SGK Cánh Diều gây dấu ấn nhờ thiết kế khoa học, nội dung gần gũi thực tế
Với thiết kế khoa học, gắn liền với thực tiễn, SGK Cánh Diều không chỉ giúp học sinh tiếp thu kiến thức mà còn phát triển năng lực tự học và tư duy sáng tạo.
Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 mang đến một điểm đổi mới quan trọng là cho phép sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa, tạo điều kiện để giáo viên và nhà trường linh hoạt lựa chọn tài liệu phù hợp với đặc điểm học sinh, từ đó nâng cao chất lượng dạy và học.
Trong số các bộ sách giáo khoa đang được triển khai, bộ sách Cánh Diều được nhận xét với nhiều ưu điểm nổi bật, nội dung gắn với thực tiễn và khơi gợi hứng thú học tập, phát triển năng lực toàn diện cho học sinh.
Minh bạch trong quá trình lựa chọn bộ sách phù hợp
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Đỗ Thùy Linh - giáo viên Vật lý Trường Trung học cơ sở Lê Lợi (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: Trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, việc triển khai một chương trình với nhiều bộ sách giáo khoa là một bước đi đúng đắn, phù hợp với xu thế hiện đại. Chủ trương này thể hiện tinh thần dân chủ, linh hoạt và tôn trọng sự đa dạng trong giáo dục.
Theo đó, thay vì chỉ có một bộ sách duy nhất áp dụng cho tất cả, các nhà trường và giáo viên giờ đây có thể lựa chọn bộ sách phù hợp nhất với điều kiện thực tế, đối tượng học sinh và định hướng dạy học của đơn vị mình.
Trước đây, sách giáo khoa từng được xem như một “pháp lệnh” – tài liệu mang tính bắt buộc, thống nhất trên cả nước, khiến giáo viên không có nhiều không gian để sáng tạo hay lựa chọn tài liệu giảng dạy phù hợp với đặc điểm của học sinh. Điều này phần nào khiến quá trình dạy học trở nên cứng nhắc, thiếu linh hoạt.
Tuy nhiên, với định hướng đổi mới trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành triển khai một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa thì giáo viên đã được trao quyền chủ động hơn trong việc lựa chọn tài liệu giảng dạy. Đây là một bước tiến quan trọng, thể hiện sự thay đổi trong tư duy quản lý giáo dục, từ áp đặt sang gợi mở, từ truyền đạt sang hướng dẫn phát triển năng lực.
Khi đó, giáo viên không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà trở thành người tổ chức, hướng dẫn học sinh học tập hiệu quả nhất, phù hợp với điều kiện, năng lực và nhu cầu cụ thể của từng lớp học.
Theo đánh giá của cô Linh, thực tế trình độ, khả năng tiếp nhận kiến thức của học sinh ở mỗi địa phương, vùng miền là không giống nhau. Chẳng hạn, đối với những trường có mặt bằng học sinh ở mức trung bình khá, bộ sách Cánh Diều được đánh giá là phù hợp khi có cách trình bày kiến thức rõ ràng, dễ hiểu, nội dung gắn với thực tiễn giúp giáo viên dễ truyền đạt, còn học sinh thì tiếp cận kiến thức một cách tự nhiên, nhẹ nhàng nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu phát triển năng lực.
Đặc biệt, quá trình lựa chọn sách hiện nay đã được minh bạch và mang tính chuyên môn cao hơn. Theo đó, mặc dù Ban giám hiệu giữ vai trò quản lý nhưng sẽ không thể nắm rõ chuyên môn của từng bộ môn. Trong khi giáo viên bộ môn lại là những người tiếp xúc trực tiếp với học sinh nên sẽ có sự am hiểu đặc điểm tâm sinh lý và năng lực tiếp nhận của các em. Vậy nên việc giao toàn quyền cho giáo viên trong việc lựa chọn sách là một quyết định đúng đắn và hợp lý.

Ảnh minh họa: NVCC
Chia sẻ về quá trình lựa chọn sách, cô Linh cho biết quy trình thường được tiến hành kỹ lưỡng. Giáo viên trong tổ chuyên môn sẽ nghiên cứu đầy đủ cả ba bộ sách giáo khoa được phê duyệt, sau đó so sánh các tiêu chí về nội dung, cách tiếp cận, phương pháp thể hiện và mức độ phù hợp với học sinh.
Sau quá trình thảo luận, tổ chuyên môn sẽ thống nhất lựa chọn bộ sách có nhiều ưu điểm nhất và đáp ứng tốt nhu cầu học tập của học sinh trong nhà trường.
Tương tự, tại Trường phổ thông dân tộc bán trú Quang Vinh - Lưu Ngọc (Cao Bằng), quá trình lựa chọn bộ sách giáo khoa để đưa vào hoạt động giảng dạy cũng được triển khai một cách minh bạch.
Cô Nông Thị Thu - giáo viên Tin học tại trường cho biết, mỗi giáo viên có phong cách và phương pháp giảng dạy riêng, và chính điều này ảnh hưởng trực tiếp đến cách lựa chọn sách giáo khoa. Bộ sách không chỉ là công cụ truyền đạt kiến thức, mà còn là nền tảng để giáo viên thiết kế bài giảng, tổ chức hoạt động học tập, xây dựng phương pháp kiểm tra, đánh giá và định hướng phát triển năng lực cho học sinh.
Do đó, khi có nhiều sự lựa chọn, giáo viên có thể căn cứ vào đặc điểm dạy học tại trường, năng lực học sinh, cũng như điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị học tập... để lựa chọn bộ sách phù hợp nhất.
Đối với Trường phổ thông dân tộc bán trú Quang Vinh - Lưu Ngọc, qua quá trình tìm hiểu, nghiên cứu và đánh giá kỹ lưỡng cả ba bộ sách giáo khoa được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, các thầy cô giáo trong tổ chuyên môn đã có những so sánh cụ thể về nội dung, hình thức trình bày, phương pháp tiếp cận và mức độ phù hợp với đối tượng học sinh của nhà trường. Qua quá trình đó, phần lớn giáo viên nhà trường đều đánh giá cao bộ sách Cánh Diều với những ưu điểm rõ rệt, đặc biệt là ở cách thiết kế hoạt động học tập và hình thức thể hiện.
Theo nhận xét, đánh giá của cô Thu, các bài học trong sách Cánh Diều được xây dựng với hệ thống hoạt động rõ ràng, mạch lạc, bám sát mục tiêu phát triển năng lực của học sinh. Các hoạt động mang tính tương tác cao, giúp học sinh chủ động khám phá kiến thức thay vì chỉ tiếp nhận một chiều. Đồng thời, phần trình bày của sách cũng rất thân thiện với người học. Các kênh chữ, kênh hình được sắp xếp hợp lý, dễ nhìn, dễ theo dõi, tạo hứng thú cho học sinh ngay từ khi mới tiếp xúc.
Ngoài ra, với việc sử dụng màu sắc hài hòa, hình ảnh minh họa sinh động nhưng không rối mắt cũng giúp học sinh dễ dàng nắm bắt và ghi nhớ kiến thức. Nhờ đó, quá trình dạy học diễn ra thuận lợi hơn. Giáo viên dễ dàng tổ chức bài học, học sinh dễ hiểu, dễ tiếp thu và có hứng thú tham gia vào các hoạt động trên lớp.

Trường phổ thông dân tộc bán trú Quang Vinh - Lưu Ngọc (Cao Bằng) lựa chọn sách Cánh diều khi dạy môn Tin học. Ảnh: website NXB Đại học sư phạm TPHCM
Thiết kế sách dễ dạy, dễ học và gắn với thực tiễn cuộc sống
Đối chiếu với mặt bằng học lực hiện tại của học sinh trong trường, cô Nông Thị Thu đánh giá bộ sách Cánh Diều đang đáp ứng rất tốt yêu cầu giảng dạy và học tập khi kiến thức được xây dựng vừa phải, không quá nặng. Đồng thời vẫn đảm bảo định hướng phát triển tư duy, phẩm chất và năng lực, theo đúng mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Cụ thể, đối với sách Tin học 6 thuộc bộ Cánh Diều không chỉ giúp học sinh nắm vững kiến thức cơ bản mà còn phát triển các kỹ năng thực hành cần thiết, tạo nền tảng vững chắc cho các em trong việc ứng dụng Tin học vào cuộc sống và học tập sau này.
Theo đó, sách xây dựng nội dung bài học dễ hiểu và gần gũi, giúp học sinh tiếp cận những khái niệm cơ bản về Tin học mà không cảm thấy quá tải. Ví dụ, trong bài học đầu tiên về chủ đề "Máy tính và cộng đồng", sách đã sử dụng phương pháp minh họa rất hiệu quả với các kênh hình và ví dụ cụ thể, giúp học sinh dễ dàng tiếp thu và hiểu rõ hơn về vai trò của máy tính trong đời sống xã hội.
Các hình ảnh minh họa sinh động được thiết kế rõ ràng, kết hợp với chú thích chi tiết, giúp học sinh dễ dàng hiểu được nội dung bài học mà không bị áp lực về lý thuyết khô khan.
Bên cạnh đó, phương pháp dạy học hiện đại với trọng tâm là "học qua làm" được áp dụng triệt để trong sách. Các bài tập thực hành không chỉ giúp học sinh luyện tập các kỹ năng sử dụng máy tính mà còn khuyến khích các em tư duy, vận dụng thực tế. Chẳng hạn, ở chủ đề “Đạo đức, pháp luật và văn hóa trong môi trường số”, sách đã hướng dẫn học sinh thực hành phòng vệ trước ảnh hưởng xấu của Internet.

Các hình ảnh minh họa trong sách Cánh diều được thiết kế sinh động, kết hợp với chú thích chi tiết. Ảnh: website NXB Đại học sư phạm TPHCM
Thứ hai, với thiết kế dễ nhìn, các sơ đồ và hình vẽ minh họa về cấu trúc máy tính đều được thể hiện rõ đã giúp học sinh dễ dàng nắm bắt kiến thức.
Cụ thể, trong các bài học về soạn thảo văn bản, sách đã sử dụng hình ảnh minh họa sinh động, chỉ rõ các khối lệnh, giải lệnh và có chú thích rất chi tiết. Điều này giúp học sinh không chỉ hiểu rõ ý nghĩa của từng lệnh mà còn biết được cách thức sử dụng các lệnh này trong thực tế.
Ví dụ, trong bài học về chỉnh sửa văn bản, sách đã minh họa các thao tác như căn chỉnh văn bản, thay đổi font chữ, in đậm, in nghiêng,... qua các hình ảnh kèm theo chú thích rõ ràng, giúp học sinh dễ dàng hình dung cách thực hiện và nhận biết sự khác biệt sau khi thao tác. Điều này không chỉ tạo sự hứng thú cho học sinh mà còn giúp các em tự nghiên cứu, khám phá và so sánh các kết quả sau khi thực hiện lệnh.
“Thông qua các hình minh họa và ví dụ cụ thể, học sinh có thể tự mình nghiên cứu và thực hành các thao tác trên máy tính mà không cần sự can thiệp quá nhiều từ giáo viên. Vai trò của giáo viên trong trường hợp này chủ yếu là định hướng, giúp học sinh nhận diện và giải quyết vấn đề khi gặp khó khăn thay vì phải trực tiếp hướng dẫn từng bước.
Ngoài ra, nhờ vào hệ thống hóa kiến thức chặt chẽ và cách thức minh họa sinh động, sách Cánh Diều đã giúp học sinh dễ dàng nắm vững các thao tác và kiến thức cơ bản trong Tin học, đồng thời phát huy khả năng tự nghiên cứu và học tập một cách hiệu quả”, cô Thu nhận xét.

Ảnh minh họa: website NXB Đại học sư phạm TPHCM
Trong khi đó, theo chia sẻ của cô Đỗ Thùy Linh, về bản chất cả ba bộ sách giáo khoa đều được xây dựng dựa trên khung chương trình chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nên đều đảm bảo truyền tải đầy đủ các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa các bộ sách nằm ở cách đặt vấn đề, cách triển khai nội dung và định hướng giải quyết. Đây cũng chính là yếu tố ảnh hưởng lớn đến việc lựa chọn của giáo viên.
Trong sách Khoa học tự nhiên thuộc bộ Cánh Diều, các bài học được trình bày khoa học, mạch lạc và dễ theo dõi hơn so với các bộ sách còn lại. Từ hình thức trình bày như cỡ chữ, phông chữ, đến bố cục trang sách, sách đều thể hiện sự hợp lý và thoáng đãng, giúp học sinh dễ dàng tiếp cận kiến thức mà không bị quá tải về mặt thị giác.
Đồng thời, các hình ảnh minh họa trong sách cũng được thiết kế rõ ràng, hỗ trợ tốt cho việc hình dung các hiện tượng và khái niệm vốn có phần trừu tượng.

Sách Khoa học tự nhiên 9 - bộ Cánh diều. Ảnh: website NXB Đại học sư phạm TPHCM
Một điểm mạnh nổi bật khác của sách chính là cách hệ thống hóa kiến thức chặt chẽ, có sự kế thừa và phát triển hợp lý từ các lớp dưới. Theo đánh giá của cô Linh, điều này giúp học sinh không bị đứt gãy kiến thức, đồng thời cũng giúp giáo viên dễ dàng liên hệ lại những nội dung đã học để củng cố và mở rộng. Các câu hỏi và bài tập được sắp xếp hợp lý, rõ ràng, không quá dài dòng hay dày chữ, giúp học sinh dễ tập trung vào vấn đề cốt lõi của bài học.
Ví dụ, trong bài học về "Cơ năng", sách giáo khoa Khoa học tự nhiên 9 - bộ Cánh Diều đã cung cấp các câu hỏi và bài tập trong các tình huống cụ thể. Điều này không chỉ giúp học sinh ôn tập kiến thức được dạy trên lớp mà còn có thể vận dụng trong thực tế. Qua đó củng cố và mở rộng hiểu biết của mình về cơ năng.
Ngoài ra, sách giáo khoa Cánh Diều còn chú trọng đến việc phát triển năng lực tự học của học sinh. Trong quá trình học, học sinh không còn bị giới hạn bởi cách tiếp thu thụ động, mà được khuyến khích tự nghiên cứu, tìm hiểu tài liệu, thảo luận nhóm và thực hiện các thí nghiệm thực tế. Đây là phương pháp học tập tích cực, giúp các em trở thành chủ thể của quá trình học, thay vì chỉ là người tiếp nhận thông tin.