Sếu vận chuyển bằng máy bay từ Thái Lan về Việt Nam đang phục hồi tốt

Ngày 13/4, tại Thảo cầm viên Sài Gòn, nơi 6 cá thể Sếu chuyển về Việt Nam từ Vườn thú Nakhon Raschasima (Thái Lan) đang được cách ly, các chuyên gia của Thái Lan, Việt Nam và Hội Sếu Quốc tế đã thảo luận đánh giá tình hình sức khỏe của các cá thể sếu sau 3 ngày nuôi cách ly.

Theo đánh giá của các chuyên gia, 6 cá thể sếu đã hồi phục tốt sau quảng đường di chuyển dài và đủ điều kiện để được chuyển về Vườn Quốc gia Tràm Chim, tỉnh Đồng Tháp theo kế hoạch vào ngày 19/4.

Trước đó, 6 cá thể sếu được đưa đến Thảo cầm viên Sài Gòn trong đêm 10/4 sau 16 giờ di chuyển bằng đường bộ và đường hàng không, trong điều kiện thời tiết nóng ẩm, lại không được ăn và uống. Tuy nhiên toàn bộ 6 cá thể đều an toàn, không hề có chấn thương, kể cả những vết trầy xước và không bị mất sức. Ghi nhận ngày 13/4, quan sát 6 cá thể sếu ăn uống, vận động bình thường. Số lượng thức ăn tiêu thụ tăng lên hằng ngày. Ngoài thức ăn tổng hợp, các cá thể sếu còn được cung cấp thêm cá nhỏ và sâu gạo.

6 cá thể sếu đã hồi phục tốt

6 cá thể sếu đã hồi phục tốt

Trước đó, tỉnh Đồng Tháp đã tiếp nhận 6 cá thể Sếu đầu đỏ đầu tiên từ Vương Quốc Thái Lan về Việt Nam. Những cá thể Sếu đầu đỏ được nhân nuôi tại Vườn thú Nakhon Ratchasima được chuyển về Việt Nam bằng đường hàng không. Việc chuyển giao và tiếp nhận 6 cá thể Sếu đầu đỏ từ Vương Quốc Thái Lan về Việt Nam là dấu mốc quan trọng đầu tiên trong Chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Thái Lan về bảo tồn Sếu đầu đỏ.

Theo đó, 6 cá thể Sếu đầu đỏ (khoảng 7 tháng tuổi) được nhân nuôi tại Vườn thú Nakhon Ratchasima được chuyển về Việt Nam bằng đường hàng không, bao gồm 3 cá thể trống và 3 cá thể mái.

Các chuyên gia đã thảo luận đánh giá tình hình sức khỏe của các cá thể sếu sau 3 ngày nuôi cách ly

Các chuyên gia đã thảo luận đánh giá tình hình sức khỏe của các cá thể sếu sau 3 ngày nuôi cách ly

Trước đó, vào tháng 12/2024, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Chương trình công bố “Đề án Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022 – 2032”. Dự kiến trong 10 năm triển khai Đề án, tỉnh Đồng Tháp sẽ có khoảng 100 cá thể Sếu được nuôi và thả ra và có 50 cá thể có khả năng sinh sống trong môi trường tự nhiên.

Đề án Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim, tỉnh Đồng Tháp

Đề án Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim, tỉnh Đồng Tháp

Vườn Quốc gia Tràm Chim có diện tích hơn 7.300 ha và được công nhận là khu Ramsar thứ 4 của Việt Nam và thứ 2.000 của thế giới. Vườn với hệ thực vật 130 loài, 130 loài thủy sản nước ngọt, là nơi trú ngụ của 231 loài chim. Đặc biệt, là Sếu đầu đỏ loài chim quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng và được cả thế giới quan tâm bảo vệ.

Phạm Hải/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/seu-van-chuyen-bang-may-bay-tu-thai-lan-ve-viet-nam-dang-phuc-hoi-tot-post1191733.vov