Sẽ tăng trường dùng kết quả thi đánh giá năng lực- ĐH Sư phạm Hà Nội?
Kỳ thi Đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội là một kỳ thi độc lập, được dư luận đánh giá có chất lượng tốt. Thời gian tới, dự kiến không chỉ các trường sư phạm sử dụng kết quả của kỳ thi này để xét tuyển mà còn có nhiều trường khác cùng tham gia.
Đảm bảo minh bạch, công khai
Ngày 28/12, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức thông tin về kỳ thi đánh giá năng lực - tuyển sinh đại học năm 2024 và định hướng năm 2025.
PGS.TS. Nguyễn Đức Sơn, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, kỳ thi đánh giá năng lực năm 2024 của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội sẽ được tổ chức vào một ngày là 11/5, tại hai địa điểm Hà Nội và Quy Nhơn.
Kết quả bài thi sẽ được 8 trường Đại học công nhận, gồm: Trường ĐH Sư phạm Hà Nội; Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh; Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế; Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng; Trường ĐH Sư phạm - ĐH Thái Nguyên; Trường ĐH Vinh; Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2; Trường ĐH Quy Nhơn.
Từ năm 2025, sau đợt thi cuối cùng của chương trình GDPT 2006, ban điều hành sẽ thiết kế ma trận phù hợp với chương trình mới, tiến hành thử nghiệm và đưa vào áp dụng chính thức.
Chia sẻ về những ưu điểm kỳ thi, TS Trần Bá Trình, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho hay: "Mỗi thí sinh được chọn tối đa 5 môn thi, nhiều hơn so với kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 là 1 môn. Như vậy, kỳ thi này sẽ rộng mở hơn với thí sinh.
Về thời gian, kỳ thi tổ chức vào tháng 5. Lúc này học sinh vừa học xong chương trình THPT nên không bị thiếu sót nội dung. Thí sinh làm bài xong sẽ có kinh nghiệm cho kỳ thi tốt nghiệp THPT tốt hơn. Thi sớm cũng giúp các em biết điểm sớm đỡ áp lực hơn.
Phương thức đăng ký thi đánh giá năng lực rất thuận lợi, đăng ký và trả kết quả đều trực tuyến; trường cũng đưa kết quả thi lên cổng thông tin của Bộ để các trường sử dụng. Ngoài ra, trường gửi giấy chứng nhận kết quả đến từng thí sinh.
Nội dung thi căn cứ theo Thông tư 08 về Quy chế tuyển sinh. Nhà trường xác định môn thi là các môn học ở THPT và thi trên giấy để gần gũi với học sinh. Đề thi gồm trắc nghiệm và tự luận từ mức thông hiểu trở lên để đánh giá năng lực lập luận, phân tích của thí sinh.
Hiện tại, kỳ thi xây dựng ma trận theo chương trình 2006 với 300 câu hỏi tự luận, 5.000 câu hỏi trắc nghiệm. Tới đây, trường sẽ điều chỉnh ma trận theo chương trình 2018, thanh lọc, bổ sung câu hỏi nguồn theo ma trận mới. Trường minh bạch hóa, sẵn sàng tiếp thu ý kiến đóng góp, phản biện và giải trình về chất lượng đề thi, đáp án. Thí sinh tra cứu câu hỏi và đáp ứng công khai để tự đánh giá kết quả làm bài.
Cũng theo TS Trần Bá Trình, tỷ lệ thí sinh ảo của kỳ thi đánh giá năng lực - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội ít hơn so với một số phương thức khác. Đánh giá sơ bộ cho thấy, sinh viên trúng tuyển theo phương thức này có ưu điểm là tư duy rành mạch, rõ ràng cùng khả năng thích ứng với môi trường học tập đại học nhanh hơn.
Lan tỏa để nhiều thí sinh biết đến kỳ thi
Hiện đối tượng của kỳ thi là học sinh lớp 12, người đã tốt nghiệp hoặc sinh viên có nguyện vọng thi để xét tuyển vào các trường ĐH Sư phạm. Với mong muốn mở rộng hơn đối tượng dự thi, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Trung đề xuất nên cho học sinh lớp 11 tham gia kỳ thi; việc sử dụng kết quả của các em hay không tùy thuộc các trường đại học.
Về điều này, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ, trường chưa cho phép đối tượng học sinh lớp 11 dự thi bởi không muốn tạo áp lực cho học sinh. Trong tương lai, việc có cho phép đối tượng này dự thi hay không, nhà trường chưa có kế hoạch.
Nhận xét về kỳ thi, PGS.TS Lưu Trang, Hiệu trưởng ĐH Đà Nẵng cho rằng, đây không phải là kỳ thi tuyển sinh đại học thông thường mà ý nghĩa lớn hơn, tác dụng phổ cập hơn là để thay đổi cách dạy và học, kể cả thay đổi cách đào tạo giáo viên. Hướng thi này rất cần thiết và đóng góp phù hợp với chương trình GDPT mới.
“Với thiết kế thi hiện tại 70% trắc nghiệm, 30% tự luận, kỳ thi tương thích với cách đánh giá tốt nghiệp THPT. Dù vậy, kỳ thi nên phát triển theo hướng này hay mang tính đánh giá năng lực nhiều hơn. Chúng ta đang cần đánh giá năng lực đầu vào đại học của thí sinh chứ không phải đánh giá kết quả học phổ thông của các em" - PGS.TS. Lưu Trang nói.
Bên cạnh đó, PGS.TS. Lưu Trang bày tỏ, sức hút của kỳ thi chưa thực sự phổ rộng, chưa tạo được tiếng vang nên số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào chưa cao. Tới đây, cần thống nhất cách thức tổ chức, quảng bá kỳ thi nhiều hơn; không nên dừng lại ở 2 điểm thi mà phải có vài chục điểm thi. Có thể kết nối với Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh tổ chức chung để tạo hệ thống. Như vậy mới tạo được sự thay đổi".
Kỳ thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội không chỉ thu hút khối trường Sư phạm mà còn nhận được sự quan tâm từ các trường khối ngành khác. TS Phạm Thanh Hà, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Giao thông Vận tải cho hay: "Chúng tôi đào tạo khối ngành kỹ thuật nên ngoài sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT thì có sử dụng kết quả từ kỳ thi riêng của các trường. Năm nay, chúng tôi tìm hiểu và nhận thấy kỳ thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có giá trị tuyển sinh cho trường, kết quả thi có sự tương đồng với mục tiêu tuyển sinh của trường. Vì vậy, chúng tôi có thể sử dụng kết quả thi này ngay trong kỳ tuyển sinh năm 2024 ".
“Qua theo dõi tôi thấy đây là mô hình làm rất tốt, sử dụng cả lí thuyết khảo thí hiện đại trong quá trình làm câu hỏi; không những vậy còn dự đoán trước và triển khai đúng, trúng, phù hợp xu hướng. Chính bởi vậy, từ năm 2025, trong khi kỳ thi tốt nghiệp THPT có thay đổi nhưng kỳ thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội vẫn tiếp tục duy trì được theo hình thức này", Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Ngọc Hà nêu quan điểm.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hà, thời gian tới, nhà trường cần tính toán làm sao cho số trường sử dụng mô hình, kết quả của kỳ thi này nhiều hơn nữa, từ đó tạo sức lan tỏa của kỳ thi trong hệ thống đào tạo đại học hiện nay.