Sẽ mở rộng đường cao tốc 2 làn xe có lưu lượng giao thông lớn

Việc khai thác các đường cao tốc chỉ có 2 làn xe, không có dải phân cách cứng ở giữa, không có làn dừng khẩn cấp dọc tuyến... khiến người dân lo ngại về nguy cơ mất an toàn giao thông, đồng thời có thể gây lãng phí khi thực hiện đầu tư hoàn chỉnh trong tương lai. Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Cục Đường cao tốc, Bộ GTVT xung quanh vấn đề này.

"Để thực hiện mục tiêu “Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc” mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ KH-ĐT phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương, xây dựng Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc tại một số luật liên quan đến đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chỉ đạo các địa phương phải cân đối nguồn ngân sách của địa phương, kết hợp với ngân sách trung ương và các nguồn vốn khác để tập trung phát triển đường cao tốc"- Cục trưởng Cục Đường cao tốc LÊ KIM THÀNH.

Vốn chỉ đáp ứng 66% nhu cầu

- PHÓNG VIÊN: Xin ông cho biết tình hình phân kỳ đầu tư đường cao tốc quy mô 2 làn xe trên cả nước hiện nay?

- Ông LÊ KIM THÀNH: Cả nước có 581km cao tốc được đầu tư phân kỳ quy mô 2 làn xe, gồm: 313km đã đưa vào khai thác (đoạn Hòa Lạc - Hòa Bình 26km, Nội Bài - Lào Cai đoạn qua Yên Bái dài 83km, Thái Nguyên - Chợ Mới 40km, La Sơn - Túy Loan 66km, Cam Lộ - La Sơn dài 98km); 104km đang xây dựng (cao tốc Hà Giang - Tuyên Quang); 164km đang chuẩn bị đầu tư (đoạn nối TP Hà Giang với Nội Bài - Lào Cai 81km, đoạn Hòa Bình - Mộc Châu 83km).

Cục trưởng Cục Đường cao tốc Lê Kim Thành

Cục trưởng Cục Đường cao tốc Lê Kim Thành

Nhu cầu vốn đầu tư các dự án cao tốc đến năm 2030 như mục tiêu đề ra rất lớn, khoảng 813 ngàn tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 cần khoảng 389 ngàn tỷ đồng, nhưng đến nay mới chỉ cân đối được khoảng 66% kinh phí.

- Sau một thời gian khai thác, đường cao tốc 2 làn hoặc 4 làn hạn chế đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập: nguy cơ mất an toàn giao thông cao, tốc độ khai thác chậm. Bộ GTVT sẽ khắc phục vấn đề này như thế nào?

- Việc phân kỳ đầu tư được thực hiện trên cơ sở định hướng đầu tư phát triển mạng lưới đường cao tốc theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1-9-2021, đồng thời có tham khảo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới như Đức, Thụy Điển, Ireland... Tuy nhiên, việc phân kỳ đầu tư đường cao tốc 2 làn hoặc 4 làn hạn chế dẫn đến một số khó khăn khi khai thác như: tốc độ lưu thông chậm hơn, năng lực thông hành thấp hơn so với quy mô quy hoạch...

Để khắc phục vấn đề này, Bộ GTVT đã giao các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng Báo cáo phương án đầu tư, nâng cấp các đường cao tốc đã được đầu tư theo quy mô phân kỳ thành đường cao tốc phù hợp với tiêu chuẩn thiết kế. Sau khi hoàn thành sẽ trình cấp có thẩm quyền xem xét thông qua, cân đối nguồn vốn phù hợp để đầu tư. Trong đó, sẽ tập trung ưu tiên nguồn lực để đầu tư mở rộng các đường cao tốc hiện đang khai thác với quy mô 2 làn xe và có lưu lượng giao thông lớn thành đường cao tốc có tối thiểu 4 làn xe.

Cấp thiết mở rộng đường cao tốc TPHCM - Trung Lương

- Cụ thể các dự án trọng điểm như đường cao tốc TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận và một số dự án thành phần dự án đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 sẽ có lộ trình đầu tư mở rộng, hoàn thiện như thế nào?

- Theo kết quả nghiên cứu: đoạn TPHCM - Trung Lương hiện nay có lưu lượng xe rất lớn (khoảng 50.000 xe/ngày-đêm), việc mở rộng để đáp ứng nhu cầu vận tải là rất cấp thiết. Đối với đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận, lưu lượng xe hiện tại cơ bản phù hợp với dự báo trong phương án tài chính. Tuy nhiên, sau khi mở rộng đoạn TPHCM - Trung Lương, dự kiến nhu cầu vận tải trên đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ tăng cao nên cũng cần thiết nghiên cứu mở rộng để khai thác đồng bộ đường cao tốc TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận. Hiện Bộ GTVT đã giao Ban Quản lý dự án 7 tổ chức lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư.

Phương tiện lưu thông trên đường cao tốc TPHCM - Trung Lương. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Phương tiện lưu thông trên đường cao tốc TPHCM - Trung Lương. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Đối với một số dự án thành phần dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, sau khi hoàn thành “Báo cáo phương án đầu tư, nâng cấp các tuyến đường cao tốc đã được đầu tư theo quy mô phân kỳ thành đường cao tốc phù hợp với tiêu chuẩn thiết kế theo quy định”, trình cấp có thẩm quyền xem xét thông qua, Bộ GTVT sẽ cân đối nguồn vốn để đầu tư.

- Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tốc độ tối đa 80km/giờ, trong khi quốc lộ 1 song song với đoạn này có nhà dân nằm gần mặt đường, nguy hiểm hơn cũng có tốc độ tương tự. Điều này có làm giảm tính hiệu quả của việc đầu tư đường cao tốc này không, thưa ông?

- Đây là một vấn đề đang được rà soát, nghiên cứu để điều chỉnh phù hợp. Quốc lộ 1 sau khi được nâng cấp theo tiêu chuẩn có thể đạt tốc độ tối đa 80km/giờ. Còn cao tốc thì có những quy định, tiêu chuẩn về thiết kế, vận hành riêng, không giống như quốc lộ. Hiện những đoạn cao tốc mới chỉ có 2 làn hoặc 4 làn hạn chế cần giới hạn tốc độ để đảm bảo an toàn. Những tuyến cao tốc được đầu tư hoàn chỉnh sẽ được khai thác đúng tốc độ thiết kế.

- Đã có nhiều ý kiến phân tích, việc đầu tư đường cao tốc 2 làn chưa có làn dừng khẩn cấp, sau này đầu tư tiếp sẽ tốn kém hơn nhiều so với làm ngay một lúc. Bộ GTVT đánh giá ý kiến này thế nào?

- Quan điểm của Bộ GTVT, trường hợp cân đối đủ nguồn lực để đầu tư các đường cao tốc theo quy hoạch là phương án hiệu quả nhất. Trường hợp phải phân kỳ, Bộ GTVT và các địa phương đã chỉ đạo chủ đầu tư, đơn vị tư vấn nghiên cứu kỹ các giải pháp thiết kế nhằm bảo đảm an toàn trong quá trình khai thác, bảo đảm thuận lợi và tận dụng tối đa các công trình khi đầu tư mở rộng theo quy mô quy hoạch.

Về một số tuyến sắp đầu tư, thời gian vừa qua, một số địa phương đã báo cáo Thủ tướng kiến nghị tiếp tục triển khai theo quy mô phân kỳ 2 làn xe để kết nối mạng lưới cao tốc, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương. Để bảo đảm thuận lợi khi mở rộng theo quy hoạch, địa phương sẽ bổ sung vốn thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch, hoàn thiện hệ thống cầu vượt, hầm chui dân sinh và các đường gom để kết nối dân sinh...

BÍCH QUYÊN thực hiện

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/se-mo-rong-duong-cao-toc-2-lan-xe-co-luu-luong-giao-thong-lon-post707999.html