Sẽ tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Ngày truyền thống tỉnh Đồng Nai
Thực hiện Công văn số 7770-CV/TU ngày 1-8-2024 của Thường trực Tỉnh ủy về việc lấy ý kiến nhân dân về 'Ngày truyền thống tỉnh Đồng Nai', sáng 5-8 Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phạm Xuân Hà đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo Báo Đồng Nai để thống nhất cách thức đăng tải thông tin lấy ý kiến góp ý rộng rãi của nhân dân về xác định 'Ngày truyền thống tỉnh Đồng Nai'.
Sau khi nghe các ý kiến thảo luận tại cuộc họp, đồng chí Phạm Xuân Hà đề nghị, nội dung đăng tải trên báo cần ngắn gọn, nêu bật ý nghĩa của Ngày truyền thống tỉnh Đồng Nai.
Sau khi đăng tải, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp Báo Đồng Nai thực hiện tổng hợp báo cáo kết quả lấy ý kiến góp ý của nhân dân về “Ngày truyền thống tỉnh Đồng Nai” để báo cáo Thường trực Tỉnh ủy và làm cơ sở để trình xin ý kiến HĐND tỉnh.
Nội dung xin ý kiến góp ý của nhân dân về đề xuất xác định “Ngày truyền thống tỉnh Đồng Nai”, như sau:
Trong dòng chảy lịch sử dân tộc, vùng đất Trấn Biên - Biên Hòa - Đồng Nai được định hình và phát triển sớm ở Nam Bộ. Năm 1998, tỉnh Đồng Nai tổ chức kỷ niệm Biên Hòa - Đồng Nai 300 năm hình thành và phát triển gắn với sự kiện năm Mậu Dần (1698), Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, thành lập dinh Trấn Biên, xác định đơn vị hành chính đầu tiên ở vùng đất này.
Cuối năm 2023, thành phố Biên Hòa tổ chức kỷ niệm 325 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai. Cả 2 lần tổ chức kỷ niệm vẫn chưa xác định được ngày, tháng nào.
Việc lựa chọn “Ngày truyền thống tỉnh Đồng Nai” có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục truyền thống, lịch sử, văn hóa, con người vùng đất Trấn Biên - Biên Hòa - Đồng Nai cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; góp phần quảng bá hình ảnh quê hương, con người Đồng Nai; đồng thời, tri ân công lao của các bậc tiền nhân trong quá trình xây dựng và phát triển vùng đất Trấn Biên - Biên Hòa - Đồng Nai.
Với ý nghĩa đó, Tỉnh ủy Đồng Nai đã tổ chức hội thảo khoa học để xác định “Ngày truyền thống tỉnh Đồng Nai”. Tham dự hội thảo có các chuyên gia, nhà khoa học về lịch sử đầu ngành của cả nước. Căn cứ kết quả hội thảo và các cứ liệu lịch sử trong sách Đại Nam thực lục (tập 1) có ghi: Mùa xuân, tháng 2 năm Mậu Dần (1698), chúa Nguyễn Phúc Chu sai Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược đất Nam Bộ, chia đất Đông Phố, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phúc Long (nay thăng làm phủ), dựng dinh Trấn Biên (tức Biên Hòa ngày nay). Sách Đại Nam thực lục (tập 3) ghi: Nhâm Thìn, năm Minh Mệnh thứ 13 (1832), mùa Đông, tháng 10, ngày mồng 1...
Nay chia đặt tỉnh hạt, thiết lập quan chức, có hai ty Bố chính, Án sát, chia giữ các việc tài chính, thuế khóa, hình luật, có Lãnh binh quan cai quản, quan võ và binh lính tất cả đều thuộc quyền Tổng đốc, Tuần phủ... Tỉnh Biên Hòa thống trị 1 phủ Phúc Long và 4 huyện Phúc Chính, Phúc An, Bình An, Long Thành...
Do các cứ liệu lịch sử không ghi chép ngày Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược vào vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, nên hội thảo khoa học và các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai kết hợp 2 sự kiện tháng 2 năm Mậu Dần (1698) Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai và ngày 1 (ngày mồng 1-10 năm Nhâm Thìn 1832) thành lập tỉnh Biên Hòa thành ngày 1-2 năm Mậu Dần (1698) (tức 12-3-1698 dương lịch) đề xuất làm “Ngày truyền thống tỉnh Đồng Nai”.
Để tiếp thu ý kiến góp ý của nhân dân, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp Báo Đồng Nai thông tin rộng rãi lấy ý kiến nhân dân về đề xuất “Ngày truyền thống tỉnh Đồng Nai” là ngày 1-2 năm Mậu Dần (1698) (tức ngày 12-3-1698 dương lịch).