Siết chặt quản lý hàng hóa không rõ nguồn gốc

Trước sự gia tăng nhanh chóng về chủng loại, nguồn gốc hàng hóa trên thị trường, đang tạo áp lực không nhỏ lên công tác quản lý, kiểm soát xuất xứ chất lượng hàng hóa. Ban Chỉ đạo 389 tỉnh triển khai giải pháp đồng bộ, quyết liệt, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, ổn định.

Đội quản lý thị trường số 2 kiểm tra hàng hóa tiêu dùng tại thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn.

Đội quản lý thị trường số 2 kiểm tra hàng hóa tiêu dùng tại thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn.

Thị trường hàng hóa từ đầu năm đến nay diễn ra sôi động, nhu cầu mua sắm tăng cao, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,78% so với cùng kỳ năm 2024. Ngay từ đầu năm, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã yêu cầu các ngành thành viên, lực lượng chức năng các huyện, thị xã, thành phố thực hiện kịp thời các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, các bộ, ban, ngành Trung ương, UBND tỉnh trong đấu tranh chống buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và các hành vi kinh doanh trái pháp luật.

Các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng nhái. Từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 285 vụ/288 đối tượng. Trong đó, xử phạt vi phạm hành chính 269 vụ, tổng thu nộp ngân sách nhà nước gần 2,5 tỷ đồng, giá trị hàng hóa vi phạm hơn 986 triệu đồng và khởi tố 16 vụ/19 đối tượng. Ngoài ra, lực lượng chức năng chú trọng tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại, người tiêu dùng trong việc chấp hành các quy định của pháp luật.

Từ đầu năm đến nay, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã thanh tra, kiểm tra 181 vụ, xử lý 148 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách trên 822 triệu đồng, hàng hóa tịch thu, tiêu hủy trên 440 triệu đồng. Bên cạnh việc kiểm tra, xử lý vi phạm, lực lượng quản lý thị trường tỉnh tổ chức ký cam kết đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn không kinh doanh buôn bán hàng cấm, hàng giả, kém chất lượng, xử lý nghiêm những trường hợp đã ký cam kết nhưng vẫn vi phạm. Phối hợp với các cơ quan truyền thông, kịp thời cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động kiểm tra, xử lý của lực lượng quản lý thị trường, nhằm răn đe, tạo sự đồng thuận trong xã hội cùng đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn toàn tỉnh.

Là người tiêu dùng, bà Trần Thị Huyền, tổ 3, phường Quyết Thắng, Thành phố, cho biết: Tôi luôn chủ động nắm bắt thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng, ưu tiên lựa chọn mua sắm ở các cửa hàng lớn, uy tín, chọn các sản phẩm từ những thương hiệu lớn, uy tín. Đối với các mặt hàng nhập khẩu, tôi mua các mặt hàng có đầy đủ tem, nhãn mác, trong đó có thông tin về thành phần sản phẩm, xuất xứ và nguồn gốc thể hiện rõ ràng.

Đấu tranh, ngăn chặn hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh tiếp tục chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, tăng cường kiểm tra chuyên ngành, xử lý nghiêm việc kinh doanh hàng hóa vi phạm pháp luật. Đồng thời, thiết lập kênh phản ánh hiệu quả từ người tiêu dùng, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi người dân, phát triển kinh tế toàn tỉnh.

Phan Trang

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/siet-chat-quan-ly-hang-hoa-khong-ro-nguon-goc-ul4eH9xNR.html