Sẽ là vội vàng nếu sau năm 2030 'xóa sổ' đào tạo sư phạm của trường cao đẳng
Việc quy hoạch mạng lưới giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm cũng phải được tính toán sao cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế đất nước.
Hệ thống các trường cao đẳng sư phạm trực thuộc chính quyền địa phương của nước ta vốn được hình thành từ lâu với khoảng gần 60 năm tồn tại và phát triển. Trước đây, các cơ sở này có nhiệm vụ đào tạo giáo viên cho cấp mầm non, tiểu học và trung học cơ sở nhằm đáp ứng yêu cầu của mỗi địa phương.
Trong khi đó, các trường đại học sư phạm trước đây chỉ đào tạo giáo viên trung học phổ thông và một số năm gần đây mới được giao thêm nhiệm vụ đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở ở trình độ đại học với số lượng hạn chế.
Thế nhưng, hiện các trường cao đẳng sư phạm địa phương lại đang gặp phải nhiều khó khăn, đứng trước nguy cơ bị giải thể, xóa sổ.
Hơi vội vàng khi “đại học hóa” trình độ giáo viên mầm non
Từ khi có Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019, do sự thay đổi về trình độ chuẩn của giáo viên phổ thông đã dẫn đến việc chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo giáo viên tiểu học và trung học cơ sở, vốn là nguồn tuyển sinh chính của hệ thống trường cao đẳng sư phạm trước đây đã bị cắt chuyển hẳn cho khoảng 10 trường đại học sư phạm.
Đáng nói, hầu hết các trường đại học sư phạm này lại chưa có bề dày kinh nghiệm trong việc đào tạo giáo viên cho các cấp học từ mầm non đến tiểu học và trung học cơ sở.
Không dừng lại ở đó, sau nhiều khó khăn, tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có 20 trường cao đẳng sư phạm và 18 trường cao đẳng đa ngành có đào tạo giáo viên. Tuy nhiên, theo dự thảo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến đến năm 2030 sẽ không còn đào tạo giáo viên tại 38 cơ sở cao đẳng trên .
Cụ thể, đối với phương án phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến sẽ sắp xếp, tổ chức lại các trường cao đẳng sư phạm theo các phương án sáp nhập vào một trường đại học sư phạm hoặc một cơ sở giáo dục đại học có đào tạo giáo viên trong vùng, hoặc sáp nhập vào một cơ sở giáo dục đại học tại địa phương.
Trước vấn đề trên trong dự thảo quy hoạch mạng lưới, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện là Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam bày tỏ, Luật Giáo dục 2019 quy định về trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo yêu cầu phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non; có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Thực tế, nhiều nước tiên tiến trên thế giới khi đào tạo giáo viên mầm non cũng chỉ đào tạo theo hướng “cầm tay chỉ việc” nên việc yêu cầu trình độ như vậy đã là hợp lý rồi.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện là Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (Ảnh: giaoduc.net.vn).
Trong khi đó, đất nước ta với điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn mà quy hoạch theo hướng “xóa sổ” các trường cao đẳng sư phạm như trong dự thảo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là có phần hơi vội vàng.
Không những vậy, có thể thấy rằng, hiện nay, số lượng giáo viên ở cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở của nước ta còn đang thiếu rất nhiều.
Tính đến cuối năm học 2022 - 2023, theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên mầm non, phổ thông so với định mức theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Cụ thể, cấp mầm non thiếu 51.955 giáo viên, cấp tiểu học thiếu 33.112 giáo viên, cấp trung học cơ sở thiếu 19.304 giáo viên, cấp trung học phổ thông thiếu 13.882 giáo viên.
Theo Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ, trên thực tế, tại nhiều nước phát triển về giáo dục trên thế giới, thời lượng dạy học ở cấp phổ thông diễn ra cả ngày với quy mô chỉ tối đa 20 - 25 học sinh/lớp.
Thế nhưng, quy mô tại các lớp học ở bậc phổ thông của nước ta nhiều trường có đến 50 học sinh/lớp. Đáng nói, nếu muốn nâng cao chất lượng giáo dục, quy mô đào tạo đối với một lớp học phải giảm thiểu mới là vấn đề quan trọng.
Do đó, với tình hình số lượng học sinh của nước ta, số lượng giáo viên ở cấp phổ thông còn phải gấp đôi lên mới đáp ứng yêu cầu mỗi lớp có từ 20 đến 30 học sinh; đối với cấp mầm non, một nhóm trẻ khoảng 10 - 12 cháu phải có vài giáo viên đứng lớp.
Nếu được như vậy mới có thể nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng nhu cầu đổi mới phương pháp dạy và học, thực hiện phương châm “lấy học sinh làm trung tâm”.
Hiện nay, nhu cầu về số lượng giáo viên mầm non và phổ thông đang tăng đột ngột do nhiều lý do khác nhau như thay đổi chương trình, tăng dân số đột biến, việc đổi mới quy trình giáo dục,... ngày càng diễn ra mạnh mẽ.
Hơn nữa, việc quy hoạch mạng lưới giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm cũng phải được tính toán làm sao cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế đất nước.
Với nền kinh tế hiện tại và mặt bằng kinh tế của các địa phương, nhất là ở các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa, chúng ta cũng chưa đủ sức để đòi hỏi giáo viên của tất cả các cấp từ mầm non đến phổ thông đều phải có trình độ đại học.
Bên cạnh đó, Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ cho hay, không giống nhiều quốc gia khác, Việt Nam là một đất nước có khí hậu nhiệt đới với hình dáng dài và địa hình phần lớn là đồi núi (chiếm 3/4 diện tích lãnh thổ), chủ yếu là đồi núi thấp.
Chính vì vậy, nếu chúng ta tính toán quá vội vàng trong việc “đại học hóa” trình độ giáo viên cho tất cả các cấp học từ mầm non đến phổ thông và đưa về các trường đại học trung ương đào tạo sẽ không hiệu quả. Thậm chí, việc làm này còn gây ra tác dụng ngược, có thể dẫn đến tình trạng số lượng giáo viên tại cấp mầm non, phổ thông đã thiếu sẽ còn thiếu nhiều hơn nữa.
Đặc biệt là khi nhu cầu về giáo viên mầm non, phổ thông ngày càng tăng mà lại vội vàng xóa sổ các trường cao đẳng sư phạm thì làm sao có thể đào tạo đáp ứng được nhu cầu về số lượng giáo viên các cấp, cho sự phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục.
Phải có tư duy rành mạch, rõ ràng về việc phân cấp đào tạo giáo viên đối với hệ thống đào tạo sư phạm
Để khắc phục việc thiếu lượng lớn giáo viên mầm non, phổ thông hiện nay, Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ cho rằng, đối với những cấp học từ mầm non đến trung học cơ sở, phải phân cấp cho các địa phương để họ dễ dàng chăm lo và quản lý đào tạo đội ngũ giáo viên phục vụ cho các cấp này là rất phù hợp. Và tốt nhất là giao cho các trường cao đẳng sư phạm tại các địa phương thực hiện điều này.
Ảnh minh họa: Phạm Linh
Theo đó, cần từng bước đầu tư cho các trường cao đẳng sư phạm trở thành trường đại học địa phương đào tạo đa ngành, trong đó có nhiệm vụ đào tạo giáo viên từ mầm non, tiểu học đến trung học cơ sở.
Để làm được việc này, cần thực hiện quy trình đào tạo kết hợp 3+1 với 3 năm học tại trường cao đẳng sư phạm địa phương và 1 năm cuối học tại trường đại học sư phạm trọng điểm (hoặc trường đại học sư phạm trọng điểm phân công đội ngũ đến trường cao đẳng sư phạm giảng dạy).
Cùng lúc đó, các trường đại học sư phạm sẽ bồi dưỡng, đào tạo giáo viên cho trường cao đẳng sư phạm để có thể từng bước đưa các trường cao đẳng sư phạm trở thành trường đại học địa phương có đào tạo ngành sư phạm cũng như có thể mở rộng đào tạo các ngành khác nguồn nhân lực khác cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nếu làm được như vậy, hệ thống các trường cao đẳng sư phạm vẫn sẽ tồn tại, phát triển và vẫn phục vụ được sự nghiệp phát triển giáo dục cùng sự phát triển của hệ thống sư phạm hiện nay.
Mặt khác, Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ cho biết thêm, việc phân cấp đào tạo giáo viên tại các trường đại học trung ương, các trường đại học địa phương và cao đẳng sư phạm hiện nay vẫn chưa minh bạch, rõ ràng.
Do đó, việc giải quyết hiện tượng thừa thiếu giáo viên và chất lượng đào tạo giáo viên từ cấp mầm non đến cấp phổ thông vẫn chưa đạt được như mong muốn.
Nhân dịp năm mới Giáp Thìn, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng gửi lời chúc mừng sâu sắc đến toàn thể giáo viên các cấp và đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục của nước ta hiện nay.
“Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo và khoa học công nghệ, tôi mong rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có tư duy rành mạch, rõ ràng hơn về việc phân cấp đào tạo giáo viên từ mầm non cho đến trung học cơ sở đối với hệ thống các cơ sở đào tạo sư phạm.
Về ngành giáo dục nói chung, tôi hi vọng năm mới phải có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã từng nói là “Học thật, thi thật, nhân tài thật” và giảm bớt sự căng thẳng trong dạy thêm, học thêm cũng như một số tiêu cực còn tồn tại trong giáo dục hiện nay”, Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh.