Siết chất lượng trên sàn thương mại điện tử: Việc cần làm ngay trước khi mất niềm tin
Trong nhiều năm bùng nổ, thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt giữa các sàn lớn, với ưu tiên hàng đầu là mở rộng quy mô, tăng trưởng doanh số và thu hút càng nhiều người bán càng tốt. Tuy nhiên, mặt trái của cuộc đua đó là tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng xuất hiện tràn lan, làm xói mòn lòng tin của người tiêu dùng là thứ tài sản quý giá nhất với thương mại điện tử.
Ông Nguyễn Văn Thành, chuyên gia tư vấn TMĐT nhận xét, giai đoạn tăng trưởng nóng khiến nhiều sàn TMĐT buông lỏng khâu xét duyệt người bán. Chỉ cần có hàng là được đăng bán, bất chấp chất lượng và xuất xứ. Đây là nguyên nhân gốc rễ của vấn nạn hàng giả, hàng nhái.

Trong giai đoạn tăng trưởng nóng khiến nhiều sàn TMĐT buông lỏng khâu xét duyệt người bán hàng
Theo thống kê không chính thức, ở một số ngành hàng như mỹ phẩm, phụ kiện điện tử giá rẻ, quần áo thời trang, tỷ lệ sản phẩm kém chất lượng trên nền tảng online lên đến 30 - 40%, chủ yếu từ các gian hàng không rõ thương hiệu. Điều này làm gia tăng khiếu nại của người tiêu dùng và tạo ấn tượng xấu về toàn bộ kênh mua sắm trực tuyến.
Trước phản ánh ngày càng nhiều, các sàn TMĐT lớn tại Việt Nam đã bắt đầu siết lại quy trình kiểm soát. Shopee, Tiki, Lazada đều tuyên bố tăng cường sử dụng công nghệ để tự động phát hiện từ khóa vi phạm, hình ảnh sao chép, gian lận nhãn hiệu. Đồng thời, các chương trình “Mall”, “Chính hãng”, “Flagship store” được mở rộng để phân loại rõ gian hàng uy tín với gian hàng tự do.
Tuy nhiên, các biện pháp này mới chỉ là bước đầu. Chuyện gỡ sản phẩm vi phạm khi có báo cáo chỉ là chữa cháy. Quan trọng là kiểm soát đầu vào ngay từ khâu đăng ký gian hàng và phê duyệt sản phẩm để ngăn chặn từ gốc, ông Thành cho biết thêm thêm.
Về phía doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Mai, đại diện một nhãn hàng mỹ phẩm chính hãng đang kinh doanh trên sàn Shopee chia sẻ, chúng tôi ủng hộ siết chặt kiểm soát vì khi hàng giả tràn lan dẫn đến hệ quả là hàng chính hãng bị ảnh hưởng uy tín và doanh số. Nhưng cần đồng bộ vì hiện vẫn có nhà bán hàng vi phạm bị khóa tài khoản ở sàn này nhưng mở tài khoản ở sàn khác, hoặc thậm chí trở lại bằng tên mới. Chính vì vậy, cần có cơ chế chia sẻ dữ liệu vi phạm giữa các sàn lớn, phối hợp với cơ quan quản lý thị trường để xử phạt nặng, ngăn chặn tận gốc. Chỉ khi đó TMĐT mới bền vững, người tiêu dùng mới tin tưởng khi mua online.
Đại diện một sàn TMĐT thừa nhận, chúng tôi đã tập trung quá nhiều vào phát triển người bán và sản phẩm, đôi khi xem nhẹ khâu sàng lọc. Nhưng hành vi gian lận không thể chấp nhận vì ảnh hưởng đến uy tín lâu dài. Chúng tôi đang đầu tư mạnh cho công nghệ kiểm soát, đội ngũ kiểm duyệt và chính sách chế tài.
Bộ Công Thương thời gian qua cũng đã nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu các sàn TMĐT chịu trách nhiệm về hàng hóa bày bán trên nền tảng. Quy định pháp luật hiện hành yêu cầu sàn phải đồng kiểm soát, ngăn ngừa hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại. Năm 2024, Bộ đã xử phạt hàng loạt sàn TMĐT vi phạm nghĩa vụ quản lý sản phẩm, cho thấy quyết tâm siết chặt quản lý ngành.

Đây là thời điểm các sàn thương mại điện tử Việt Nam phải tạo lòng tin cho người tiêu dùng
Theo các chuyên gia, giải pháp căn cơ vẫn là thiết lập chuẩn đầu vào chặt chẽ: yêu cầu minh bạch giấy tờ nguồn gốc, chứng từ xuất xứ với hàng hóa nhạy cảm, kiểm tra ngẫu nhiên và xử lý nghiêm nhà bán gian dối. Song song đó, cần xây dựng hệ thống nhận diện vi phạm tự động bằng AI, thay vì chỉ dựa vào báo cáo của khách hàng.
Cạnh tranh TMĐT giờ không chỉ về giá và giao hàng nhanh, mà phải đảm bảo chất lượng và niềm tin. Nếu các sàn không xử lý quyết liệt, người tiêu dùng sẽ quay lưng và thị trường sẽ không phát triển bền vững, ông Nguyễn Văn Thành nhấn mạnh.
Đây là thời điểm mà thương mại điện tử Việt Nam phải lựa chọn hoặc làm ăn chộp giật và đánh mất uy tín lâu dài, hoặc đầu tư nghiêm túc cho kiểm soát chất lượng để giữ chân người tiêu dùng và xây dựng niềm tin trên môi trường số.