Shop Em Bé và hành trình thoát khỏi quy mô 'doanh nghiệp em bé'
Kiên định triển khai công cuộc tái cấu trúc và nâng cấp ngay trong bối cảnh thị trường đầy bất lợi, người sáng lập Shop Em Bé chia sẻ những trải nghiệm hữu ích cho những ai muốn bứt phá từ giai đoạn khởi nghiệp bằng bản năng sang phát triển doanh nghiệp có nền tảng và quy mô mới.
Shop Em Bé vẫn chưa được kể tên trong nhóm thương hiệu quen thuộc nhất trên thị trường dành cho bà mẹ và trẻ em tại Việt Nam, song được nhiều người quan sát về ngành này đánh giá là một "ngôi sao đang lên" rất mạnh mẽ.
Hiện doanh nghiệp này đã bứt ra khỏi nhóm tiểu thương quy mô nhỏ lẻ, đã định hình được mô hình chuỗi với 10 cửa hàng và sẵn sàng tăng tốc để gia nhập nhóm "tay đua chuyên nghiệp" trên thị trường đã có độ lớn hơn 7 tỷ USD này.
Shop Em Bé được thành lập vào đầu 2016 bởi một cô gái trẻ sắp trở thành "mẹ bỉm sữa" với lô hàng đầu tiên trị giá chỉ 8 triệu đồng, nằm trong một phòng trọ ở Bình Chánh, TP.HCM. Sự nhạy bén và quyết liệt của người chủ trên thị trường vẫn còn trống trải đã giúp Shop Em Bé vươn mình thần tốc.
Sau 5 năm, quy mô doanh số đã tăng lên vài ngàn lần đơn hàng đầu tiên, đã tạo được dấu ấn hiện diện ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Tiền Giang trên cả kênh bán lẻ và sỉ.
Với 10 cửa hàng dưới thương hiệu Shop Em Bé đang kinh doanh sôi nổi, doanh nghiệp này đang tích cực chuẩn bị cho những bước đi mới - nhanh và vững hơn.
Người sáng lập Shop Em Bé, chị Võ Thị Kim Tuyến, nhìn lại quá trình "lột vỏ" từ hộ kinh doanh, một thương hiệu khởi nghiệp sang một công ty cổ phần có nền tảng quản trị chuyên nghiệp và quy mô kinh doanh theo chuỗi như một cách "đóng gói" bài học cho chính mình.
Những trải nghiệm ấy cũng có giá trị tham khảo và cổ vũ cho những doanh nghiệp đang hoặc sẽ bước sang giai đoạn này.
Trước hết, cần nhìn lại chặng đường đầu tiên của Shop Em Bé. Từ một bà mẹ trẻ với vài triệu đồng làm vốn, chỉ sau 5 năm, chị đã có được một chuỗi 10 cửa hàng với doanh thu khá lớn và một thương hiệu được yêu chuộng nhất định. Những yếu tố chính yếu nào giúp chị làm được "kỳ tích" đó?
Kim Tuyến: Có thể ai đó vẫn hoài nghi về câu chuyện khởi nghiệp từ tay trắng của phụ nữ nhưng chính tôi là trường hợp có xuất phát điểm như vậy. Hơn nữa, tôi còn không may mắn có được điểm tựa từ gia đình như con cái của những gia đình bình thường.
Đầu năm 2016, tôi vừa kết hôn và mang thai nên tò mò tìm trên internet những đồ dùng chuẩn bị cho em bé. Tôi nhận thấy hầu hết đầu mối bán hàng đều ở phía Bắc. TP.HCM lúc bấy giờ, ngoài các cửa hàng của một số thương hiệu lớn, chưa có nhiều tiểu thương buôn bán hàng mẹ và bé.
Khi ấy, vợ chồng tôi ở nhà trọ và tài khoản tiết kiệm được 12 triệu đồng. Tôi nói với chồng: "Anh cho em 5 triệu để mua hàng về bán thử nhé". Chồng tôi tán thành và cổ vũ rằng nếu bán không được thì coi như có sản phẩm để dùng và có thêm kinh nghiệm.
Đơn đặt hàng đầu tiên của tôi lên đến 8 triệu đồng để nhận được nhiều ưu đãi. Rồi nhờ chút kinh nghiệm tập tành bán hàng online từ hồi đi học, tôi bắt đầu mày mò chạy quảng cáo và tiếp cận khách hàng trên facebook. Khi đó, phí chạy quảng cáo trên facebook tại Việt Nam vẫn còn rất rẻ.
Đợt hàng đầu tiên được tiêu thụ rất nhanh. Đúng như tôi cảm nhận, thị trường phía Nam vẫn chưa có nhiều lựa chọn cho các bà mẹ trẻ, nhất là những sản phẩm có thể đáp ứng được thị hiếu mới.
Công việc của tôi được mở ra như vậy. Tôi cũng chỉ đặt cái tên đơn giản là Shop Em Bé để dễ gọi. Đơn mua hàng tấp nập đổ về, khách hàng rất đa dạng và Shop Em Bé lớn lên rất nhanh. Những cơ hội lớn mà chính tôi trước đó không lâu chưa từng dám nghĩ đến dần được rộng mở...
Nhìn lại 5 năm qua, tôi rất biết ơn sự may mắn mà mình có, nhưng trong kinh doanh, nhất là khởi nghiệp, may mắn chỉ chiếm 10 - 20% mà thôi. Chỉ khi chúng ta dành sự nỗ lực rất lớn thì yếu tố may mắn mới cộng hưởng.
"Kỳ tích là một tên gọi khác của nỗ lực" - có ai đó đã nói như vậy. Cho nên, với xuất phát điểm và hoàn cảnh như tôi, nỗ lực chiếm đến 80 - 90 % trong kết quả.
Từ lúc nào, chị nhận ra đây là con đường lớn để đi thay vì chỉ là việc bán hàng online lặt vặt của một "mẹ bỉm sữa"?
Kim Tuyến: Tôi khá ngạc nhiên khi thấy nhiều khách hàng đi xe hơi cũng tìm đến phòng trọ của mình mua đồ. Vì vậy, càng tin rằng mình có khả năng hiểu được thị hiếu và đáp ứng được nhu cầu của nhiều thành phần.
Đồng thời, khi mới tập buôn bán, động lực chính là kiếm tiền để cuộc sống của gia đình tốt hơn. Công việc càng phát triển, càng đi sâu vào tìm hiểu, thì đam mê và mong muốn càng lớn.
Muốn đem về càng nhiều sản phẩm tốt cho mẹ và bé, phục vụ cho cuộc sống tiện nghi của các gia đình trẻ, tạo ra nhiều công việc cho người quen, có cơ hội giúp nhiều người... Điều quan trọng là thị trường còn đủ rộng cho chúng ta có cơ hội làm điều đó.
Mở shop thứ hai, thứ ba còn hơi chật vật, nhưng đến shop thứ sáu, thứ bảy, rồi chín, mười... mọi thứ nhanh hơn rất nhiều. Tôi nhận thức rõ khi có nền tảng và hệ thống, mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng, hiệu quả hơn. Vì vậy, tôi bắt đầu tự tin về những kế hoạch và mong ước lớn hơn.
Cùng thời điểm với chị, có rất nhiều người cũng gia nhập việc buôn bán hàng mẹ và bé, nhưng đa phần đều vẫn chỉ buôn bán nhỏ hoặc dừng lại. Điều gì tạo nên sự khác biệt trên con đường của chị?
Kim Tuyến: Chính bạn bè, người quen và khách hàng của tôi cũng có nhiều người mở ra buôn bán. Tôi nghĩ rằng cơ hội thị trường thì dễ nhìn thấy, cơ hội ấy cũng bình đẳng cho tất cả mọi người, vấn đề còn lại là chính chúng ta.
Để làm được ngành này, không thể chỉ có động lực là mong ước kiếm tiền, hiểu khách hàng, nhạy cảm với thị trường, kỹ lưỡng lựa chọn sản phẩm, biết cách làm việc với nhiều người... cần rất nhiều thứ, và điều quan trọng nhất là nỗ lực vô cùng lớn.
Tôi đi giao hàng đến 5 giờ chiều trước buổi tối vào bệnh viện sinh con, làm việc nhiều đến mức phải đi điều trị chứng nhức đầu, hy sinh thời gian dành cho chồng con mình...
Tôi tin rằng những hy sinh, đánh đổi đó là cần thiết để có được cho gia đình và doanh nghiệp mình những cái chưa từng có.
Chị tiến hành nâng cấp doanh nghiệp ngay trong bối cảnh thách thức nhất của thị trường. Được biết, sau gần một năm, Shop Em Bé đã vững vàng, hiệu quả hơn từ những thay đổi quyết liệt. Trải nghiệm nào đáng kể nhất từ quá trình này?
Kim Tuyến: Nếu muốn mở rộng và đi xa, nhất thiết phải có nền tảng toàn diện của một doanh nghiệp chuyên nghiệp. Tôi ý thức rõ điều này nên quyết tâm tái cấu trúc. Cao điểm của quá trình này bắt đầu từ đầu 2020 - khi thị trường bắt đầu "rung chuyển" vì Covid.
Vấn đề tất yếu sẽ phải gặp là những "cú sốc" về nhân sự. Ở giai đoạn khởi nghiệp, tuyển dụng đa phần từ người thân quen. Trong công việc, quan hệ và tương tác cũng chủ yếu dựa trên cảm tính, thương nhau, nể nang nhau kiểu người nhà. Vì thế, sẽ có rất nhiều sự châm chước và chấp nhận.
Khi thay đổi để làm việc theo hệ thống và đánh giá dựa trên hiệu quả, cả hai bên đều bị "sốc". Những người từng đồng hành sẽ cho rằng mình "khác" quá hoặc đã "thay lòng". Họ cũng có cảm giác bị mất vị thế trước người mới vào hoặc thấy thiếu tự tin trước những chỉ tiêu, quy định và phương thức quản trị mới.
Tình trạng bất mãn, xáo trộn hoặc đòi "ra đi" chắc chắn sẽ diễn ra. Những chủ doanh nghiệp còn non trẻ không khỏi thấy chông chênh, buồn phiền. Kể cả sẽ bị bất ngờ bởi cách phản ứng của những người từng thân thiết.
Tôi tự củng cố ý chí và cảm xúc. Nếu không quyết đoán và nhất quán, doanh nghiệp mình sẽ bị tình trạng nửa vời hoặc quay về quán tính cũ, sẽ không thể lớn lên và đi xa.
Những ai có thể thích nghi, hiểu và cùng tầm nhìn, tôi đều mong đợi đồng hành. Còn đã không chia sẻ được nữa, phải chấp nhận chia tay. Với những người đã trở nên đối lập, thì tôi nghĩ tốt nhất là mình cứ làm thật tốt việc mình cần làm.
"Vấn đề con người" là thử thách lớn nhất, gây nhiều "nỗi đau" nhất trong quá trình lớn lên của doanh nghiệp, nhưng chúng ta phải đối diện chứ không thể né tránh.
Thực tế đã ghi nhận không ít doanh nghiệp có giai đoạn khởi nghiệp rất triển vọng nhưng đã không thể vượt qua được bước ngoặc "nâng cấp", "lột xác". Thậm chí, còn có thể phải "trả giá" rất đắt - cả ở góc độ tiền bạc, thời gian, năng lượng, lòng tin... Với những gì đã trải qua, chị còn điều quan trọng nào khác muốn chia sẻ?
Kim Tuyến: Đến hiện tại, Shop Em Bé đã hoàn thành nhiều bước thay đổi. Trong năm 2020, khi nền kinh tế - xã hội diễn biến rất khó lường và đầy thách thức, may mắn là chúng tôi vẫn tiếp tục đà tăng trưởng nhanh hơn cả mong đợi.
Tuy nhiên, tôi vẫn ý thức rất rõ mình còn nhiều thứ phải làm để xây nền móng thật vững và chuẩn bị hành trang chu đáo cho những dự định lớn hơn. Vì vậy, đây chỉ là những chia sẻ cho các bạn khởi nghiệp như tôi mà thôi.
Giai đoạn đầu của khởi nghiệp, đa phần chủ doanh nghiệp chủ yếu dựa vào bản năng, nỗ lực và may mắn. Sau bước hình thành, muốn hướng đến quy mô mới, doanh nghiệp bắt buộc phải thay đổi. Chúng ta phải chuẩn bị kỹ về nền tảng kiến thức và cả ý chí nữa, để tránh tình trạng quá "cảm xúc", "cảm tính".
Khi tái cấu trúc, cần đầu tư nhiều cho nhân sự, đào tạo, hệ thống... nên chi phí sẽ tăng lên, lợi nhuận sẽ giảm đi. Nhưng đây là sự đầu tư cần thiết để đi đường dài. Bản thân người chủ doanh nghiệp cũng không thể vì tiết kiệm chi phí mà "ôm" hết mọi thứ.
Từ lúc xây dựng hệ thống quản trị, tôi có nhiều thời gian để đi học, phát triển kiến thức và kỹ năng kinh doanh. Vì vậy, còn nhìn thấy được nhiều mặt khác để làm tốt hơn cho doanh nghiệp của mình. Nếu vẫn giữ mô hình cũ, bản thân chủ doanh nghiệp cũng không thể "lớn" thêm được.
Xin cảm ơn chị!