SEA-PLM hỗ trợ đánh giá học tập hiệu quả, phát triển bền vững và công bằng
Chương trình SEA-PLM hỗ trợ đẩy nhanh mục tiêu Phát triển bền vững 4 (SDG 4) để bảo đảm giáo dục chất lượng toàn diện và công bằng.

SEA-PLM đánh giá mức độ học sinh cần đáp ứng đối với mục tiêu của chương trình giảng dạy chung.
Việt Nam tham gia Chương trình SEA-PLM lần đầu tiên là chu kì 2019
Chương trình Đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học khu vực Đông Nam Á (Southeast Asia Primary Learning Metric, gọi tắt là SEA-PLM) là một chương trình được thực hiện theo sáng kiến của Tổ chức Bộ trưởng giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO), Văn phòng khu vực Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc và Văn phòng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương (UNICEF EAPRO)).
Trọng tâm chính của chương trình là hỗ trợ các quốc gia thành viên xây dựng các hệ thống đánh giá học tập hiệu quả, cho phép các quốc gia theo dõi kết quả học tập của học sinh và xây dựng các chính sách cải tiến, từ đó góp phần mang lại nền giáo dục công bằng và có ý nghĩa hơn cho tất cả trẻ em trong khu vực.
Chương trình SEA-PLM hỗ trợ đẩy nhanh mục tiêu Phát triển bền vững 4 (SDG 4) để bảo đảm giáo dục chất lượng toàn diện và công bằng cũng như thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời.
Bối cảnh khu vực, các kĩ năng, thái độ và giá trị ASEAN đáp ứng nhu cầu Thế kỷ 21 là nội dung trọng tâm đánh giá của SEA-PLM.
Mục tiêu chung của chương trình giảng dạy ở các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á là tạo nên những công dân được trang bị tốt, tích cực hòa nhập vào thế giới. Các lĩnh vực Đọc hiểu, Viết, Toán và Công dân toàn cầu là nền tảng để đạt được những kết quả này.
SEA-PLM đánh giá mức độ học sinh cần đáp ứng đối với mục tiêu của chương trình giảng dạy chung.
Vì vậy, chương trình giảng dạy ở các nước ASEAN đã và đang góp phần vào thiết kế nội dung của khung đánh giá.
Đây là chương trình đầu tiên theo mô hình dựa trên các giá trị chung của ASEAN và khung chương trình giảng dạy của các quốc gia, hướng tới mục tiêu tổ chức một kỳ đánh giá có sự phức tạp ở mức độ cao để đánh giá việc nắm vững nội dung học tập.
Việt Nam tham gia Chương trình SEA-PLM lần đầu tiên là chu kì 2019, đây là chu kì được xây dựng với sự phối hợp và tham vấn của các quốc gia Đông Nam Á thông qua Ban Chỉ đạo khu vực Chương trình SEA-PLM và Ban Thư ký SEAMEO.
Chu kì đầu tiên được khởi động từ năm 2012-2015 và giai đoạn triển khai các hoạt động từ năm 2016-2020 (khảo sát thử nghiệm năm 2018 và khảo sát chính thức năm 2019).
Chương trình đã công bố kết quả khu vực ban đầu và dữ liệu so sánh vào tháng 12/2020 ở 06 quốc gia Đông Nam Á: Campuchia, Lào, Myanmar, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Học sinh tiểu học Việt Nam đứng đầu ở cả 3 lĩnh vực được khảo sát là: Đọc hiểu, Viết và Toán.
Cứ sau 5 năm và trước khi bắt đầu một chu kì mới của Chương trình SEA-PLM, tất cả 11 quốc gia Đông Nam Á tiếp tục được mời tham gia với tư cách thành viên của SEA-PLM.
Chương trình SEA-PLM chu kì 2024 hoàn thiện và bền vững hơn, thúc đẩy trao đổi về chính sách và hợp tác; đồng thời mang lại những cơ hội mới để thu hút các bên liên quan, xây dựng quan hệ đối tác, thúc đẩy các quốc gia mới tham gia và cải thiện hiệu quả mô hình hoạt động.
Chương trình SEA-PLM chu kì 2024 có 7 nước tham gia gồm: Campuchia, Đông Timor, Lào, Myanmar, Malaysia, Philippines và Việt Nam.

Chương trình SEA-PLM có tính khu vực
Chương trình SEA-PLM có quy mô lớn và có tính khu vực, ngoài các quốc gia thành viên trong khu vực Đông Nam Á còn có nhiều đối tác quốc tế, bên liên quan, các quốc gia thành viên không thường trực tham gia và phối hợp triển khai.
Thực hiện đều đặn theo chu kì (5 năm 1 lần) tạo điều kiện cho các quốc gia có thể theo dõi sự tiến bộ của nền giáo dục đối với việc phấn đấu đạt được mục tiêu giáo dục cơ bản (giáo dục tiểu học).
Là chương trình đầu tiên trên thế giới đo lường năng lực viết theo nhiều loại chữ viết khác nhau bởi sự đa dạng văn hóa của các quốc gia bằng một thang đo chung.
Chương trình SEA-PLM thu thập câu trả lời của học sinh, nhà trường, giáo viên và cha mẹ học sinh thông qua các đề thi và phiếu hỏi trên giấy. Máy tính và các thiết bị kĩ thuật số được coi là không phù hợp trong quá trình thu thập dữ liệu nhằm đánh giá năng lực Đọc hiểu, Viết và Toán của học sinh từ 10-12 tuổi ở bậc tiểu học, đặc biệt là học sinh đến từ các cộng đồng khó khăn và trường học ở vùng sâu vùng xa.
Một năm trước khi cuộc khảo sát diễn ra, tài liệu và các thủ tục tiến hành được thử nghiệm ở tất cả các quốc gia tham gia Chương trình SEA-PLM.
Quy trình chọn mẫu cho kỳ khảo sát thử nghiệm và khảo sát chính thức được thực hiện qua 3 bước.
Đầu tiên là chọn ngẫu nhiên trường, sau đó chọn ngẫu nhiên lớp, cuối cùng học sinh trong lớp học đó sẽ được chọn ngẫu nhiên sao cho phù hợp với các tiêu chuẩn về đối tượng khảo sát của Chương trình SEA-PLM. Cỡ mẫu tối thiểu khảo sát thử nghiệm của mỗi quốc gia thường là 1000 học sinh đến từ 25 trường và khảo sát chính thức là 4000 học sinh đến từ 150 trường.

Tuy nhiên, tùy thuộc vào đặc điểm của mỗi quốc gia, kích cỡ mẫu được điều chỉnh phù hợp với mục đích nghiên cứu, phân tích của khu vực và từng quốc gia. Khảo sát chính thức chu kì 2024, Việt Nam tham gia với khoảng 6100 học sinh tại 152 cơ sở giáo dục tiểu học thuộc 53 tỉnh, thành phố. Nhờ đó, ước lượng đánh giá thu từ các dữ liệu được bảo đảm đủ chi tiết để đưa ra kết luận khái quát về năng lực của học sinh thông qua mẫu đã chọn.
Tất cả các quốc gia tham gia khảo sát đều sử dụng một bộ công cụ đánh giá học sinh chung. Các công cụ chính để khảo sát gồm bộ đề thi (Test), phiếu hỏi nhà trường, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh (Questionnaires). Sau khi được dịch và thích ứng phù hợp với văn hóa từng nước, các tài liệu được thẩm định đúng quy trình; tất cả những thủ tục liên quan đến cuộc khảo sát đều được tiêu chuẩn hóa và giám sát nghiêm ngặt ở mỗi quốc gia.
Hai điều kiện trên góp phần bảo đảm kết quả khảo sát mang tính xác thực và có giá trị trong việc so sánh giáo dục cơ bản giữa các quốc gia cũng như giữa các khu vực trong cùng một nước.
Trong quá trình tiến hành khảo sát, dữ liệu phải trải qua quá trình kiểm tra và hợp thức hóa nghiêm ngặt. Các trung tâm quốc gia đều phải tham gia phê duyệt và kết hợp với các nhà thầu quốc tế để xử lí dữ liệu.
Ban Thư ký SEAMEO phát hành báo cáo khu vực về kết quả kỳ khảo sát vào tháng 12 sau một năm tổ chức khảo sát chính thức. Cơ sở dữ liệu công bố cùng báo cáo và ngay sau đó là báo cáo kĩ thuật. Ban Thư ký SEAMEO sẽ xuất bản tài liệu hướng dẫn nhằm giúp các quốc gia hiểu và phân tích dữ liệu. Sau bản báo cáo ban đầu, bản báo cáo chuyên sâu sẽ được công bố, trong đó đưa ra hướng giải quyết chi tiết cho từng chủ điểm cụ thể. Hội đồng quản trị SEA-PLM xét duyệt nội dung trọng tâm của báo cáo chuyên sâu.
Chương trình SEA-PLM gồm có 3 mục tiêu chính: Xây dựng các chỉ báo về kết quả giáo dục để đưa ra sự so sánh có ý nghĩa về chất lượng.
Cung cấp cơ sở dữ liệu cần thiết, tin cậy và so sánh được về kết quả học tập theo bối cảnh cụ thể cho các nhà hoạch định chính sách, trong đó đưa ra thông tin trực tiếp về sự phát triển chính sách giáo dục trong vùng.
Tăng cường năng lực hiện có của các nước tham gia về thiết kế các hoạt động thu thập dữ liệu để hỗ trợ tất cả các khía cạnh của chu trình chính sách: để xây dựng và thực hiện một kỳ khảo sát đánh giá đáng tin cậy, có giá trị và nghiêm túc cũng như chương trình báo cáo có tính chất tương tự; phân tích, diễn giải và công bố dữ liệu đánh giá một cách phù hợp dựa trên quan điểm là thông tin chính sách giáo dục và các bằng chứng kèm theo.
Mục tiêu của Việt Nam tham gia Chương trình SEA-PLM
Đánh giá khách quan về chất lượng giáo dục Việt Nam so với các nước trong khu vực, phân tích thực trạng giáo dục và đề xuất các khuyến nghị đối với chính sách giáo dục để nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam;
Hội nhập với các nước trong khu vực về giáo dục;
Thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với việc xây dựng và phát triển ngôi nhà chung ASEAN.