Siết chặt điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo

Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 107/2018/NĐ-CP đề xuất chế tài đối với thương nhân không duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.

Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) vừa công bố dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 107/2018/NĐ-CP (Nghị định 107) của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo và Nghị định 01/2025/NĐ-CP (Nghị định 01) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 107.

Theo Cục Xuất Nhập khẩu, sau gần bảy năm thực hiện hai Nghị định trên, công tác quản lý kinh doanh xuất khẩu gạo đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Các quy định đã tạo hành lang pháp lý thông thoáng, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, bình ổn thị trường nội địa, thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu gạo bền vững, đồng thời nâng cao vị thế, uy tín của hạt gạo Việt Nam trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, thực tiễn triển khai đã phát sinh một số bất cập cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.

Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải sở hữu kho chứa thóc, gạo

Cụ thể, Nghị định 107 quy định một trong các điều kiện để thương nhân được kinh doanh xuất khẩu gạo là phải có kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo. Các cơ sở này có thể thuộc sở hữu của thương nhân hoặc do thương nhân thuê của tổ chức, cá nhân khác, với hợp đồng thuê bằng văn bản có thời hạn tối thiểu 5 năm theo quy định.

Tuy nhiên, qua quá trình cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo (Giấy chứng nhận) và công tác kiểm tra, hậu kiểm, đã phát hiện tình trạng đáng lưu ý.

Trong đó, với nhóm thương nhân thuê kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến để được cấp Giấy chứng nhận, không ít trường hợp chỉ thuê để đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, không quan tâm đến việc duy trì, vận hành các cơ sở đã thuê, hoặc thậm chí để bên cho thuê tiếp tục sử dụng hay cho các đơn vị khác thuê lại để phục vụ hoạt động gia công, chế biến….

Mặt khác, do các thương nhân này không phải bỏ chi phí đầu tư ban đầu để xây dựng kho chứa, cơ sở xay xát, nên chi phí này không được tính vào giá thành sản phẩm gạo xuất khẩu.

Điều này dẫn đến giá gạo xuất khẩu của họ có thể cạnh tranh hơn so với các thương nhân đã đầu tư bài bản vào hệ thống kho chứa, cơ sở xay, xát.

Bên cạnh đó, theo Công điện số 21/CĐ-TTg ngày 04/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu: “Nghiên cứu đề xuất bổ sung các tiêu chí, điều kiện đối với doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo theo hướng ưu tiên, ưu đãi đối với các đơn vị có chuỗi liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm, có hệ thống kho chứa, logistics đồng bộ, hiện đại nhằm khắc phục tình trạng thương lái thu mua ép giá nông dân….”.

Do vậy, dự thảo Nghị định đề xuất sửa đổi, bổ sung điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo hướng thương nhân bắt buộc phải sở hữu kho chứa thóc, gạo. Điều kiện về cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo được đề xuất giữ nguyên như quy định hiện hành.

Quy định này nhằm khắc phục tình trạng trên, sàng lọc các thương nhân, tạo điều kiện cho những đơn vị thực sự đủ năng lực tham gia thị trường. Đồng thời, góp phần nâng cao tổng dung lượng kho chứa của cả nước, qua đó đảm bảo khả năng dự trữ thóc, gạo của các thương nhân khi cần thiết.

 Các mặt hàng gạo Việt Nam quảng bá tại triển lãm Quốc tế Công nghiệp thực phẩm Việt Nam. Ảnh: TÚ UYÊN

Các mặt hàng gạo Việt Nam quảng bá tại triển lãm Quốc tế Công nghiệp thực phẩm Việt Nam. Ảnh: TÚ UYÊN

Không duy trì dự trữ lượng gạo lưu thông tối thiểu sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận

Cũng theo Cục Xuất nhập khẩu, qua công tác kiểm tra, đã phát hiện tình trạng một số thương nhân không duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu 5% số lượng gạo đã xuất khẩu 6 tháng trước đó theo quy định. Đồng thời, hiện nay vẫn chưa có chế tài đối với hành vi vi phạm này.

Trong bối cảnh thương mại gạo toàn cầu có nhiều diễn biến phức tạp, việc duy trì dự trữ lưu thông là rất cần thiết.

Do đó, dự thảo Nghị định bổ sung quy định: “Trong trường hợp sau 45 ngày kể từ ngày Bộ Công Thương ban hành văn bản đôn đốc thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo mà Bộ Công Thương không nhận được báo cáo của thương nhân về việc duy trì mức dự trữ lưu thông theo quy định” sẽ bị xem xét thu hồi Giấy chứng nhận.

Song song đó, dự thảo Nghị định sửa đổi quy định: “Thương nhân không trực tiếp đứng tên trên tờ khai hàng hóa xuất khẩu với tư cách là người xuất khẩu trong 12 tháng liên tục (trừ trường hợp thương nhân đã thông báo tạm ngừng kinh doanh theo quy định pháp luật)” sẽ bị xem xét thu hồi Giấy chứng nhận, thay vì 18 tháng liên tục như quy định hiện hành.

Theo Cục Xuất Nhập khẩu, quy định việc xác định thành tích xuất khẩu gạo của thương nhân trong 18 tháng liên tục còn một số hạn chế. Việc này gặp khó khăn do chưa làm rõ là tính theo lượng gạo thương nhân xuất khẩu trực tiếp hay cả lượng gạo ủy thác xuất khẩu.

Do đó, Cục đề xuất giảm thời hạn này xuống còn 12 tháng. Lý do là một năm thường có ba vụ sản xuất lúa, nên 12 tháng là khoảng thời gian phù hợp để doanh nghiệp có thể thu mua thóc, gạo phục vụ xuất khẩu.

Mặt khác, thực tế triển khai Nghị định 107 cho thấy, hầu hết các trường hợp thương nhân bị thu hồi Giấy chứng nhận đều là những đơn vị không có hoạt động xuất khẩu từ 12 tháng trở lên.

Do vậy, việc rút ngắn thời hạn đánh giá thành tích xuất khẩu xuống còn 12 tháng sẽ tạo cơ hội cho các thương nhân thực sự có năng lực tham gia thị trường...

Dự thảo Nghị định bổ sung quy định: “Thương nhân mới bắt đầu kinh doanh xuất khẩu gạo phải đảm bảo duy trì mức dự trữ tối thiểu 1.250 tấn gạo sau 45 ngày kể từ ngày được Bộ Công Thương cấp Giấy chứng nhận, cho đến khi thương nhân đó có thành tích xuất khẩu gạo thực tế”.

Theo Cục Xuất Nhập khẩu, thương nhân đã được cấp Giấy chứng nhận nhưng chưa có “chân hàng” để phục vụ xuất khẩu; chỉ khi ký kết được hợp đồng xuất khẩu gạo thương nhân mới tổ chức thu mua để chuẩn bị nguồn hàng.

Điều này có thể dẫn đến tình trạng cạnh tranh thu mua, gây ảnh hưởng đến giá gạo trên thị trường nội địa.

Đặc biệt, vào những thời điểm thu hoạch rộ, việc thương nhân chưa tổ chức thu mua có thể dẫn đến tình trạng mất cân đối cung - cầu cục bộ, ảnh hưởng tiêu cực đến giá lúa gạo và lợi nhuận của nông dân.

Vì vậy, cần có quy định thương nhân sau khi được cấp Giấy chứng nhận phải có một lượng hàng tối thiểu được chuẩn bị sẵn sàng, nhằm đảm bảo cả về chất lượng lẫn số lượng cần thiết phục vụ các hợp đồng được ký kết.

Mức dự trữ đề xuất 1.250 tấn gạo được tính toán dựa trên cơ sở 5% lượng dự trữ lưu thông trung bình so với thành tích xuất khẩu sáu tháng của một thương nhân.

TÚ UYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/siet-chat-dieu-kien-kinh-doanh-xuat-khau-gao-post850697.html