Siết chặt quản lý dữ liệu cá nhân thông qua luật
Các đại biểu đề nghị thống nhất, dữ liệu cá nhân được sử dụng để chuyển đổi số, thúc đẩy kinh tế dữ liệu phát triển, cần bảo đảm không xâm phạm đời tư cá nhân.
Liên quan đến dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân đang được trình tại Quốc hội, các đại biểu đề nghị thống nhất, dữ liệu cá nhân được sử dụng để chuyển đổi số, thúc đẩy kinh tế dữ liệu phát triển, cần bảo đảm không xâm phạm đời tư cá nhân. Do đó, các hành vi bị nghiêm cấm cũng được nghiên cứu, nâng mức xử phạt ở mức cao nhất.
Thảo luận tại tổ, đại biểu Quốc hội nêu thực trạng, nhiều thông tin, dữ liệu cá nhân đã và đang bị rò rỉ, tấn công trên không gian mạng; Nhiều thông tin bị sử dụng vào vấn đề phi pháp hoặc trái pháp luật để trục lợi. Do đó, việc ban hành luật là rất cần thiết để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của các tổ chức, cá nhân, nhất là trong bối cảnh hiện nay, là sử dụng dữ liệu cá nhân để phục vụ phát triển tế - xã hội. Đồng thời, các đại biểu đề nghị nghiên cứu lại nội dung áp dụng mức xử phạt vi phạm hành chính từ 1 - 5% doanh thu năm liền trước của tổ chức, doanh nghiệp có vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Đề nghị sửa "hành vi bị nghiêm cấm" theo hướng, thay quy định "cấm tuyệt đối mua, bán dữ liệu cá nhân" thành "cấm mua bán dữ liệu khi không có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu hoặc nhằm mục đích trái pháp luật"; Chính phủ đề xuất nghiêm cấm các hành vi mua bán dữ liệu cá nhân, thu thập trái phép, chiếm đoạt, làm lộ dữ liệu cá nhân và lợi dụng dữ liệu cá nhân để vi phạm pháp luật…
Việc ban hành bộ luật về dữ liệu cá nhân đầu tiên tại Việt Nam xác định, dữ liệu là "tư liệu sản xuất chính" nhằm phát triển kinh tế, công dân số, xã hội số, bảo đảm không xâm phạm đời tư cá nhân.