Sẽ luật hóa quy định về kê biên, tịch thu và hoàn trả tài sản bảo đảm

Ngày 15-5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông tin về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD) nhằm luật hóa một số quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21-6-2017 về việc thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD.

Theo đánh giá của NHNN, việc luật hóa các quy định nói trên là cần thiết, phù hợp với các cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn cũng như chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trong việc tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, kịp thời xử lý các vướng mắc, khó khăn của người dân và doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả trong công tác xử lý nợ xấu, góp phần khơi thông nguồn vốn, nâng cao mức độ an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Đồng thời, việc sửa đổi luật cũng tạo cơ sở pháp lý cho việc điều chỉnh thẩm quyền cho vay đặc biệt có lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Quan điểm xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD là thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với công tác xử lý nợ xấu. Đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Đáng chú ý, nội dung sửa đổi sẽ tập trung vào 3 nội dung quan trọng là luật hóa quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm; luật hóa quy định về kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án; luật hóa quy định về hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự và bổ sung quy định về hoàn trả tài sản bảo đảm là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Việc luật hóa các quy định này được thực hiện dưới hình thức Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD. Đồng thời, 3 chính sách được luật hóa nói trên phải được xác định rõ ràng nội dung và đánh giá tác động cụ thể; đồng thời đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa các quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, việc sửa đổi, bổ sung quy định cũng phân định rõ về thẩm quyền quyết định việc cho vay đặc biệt với lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm, giúp giữ an toàn hệ thống các TCTD, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí và vi phạm pháp luật.

Cùng với đó, việc sửa đổi, bổ sung các quy định trong luật cũng nhằm đảm bảo sự phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các thỏa thuận, cam kết của Việt Nam; đảm bảo mục tiêu hội nhập quốc tế, phù hợp với xu hướng phát triển.

LƯU THỦY

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/se-luat-hoa-quy-dinh-ve-ke-bien-tich-thu-va-hoan-tra-tai-san-bao-dam-post795327.html