền thông về công tác tổ chức quản lý hoạt động tham quan khu phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND thành phố Hội An cho biết, về phương án tăng cường quản lý, UBND thành phố đã tổ chức lấy ý kiến của người dân, và tham vấn ý kiến của các công ty du lịch lữ hành. Thành phố tổ chức họp lấy ý kiến người dân 2 phường. Tất cả người dân đều đồng tình ủng hộ. Thành phố cũng họp với các địa phương có đưa khách đến Hội An; tổ chức lấy ý kiến phản biện của các cơ quan, lấy ý kiến các lãnh đạo Ban Thường vụ Thành ủy, HĐND. Đến thời điểm này, UBND TP đã hoàn thiện phương án, đã được tập thể Ban Thường vụ Thành ủy cho ý kiến thông qua và sẽ áp dụng kể từ ngày 15/5/2023.
Sau đó UBND thành phố họp với 25 đơn vị doanh nghiệp lữ hành cũng đều đồng tình phương án này. Họp với các doanh nghiệp khách sạn cũng đồng tình ủng hộ, họ tình nguyện làm công tác tuyên truyền cho du khách, đề xuất nhận vé của thành phố để bán cho du khách, họ xem như đó là phần trách nhiệm của họ đối với Hội An.
Việc bán vé tham quan phố cổ Hội An đã triển khai từ 30 năm nay. Giá vé được thực hiện từ năm 2012 với mức giá 80 nghìn đồng/khách Việt Nam và 120 nghìn đồng/ khách nước ngoài. Ông Nguyễn Văn Sơn cho hay đây là mức vé thấp nhất so với vé tham quan tại các Di sản văn hóa thế giới. Đặc điểm di sản của Hội An có hơn 1.000 di sản với nhiều loại hình như hội quán, giếng, nhà thờ tộc, bảo tàng… Nhu cầu khách nước ngoài muốn đến tham quan tất cả các loại hình, người Việt Nam thì một số loại hình không cần thiết nên Hội An bỏ bớt để giảm chí phí. Cơ cấu vé thực hiện theo Nghị quyết 33, tính trên đầu công trình, di tích chứ không hề có sự phân biệt giữa khách Việt và nước ngoài.
Ông Sơn cho biết, Hội An sẽ chỉ tăng cường kiểm soát đối với khách đoàn. Biện pháp kiểm soát từ xa, khi đỗ xe xuống sẽ có người hướng dẫn và bán vé tham quan. Khách đi theo gia đình có lực lượng hướng dẫn viên hướng dẫn, khuyến khích mua vé. Những người vào với mục đích ăn tối, uống cà phê, chụp ảnh cưới thì không phải mua vé.
Cũng theo Chủ tịch UBND thành phố Hội An, có ý kiến cho rằng Hội An là “khu phố sống” có nên bán vé tham quan hay không. Trên thực tế, rất nhiều di sản văn hóa trên thế giới là “di sản sống” đang tổ chức bán vé như Phượng Hoàng Cổ Trấn ở Trung Quốc. Chính ngay Hội An, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm có 3.000 dân sinh sống nhưng vẫn bán vé 70.000 đồng/khách và gần như không có ai có ý kiến.
Theo ông Sơn, cái khó của Hội An là có quá nhiều đường vào di sản, Hội An bán vé cực khổ hơn rất nhiều so với di sản khác. Không bán vé thì không có tiền tái đầu tư di sản. Gần 30 năm qua, việc bán vé giúp di tích Hội An trên bờ vực thẳm sụp đổ, nay nhiều di tích đã được trùng tu hết sức vững chãi và ngày càng đẹp hơn. Nhờ tiền từ bán vé mà có thể xây dựng sản phẩm cho Hội An để phục vụ du khách, hỗ trợ lại cho di tích tư nhân. Trên thực tế, hiện nay, Hội An quá đông đúc, quá xô bồ. Gần đây nhất, dịp lễ 30-4, khách đi vào phố cổ quá đông, nhất thời điểm buổi chiều không có chỗ chen chân. Áp lực như vậy đè nặng lên di sản, làm di sản mau xuống cấp, làm các sản phẩm du lịch mà địa phương triển khai dù có cố gắng đi nữa vẫn không xem được, không tổ chức cho hay, cho tốt được với lượng người lớn như vậy, nên phải tăng cường kiểm soát.
Chủ tịch UBND thành phố Hội An cho biết thêm, kiểm soát vé là để đảm bảo công bằng giữa người mua vé và người không mua vé, giữa hãng lữ hành chân chính và không chân chính. Vì hiện nay có tình trạng nhiều doanh nghiệp lợi dụng sự dễ dãi của Hội An, đối xử không công bằng với du khách, cắt xén, không đưa khách vào các điểm di tích dù đã thu tiền. Thậm chí một số tour tổ chức đưa khách Hàn Quốc lên tham quan làng gốm, đi thuyền du lịch xuống bến Nguyễn Hoàng, ra chợ đêm rồi về, không vào phố cổ…