Seoul 'mắc kẹt' trong căng thẳng Mỹ - Trung
Trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung ngày càng xấu đi, Hàn Quốc, vốn đang bị kẹp chặt giữa hai bên một lần nữa phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn trong việc thực thi chính sách đối ngoại của mình.
Lời mời từ phía đồng minh
Việc liên quân Hàn-Mỹ bất ngờ tiến hành thay thế tên lửa đánh chặn thuộc Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) mới đây đã làm dấy lên những đồn đoán rằng Trung Quốc có thể một lần nữa chọn cách "trả đũa kinh tế" đối với các công ty Hàn Quốc.
Ngoài ra, lời mời Hàn Quốc tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay một cách đường đột của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang khiến Seoul rơi vào tình thế khó xử trong bối cảnh mối quan hệ Mỹ-Trung ngày càng xấu đi. Lời mời ấy có thể là một nỗ lực khác của Washington nhằm kiềm chế Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc.
Trong khi Seoul đang tích cực chuẩn bị cho chuyến thăm chính thức tới Hàn Quốc của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong năm nay nhằm cải thiện quan hệ song phương và giảm bớt các biện pháp trả đũa kinh tế của Trung Quốc chống lại việc triển khai THAAD, Washington dường như lại đang mời gọi Seoul tham gia một phong trào do Mỹ khởi xướng để kiềm chế Trung Quốc trong cái gọi là "Chiến tranh Lạnh kiểu mới". Tổng thống Trump đã khẳng định sẽ mời thêm Hàn Quốc, Nga, Australia và Ấn Độ tham gia hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng vào mùa thu năm nay.
Theo phát ngôn viên Nhà Xanh, ông Trump đã đưa ra lời mời chính thức với người đồng cấp Moon Jae-in trong cuộc điện đàm kéo dài 15 phút vào tối 1-6, nhấn mạnh rằng G7 ở định dạng hiện tại đã quá lỗi thời, không thể phản ánh tình hình quốc tế đang thay đổi và ông đang tìm cách mở rộng thành G11 hoặc G12.
Tổng thống Moon Jae-in đã nói với người đồng cấp Mỹ rằng ông "sẵn sàng nhận lời mời" tham gia hội nghị thượng đỉnh G7. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 31-5 cũng đưa ra tuyên bố rằng Hàn Quốc và các quốc gia đồng minh khác có thể trở thành "những đối tác tốt" trong nỗ lực bảo vệ các giá trị của phương Tây trước những mối đe dọa từ Trung Quốc.
Phát biểu tại một diễn đàn điều phối chiến lược về chính sách đối ngoại ở trụ sở Bộ Ngoại giao Hàn Quốc mới đây, Ngoại trưởng Kang Kyung-hwa nhấn mạnh rằng: "Chúng ta nhận thức rõ được những lo ngại của dư luận trong nước về sự leo thang căng thẳng trên trường quốc tế. Chúng ta đang cùng các chuyên gia trong và ngoài nước phân tích kỹ về bản chất cuộc xung đột cũng như những tác động tiềm tàng đến Hàn Quốc".
Mặc dù bà Kang Kyung-hwa không đề cập cụ thể đến Mỹ và Trung Quốc, song nhận định trên cho thấy mối lo ngại của chính quyền ông Moon Jae-in về nguy cơ Hàn Quốc "bị kẹp" giữa cuộc cạnh tranh ngày càng leo thang giữa hai siêu cường.
Ở giữa cần sự thận trọng
Giới chuyên gia và dư luận Hàn Quốc ngày càng lo ngại về cách thức Seoul đối phó với cuộc xung đột này. Hàn Quốc được cho là sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực từ cả Mỹ và Trung Quốc khi thể hiện sự ủng hộ cho các chiến lược tương ứng của họ nhằm tăng cường ảnh hưởng trong khu vực. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh đến việc Hàn Quốc cần phải có một cách tiếp cận "dài hạn và thận trọng" bởi chính sách chống Trung Quốc ở Washington có thể vẫn được duy trì bất kể ai sẽ trở thành ông chủ Nhà Trắng tiếp theo.
Trả lời phỏng vấn tờ Thời báo Hàn Quốc qua email, giáo sư Terence Roehrig của trường Đại học Hải chiến (Mỹ) cho rằng khả năng Mỹ gia hạn lời mời Hàn Quốc tham gia hội nghị thượng đỉnh G7, mặc dù chưa có thời điểm tổ chức cụ thể và phản ứng quyết liệt của Trung Quốc trước việc liên quân Hàn-Mỹ thay thế tên lửa trong THAAD, là 2 ví dụ nữa cho thấy Hàn Quốc và các nước khác có thể bị cuốn vào mối quan hệ ngày càng phức tạp Mỹ-Trung.
Bản thân THAAD vẫn là một “cái gai” trong mắt Bắc Kinh và Trung Quốc sẽ nhắc Seoul cùng Washington về sự bất mãn của họ mỗi khi có cơ hội. Bắc Kinh chỉ trích Washington vì đã làm tổn hại mối quan hệ Trung-Hàn liên quan đến việc thay thế các tên lửa đánh chặn THAAD và Bắc Kinh cũng chẳng hề hấn gì khi làm tổn hại mối quan hệ với Seoul bằng các đòn trừng phạt kinh tế.
Giáo sư Van Jackson của trường Đại học Victoria ở Wellington (Mỹ), đồng thời là cựu quan chức Lầu Năm Góc, nhận định rằng Hàn Quốc giờ đây cần giảm thiểu sự mạo hiểm và thoát khỏi tầm ảnh hưởng của Mỹ với ít thiệt hại nhất. Nước Mỹ giờ đây cũng không có khả năng suy nghĩ thấu đáo những rủi ro mà Hàn Quốc có thể phải đối mặt và cũng chẳng chìa tay “cứu” Hàn Quốc trước sức ép của Trung Quốc".
Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng lưu ý rằng Hàn Quốc cũng cần tranh thủ cơ hội "có một không hai" này để thể hiện vai trò của mình tại một diễn đàn chính trị hàng đầu thế giới - G7.
Giáo sư chuyên ngành quan hệ quốc tế Leif-Eric Easley tại trường Đại học nữ sinh Ewha (Hàn Quốc) cho rằng, Seoul nên đóng góp công sức vào một hội nghị thượng đỉnh vốn được coi là ở vị trí cao nhất trong chính trị quốc tế. Các quốc gia G7 sẽ không hình thành một liên minh chống Trung Quốc mà ngược lại sẽ tăng cường các chuẩn mực và hợp tác quốc tế.
Về lời mời tham dự hội nghị thượng đỉnh G7, giáo sư Leif-Eric Easley cho rằng Hàn Quốc nên tận dụng sự kiện này để có được vị thế mới về ngoại giao. Ông nhấn mạnh: "Đây có thể là một sự tiến triển thú vị và có khả năng đưa Hàn Quốc vào thế khó trước Trung Quốc nhưng đổi lại có thể giúp Seoul tham gia một cơ chế đàm phán quan trọng về nhiều vấn đề.
Các nhà lãnh đạo Hàn Quốc nên xem điều này như một cơ hội để đóng vai trò lớn hơn trong đối thoại với các nền kinh tế tiên tiến khác, phối hợp với các quốc gia khác có cùng lợi ích để giúp định hình các quyết định quan trọng từ nhóm này".
Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/hau-truong/seoul-mac-ket-trong-cang-thang-my-trung-598210/