Serbia dự báo xung đột Ukraine sắp leo thang lớn, có thể buộc phải trừng phạt Nga
Tổng thống Serbia cho biết áp lực của phương Tây lên nước này sẽ gia tăng mạnh mẽ khi xung đột ở Ukraine leo thang.
Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic cảnh báo thời điểm nước này không còn lựa chọn khác mà buộc phải nhượng bộ các yêu cầu của phương Tây trong việc trừng phạt đồng minh lâu năm Nga đang đến gần.
Tại cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Prva ngày 10/2, Tổng thống Vucic cho biết ông dự đoán cuộc xung đột ở Ukraine sẽ xảy ra một động thái leo thang lớn trong sáu tháng tới. Ông cảnh báo rằng cuộc giao tranh giữa Nga và Ukraine cho đến nay sẽ chẳng thể so sánh với những diễn biến sắp xảy ra.
Nhà lãnh đạo Serbia cảnh báo tình hình trên sẽ ảnh hưởng đến Serbia, do chịu áp lực từ phương Tâ. Và theo ông, mối quan hệ với Nga sẽ trở nên khó khăn hơn gấp hai hoặc ba lần, mặc dù hiện tại vẫn vững mạnh.
Liên minh châu Âu (EU) đã đề cập đến việc trừng phạt Moskva vì tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine và công nhận nền độc lập của Kosovo như là những điều kiện chính để Serbia gia nhập EU.
Tổng thống Vucic, người đã từ chối cả hai đề nghị trên suốt nhiều tháng qua, giờ đây tuyên bố thời điểm mà Belgrade buộc phải tham gia các biện pháp cấm vận của EU đối với Moskva đang rút ngắn.
“Thời điểm đó [khi Serbia trừng phạt Nga] đã đến gần từ lâu, tôi e rằng thậm chí còn chưa đến vài tháng nữa”, ông nói.
Tổng thống Serbia tiết lộ ông từng tin rằng phương Tây, vốn hậu thuẫn cho chính quyền Kiev bằng vũ khí, tài chính và tình báo, đang chiếm thế thượng phong ở Ukraine. Tuy nhiên, tại thời điểm này, ông không thể nhận định ai đang nắm phần thắng ở Ukraine.
Theo ông Vucic, sẽ rất khó khăn cho Serbia cho dù ai chiến thắng ở Ukraine. “Phương Tây không muốn một quốc gia liên minh với Nga ở giữa châu Âu. Mặt khác, Nga không muốn mất tất cả những gì họ có ở Balkan”, ông nói.
Theo ông, cơ hội thành công của Moskva đã tăng lên bởi thực tế rằng hiện tại, người dân Nga đang đạt được sự đồng thuận về cuộc xung đột ở Ukraine, đặc biệt sau khi Đức và nhiều quốc gia phương Tây khác đồng ý cung cấp xe tăng chiến đấu cho Kiev.
Trước đó, Tổng thống Vucic cho rằng quyết định cấp xe tăng cho Ukraine, đặc biệt là những chiếc Leopard 2 của Đức, là sai lầm chính trị lớn nhất của phương Tây vì động thái này không khác gì khiến đoàn kết người Nga hơn bao giờ hết.
Tháng trước, Đức và Mỹ đã đồng ý cung cấp một số xe tăng hạng nặng cho Ukraine. Mỹ cam kết cung cấp từ 30 đến 50 xe tăng M1 Abrams, còn Đức cam kết cung cấp 14 chiếc Leopard 2A6 từ kho dự trữ. Đức cho biết thêm 51 chiếc cùng mẫu và 88 chiếc Leopard 1 cũ hơn cũng có thể được tập đoàn Rheinmetall cung cấp sau khi tân trang.
Đức còn bật đèn xanh cho các quốc gia muốn đưa xe tăng Leopard sang Ukraine. Các nước này gồm Ba Lan, Phần Lan, Tây Ban Nha, Na Uy và Hà Lan. Anh và Canada cũng cho biết họ sẽ gửi xe tăng tới Ukraine.
Quyết định trên đã bị Nga chỉ trích nặng nề, gọi đây là động thái cực kỳ nguy hiểm, có nguy cơ làm leo thang xung đột ở Ukraine. Ngày 2/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo rằng phản ứng của Nga sẽ không chỉ giới hạn ở vũ khí.
Các quốc gia khác cũng bày tỏ lo ngại về động thái của phương Tây. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói rằng cung cấp xe tăng cho Ukraine là một nỗ lực mang tính rủi ro cao, sẽ không giúp chấm dứt xung đột và chỉ làm giàu cho các ông trùm vũ khí.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban cũng chỉ trích quyết định của Đức, cho rằng các nước phương Tây này đang trở thành những bên tham gia tích cực vào cuộc xung đột. Ông Orban đã nhấn mạnh thay vì vũ trang cho Ukraine, phương Tây nên theo đuổi lệnh ngừng bắn và đàm phán hòa bình ở Ukraine.