Siết chặt kỷ luật công vụ để ngăn 'cài cắm' lợi ích trong văn bản luật
Để ngăn chặn tình trạng 'cài cắm' lợi ích trong văn bản luật, Bộ trưởng Tư pháp cho rằng cần thực hiện nghiêm những quy định trong lĩnh vực công chức, công vụ và có thể phải cụ thể hóa các yếu tố để xem xét xử lý kỷ luật.
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tại Phiên họp 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Đồng Ngọc Ba (đoàn Bình Định) cho rằng thực tiễn hiện nay, chất lượng của các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật còn chưa đảm bảo tính khả thi và hiệu quả.
Nhiều vấn đề liên quan đến đăng kiểm, sách giáo khoa, phòng cháy chữa cháy… trong thời gian qua chủ yếu liên quan đến tính hợp lý, khả thi của các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật.
Đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hóa) nêu ý kiến cho rằng quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hiện nay, còn khá nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Cùng với đó, việc giao các bộ, ngành tự chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm thuộc phạm vi quản lý của mình dễ dẫn đến lợi ích riêng, cục bộ và chất lượng làm văn bản chưa cao.
Trả lời, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thừa nhận hiện tuổi thọ văn bản quy phạm pháp luật, các luật đang ở mức thấp. Về sự chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, ông cho rằng cần tính toán, cân nhắc, nhìn nhận cụ thể.
Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, trong thời gian vừa qua đối với những văn bản Bộ Tư pháp phát hiện không đúng về nội dung, không đúng về thẩm quyền, bộ đã kiến nghị và chỉ rõ các văn bản nào cần phải sửa đổi, bổ sung.
Về tính khả thi của văn bản, sau này Bộ Tư pháp sẽ có đề xuất trong sửa đổi Nghị định 34, Nghị định 154 và chừng mực nào đó là Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. “Nếu có đầy đủ nguồn nhân lực, tự tin, chúng ta sẽ tính tiếp để mở rộng và nhấn mạnh thêm một số nội dung liên quan đến phát hiện và kiến nghị sau quá trình kiểm tra văn bản”, ông Lê Thành Long nói
Về mâu thuẫn của các văn bản và giải pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng phải nghiên cứu kỹ và thực hiện tốt rà soát. Đồng thời, dần phải chuẩn hóa quy trình và áp dụng những nguyên tắc, nguyên lý để xử lý những công việc như giải thích pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hay trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc chủ động đề xuất các văn bản và nghiên cứu mang tính chất hệ thống.
Vị bộ trưởng nhấn mạnh cơ bản nhất là cần phải tiếp tục thể chế hóa các quy định của Hiến pháp, từng văn bản một trong các lĩnh vực chuyên ngành, đồng thời siết chặt các kỷ luật, kỷ cương.
Về giải pháp để hạn chế việc lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ được cài cắm vào các văn bản pháp luật, Bộ trưởng cho rằng, về chế tài, nên tính để thực hiện nghiêm những quy định trong lĩnh vực công chức, công vụ và có thể phải cụ thể hóa các yếu tố để xem xét xử lý kỷ luật.
"Liên quan đến chậm hoặc thực hiện không đúng quy định, chức trách về công vụ thì ngoài ảnh hưởng đến uy tín, không bầu, không đề bạt, phải nhấn mạnh hơn kỷ luật về công chức, công vụ. Trong đó có công bố đầy đủ thông tin khiển trách, cảnh cáo như thế nào và thậm chí cho thôi chức vụ. Một số trường hợp vừa rồi, đã và đang bắt đầu có xử lý nhưng xử lý cũng không phải dễ" - ông Lê Thành Long nói.
Về chế tài về hình sự, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, thông qua một số vụ việc về điều tra, truy tố, xét xử, kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán đã có những phân tích về các vi phạm và chừng mực nào đó gọi là lợi ích nhóm. Từ thẩm quyền không đúng, từ ban hành gấp gáp, từ đáng lẽ chính sách ban đầu thế này nhưng sau này ra thế kia.
"Trong một số vụ việc cụ thể thấy đã có tình hình này. Chúng ta xử lý hình sự nếu có đầy đủ các yếu tố cấu thành, còn kỷ luật Đảng có Quy định 69 về kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm" - ông Lê Thành Long trả lời đại biểu.