Sẽ thu 3.300 tỉ đồng dịch vụ môi trường rừng trong năm 2025
Theo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam, năm 2025, đơn vị tiếp tục rà soát các nguồn thu, đảm bảo các đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng nộp tiền dịch vụ đúng thời gian quy định, phấn đấu đạt 3.300 tỉ đồng và giải ngân đúng mục đích.
Theo TTXVN, năm 2024, các đơn vị quỹ cả nước ký được 218 hợp đồng sử dụng dịch vụ môi trường rừng. Đây là cơ sở để tổ chức thu nộp tiền dịch vụ môi trường rừng từ các đơn vị sử dụng dịch vụ trong thời gian tới.
Lũy kế từ khi triển khai chính sách đến nay, cả nước đã ký được hơn 1.800 hợp đồng; trong đó, có 631 hợp đồng với cơ sở sản xuất thủy điện, 437 hợp đồng với cơ sở sản xuất nước sạch, 34 hợp đồng với cơ sở kinh doanh du lịch, 4 hợp đồng với cơ sở nuôi trồng thủy sản và 697 hợp đồng với cơ sở sản xuất công nghiệp.
Trong năm qua, tổng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng đạt hơn 3.700 tỉ đồng. Việc huy động nguồn thu mới từ dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng tiếp tục được triển khai. Việc thực hiện thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng bắc Trung bộ (ERPA) đã đánh dấu mốc quan trọng khi lần đầu tiên, Việt Nam chuyển nhượng thành công 10,3 triệu tấn CO2 cho Quỹ đối tác carbon trong lâm nghiệp (FCPF) thông qua WB, thu về 51,5 triệu đô la Mỹ, tương đương hơn 1.200 tỉ đồng.
Cũng theo bản tin trên, đại diện Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam cho biết, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Hầu hết các loại dịch vụ môi trường rừng đã được triển khai, được các cấp chính quyền, tổ chức, cá nhân ủng hộ và chủ động tham gia. Các đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng cũng ý thức hơn trong việc ký hợp đồng chi trả tiền dịch vụ này. Do đó, nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng đã cải thiện sinh kế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân vùng rừng và các hộ nhận khoán. Đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng đã hỗ trợ cho quản lý, bảo vệ 7,45 triệu hecta rừng, chiếm 53,53% tổng diện tích rừng toàn quốc. Bên cạnh đó, nguồn thu này cũng đã góp phần giúp giải quyết khó khăn về kinh phí bảo vệ rừng cho 235 Ban quản lý rừng đặc dụng và phòng hộ, 99 công ty lâm nghiệp và hàng trăm ngàn hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư…