Siết chặt quản lý cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ

Nhằm bảo đảm nguồn cung thịt gia súc, gia cầm, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân, thời gian qua, các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt trong việc quản lý hoạt động giết mổ theo đúng quy định. Tuy nhiên, tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm thủ công vẫn còn tự phát tràn lan, không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, gây tâm lý lo ngại cho người tiêu dùng về nguy cơ mất an toàn thực phẩm và lây lan dịch bệnh.

Thịt gia súc được bày bán ở một chợ dân sinh trên địa bàn thành phố Nam Định.

Thịt gia súc được bày bán ở một chợ dân sinh trên địa bàn thành phố Nam Định.

Tại khu vực chợ Diên Hồng (thành phố Nam Định) tình trạng giết mổ gia cầm diễn ra hàng ngày với điều kiện vệ sinh rất kém. Mỗi điểm giết mổ gia cầm thường chỉ dùng một nồi nước sôi để làm lông cho hàng chục con gà, vịt, ngan và vài chiếc chậu trong tình trạng cáu bẩn. Khu vực nhốt gia cầm và nơi giết mổ thường xuyên lênh láng chất thải, nước thải, bốc mùi hôi nồng nặc. Gia cầm được mổ ngay trên nền đất khu vực giết mổ… tiềm ẩn nguy cơ gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm, lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Ở chợ Hoàng Ngân, khu vực giết mổ gia cầm lớn nhất chợ dù đã có máy quay vặt lông nhưng khâu làm sạch vẫn ở trên nền đất lẫn với nước thải, rác, phân, nội tạng... nằm ngay gần rãnh thoát nước. Một tiểu thương kinh doanh tại đây cho biết: “Trung bình mỗi ngày, tôi bán khoảng 20 con gia cầm sống và hầu như khách hàng đều nhờ giết mổ tại chỗ. Ngoài ra, nhà tôi còn giết mổ thuê với giá 15-20 nghìn đồng/con gà, vịt. Ở chợ này, chúng tôi làm “chuyên nghiệp” nhất do có vòi nước và máy quay vặt lông nên lượng khách đông”.

Không chỉ ở khu vực thành phố, tại nhiều chợ nông thôn, các khu dân cư việc giết mổ gia súc, gia cầm cũng diễn ra tự phát, phần lớn không đăng ký hoạt động kinh doanh nên khó có thể truy xuất được nguồn gốc đối với sản phẩm chăn nuôi, chưa quan tâm đến công tác kiểm soát dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm. Một tiểu thương kinh doanh thịt lợn tại chợ xã Tân Minh (Ý Yên) cho biết: Trung bình mỗi ngày, gia đình tôi thịt 1 con lợn tại nhà rồi đem ra chợ bán. Nếu mang ra lò mổ tập trung, sau khi trừ chi phí đi lại thì tôi chẳng còn được lãi bao nhiêu. Phần lớn chúng tôi chọn lợn theo cảm quan tại các cơ sở chăn nuôi có uy tín hoặc trong nhà dân nên không có lợn chết hoặc dịch bệnh”.

Phần lớn người tiêu dùng chọn mua thịt gia súc, gia cầm dựa theo thói quen, quan sát bằng cảm quan chứ chưa quan tâm đến khâu giết mổ có đảm bảo vệ sinh hay không. Điều này đã tạo cơ hội cho các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ tự phát tiếp tục tồn tại và phát triển. Thực trạng này không chỉ gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường xung quanh và tiềm ẩn nguy cơ phát tán mầm bệnh, đặc biệt là cúm gia cầm, nguy hiểm nhiễm vi-rút cúm từ gia cầm sang người. Đặc biệt hiện nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn tiềm ẩn nguy cơ tái phát và bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đã xuất hiện trên địa bàn tỉnh; vì vậy việc giết mổ nhỏ lẻ không có dấu kiểm soát thú y rất dễ làm lây lan dịch bệnh động vật ra môi trường xung quanh.

Bên cạnh đó, cơ quan chuyên môn đang gặp khó khăn trong công tác kiểm soát giết mổ gia súc gia cầm do lực lượng cán bộ, nhân viên thú y mỏng, các cơ sở giết mổ gia súc gia cầm nhỏ lẻ ngày càng gia tăng, hoạt động tự phát, nằm xen kẽ trong khu dân cư. Hoạt động giết mổ thường diễn ra vào ban đêm nên khó kiểm soát, quản lý được chất lượng thực phẩm trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ. Trong khi đó, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung còn nhiều vướng mắc trong chính sách, quỹ đất, vốn đầu tư...

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có gần 1.800 cơ sở giết mổ động vật, tuy nhiên mới có 10 cơ sở được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và gần 790 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ đã ký với cơ quan chức năng cam kết tổ chức sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn. Số còn lại chưa đăng ký, cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn thực phẩm. Để tăng cường công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh đã tham mưu với UBND tỉnh có cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phù hợp để thu hút các doanh nghiệp, cá nhân xây dựng cơ sở giết mổ tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; trong đó, chú trọng hỗ trợ, khuyến khích việc đầu tư sản xuất theo chuỗi liên kết để truy xuất được nguồn gốc sản phẩm trước khi đưa ra thị trường.

Hàng năm, các cơ quan chức năng đã thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra các cơ sở giết mổ, điểm thu gom, trung chuyển gia súc, gia cầm, lấy mẫu thịt kiểm tra các chỉ tiêu vi sinh, lấy mẫu nước tiểu động vật kiểm tra nhanh chất cấm… nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm; đồng thời phối hợp với chính quyền các địa phương rà soát, cập nhật các cơ sở giết mổ gia súc gia cầm để theo dõi, quản lý; tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y. Cùng với đó, Ban quản lý các chợ của tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức để tiểu thương thấy được nguy hại của việc buôn bán, giết mổ gia cầm sống; vận động tiểu thương chuyển sang buôn bán gia cầm đã giết mổ sẵn có dấu kiểm dịch của ngành Thú y.

Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền và sự thay đổi trong nhận thức của người dân, mong rằng trong thời gian tới, hoạt động kiểm soát các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh sẽ có chuyển biến tích cực nhằm bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng và đặc biệt góp phần thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh.

Bài và ảnh: Hồng Minh

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/kinh-te/202505/siet-chat-quan-lyco-sogiet-mo-gia-suc-gia-cam-nho-le-4fc1bae/