Đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học
Ngày 23.4, tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội thảo Lấy ý kiến xây dựng Đề án 'Đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học giai đoạn 2025 – 2035, tầm nhìn 2045'. Thứ trưởng Thường trực Phạm Ngọc Thưởng chủ trì hội thảo.
Trước đó, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 91-KL/TW về tiếp tục đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó xác định nhiệm vụ từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

Hội thảo “Đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học giai đoạn 2025 – 2035, tầm nhìn 2045”
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Thường trực Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, nhiệm vụ từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học là nhiệm vụ phù hợp với xu hướng học tập và làm việc trong thời đại mới.
Nhận định Đề án là cơ hội nhưng cũng là thách thức, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Nguyễn Đức Sơn cho biết, những năm gần đây, nhà trường đã tổ chức cho sinh viên thực tập sư phạm tại các trường quốc tế hoặc song ngữ, tổ chức các câu lạc bộ tiếng Anh chuyên ngành, các hội thảo, tọa đàm chuyên đề với sự tham gia của giảng viên quốc tế.
Đồng thời, thực hiện thí điểm đưa học sinh đi học một số học phần tương đương tại nước ngoài theo hình thức trao đổi. Tuyển sinh từng năm được nâng cao đầu vào và thắt chặt đầu ra.
Góp ý cho Đề án, một số đại biểu nêu những vấn đề mấu chốt như: rà soát tổ chức bồi dưỡng năng lực đội ngũ; bồi dưỡng năng lực dạy tích hợp nội dung và ngôn ngữ cho giáo viên các cấp, bao gồm cả giáo viên tiếng Anh; nâng cao năng lực giáo viên dạy các môn khoa học bằng tiếng Anh; xây dựng tài liệu tham khảo và các tiếp cận, sử dụng công nghệ trong giảng dạy.
Ghi nhận các ý kiến tại hội thảo, Thứ trưởng Thường trực Phạm Ngọc Thưởng khẳng định “tiếng Anh là để nâng cao năng lực ngôn ngữ của học sinh, sinh viên, đội ngũ giáo viên, đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi cao của thị trường lao động giai đoạn mới”.
Ông Phạm Ngọc Thưởng cũng đề nghị các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở đào tạo giáo viên chủ động xây dựng đội ngũ, cơ sở vật chất, xây dựng chương trình thực hiện Đề án; chủ động phối hợp với các Sở GD&ĐT để đặt hàng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng nhu cầu thực tiễn.