Siết chặt quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh than
Không ít bến bãi chế biến, kinh doanh than trong tỉnh tồn tại nhiều vi phạm nhưng việc kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng đang gặp rất nhiều khó khăn.
Tình trạng vi phạm tại các bến bãi chế biến, kinh doanh và vận chuyển than trong tỉnh diễn ra phổ biến trong nhiều năm qua. Việc kiểm tra, xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn, cần sự phối hợp chặt chẽ của nhiều đơn vị liên quan.
Nhiều vi phạm
Huyện Kim Thành vừa tổ chức kiểm tra, rà soát công tác quản lý, chế biến, kinh doanh than trên địa bàn. Theo ông Nguyễn Phúc Công, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Kim Thành, phần lớn các bến bãi kinh doanh than chưa đáp ứng đủ các điều kiện về phòng cháy chữa cháy, môi trường.
Huyện hiện có 20 cơ sở kinh doanh than nhưng có đến 13 cơ sở chưa có cam kết bảo vệ môi trường, 4 cơ sở không có hệ thống thu gom nước để xử lý mà thải trực tiếp xuống sông hoặc mương thoát nước của khu dân cư. Trong số 20 cơ sở chỉ có 5 cơ sở được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, còn lại là các bến bãi do UBND huyện ký hợp đồng cho các hộ thuê đất. Thậm chí có hộ được thuê đất nhưng không trực tiếp sử dụng mà cho các doanh nghiệp, tổ chức khác thuê lại để kinh doanh than. Thực tế này khiến mạng lưới kinh doanh than ở huyện Kim Thành phát triển tự phát.
Kinh Môn là địa phương có nhiều bến bãi chế biến, kinh doanh than nhất tỉnh với 33 bến bãi. Huyện thường xuyên tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành đánh giá thực trạng hoạt động của các bến bãi. Năm 2018, đoàn liên ngành của huyện đã lập biên bản vi phạm hành chính và tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện xử phạt 7 trường hợp với tổng số tiền 80 triệu đồng. Báo cáo thực trạng kinh doanh than của huyện Kinh Môn năm 2018 cũng chỉ rõ nhiều hạn chế như một số xã, thị trấn chưa phát hiện, xử lý vi phạm kịp thời. Một số địa phương có dấu hiệu buông lỏng quản lý. Hợp đồng cho thuê đất tuy đã thanh lý nhưng vẫn để tình trạng kinh doanh than diễn ra. Một số cơ sở gây ô nhiễm môi trường, làm hư hỏng hạ tầng giao thông khiến người dân bức xúc...
Theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh), số vụ vi phạm liên quan đến kinh doanh than không rõ nguồn gốc thời gian gần đây tăng mạnh. Từ năm 2018 đến nay, phòng đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 20 vụ việc liên quan đến kinh doanh than không rõ nguồn gốc. Riêng năm 2018 chỉ có 3 vụ, còn lại chủ yếu là các vụ mới bị phát hiện và xử lý từ đầu năm đến nay. Qua xử lý vi phạm đã tịch thu hơn 2.461 tấn than các loại, xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền 108 triệu đồng.
Khó quản lý
Theo ông Trần Văn Tuyên, Phó Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Kinh Môn, quản lý hoạt động các bến bãi kinh doanh than gặp nhiều khó khăn do liên quan đến nhiều ngành chức năng. Để quản lý chặt chẽ, cần sự phối hợp tích cực, thường xuyên từ chính quyền cấp xã đến các phòng chuyên môn của huyện và các sở, ngành của tỉnh.
Nhu cầu về than cho sản xuất hiện nay rất lớn, nhất là ngành sản xuất điện, xi măng, thép, gạch và một số nhóm hàng hóa khác. Theo Sở Công thương, mỗi năm toàn tỉnh cần khoảng 7,5 triệu tấn than. Nhu cầu tiêu thụ lớn nhưng công cụ quản lý hoạt động kinh doanh than đang bị hạn chế. Cuối năm 2016, Bộ Công thương ban hành Thông tư số 27/2016/TT- BCT về việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh trong một số lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công thương, trong đó đã bãi bỏ điều kiện kinh doanh than. Cuối năm 2018, UBND tỉnh cũng đã bãi bỏ “Quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới kinh doanh than trên địa bàn tỉnh Hải Dương” và “Quy hoạch điều chỉnh, bổ sung quy hoạch mạng lưới kinh doanh than trên địa bàn tỉnh đến năm 2025”. Việc bỏ điều kiện kinh doanh than của Bộ Công thương và quy hoạch phát triển mạng lưới kinh doanh than của tỉnh đã gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước.
Sở Công thương là đơn vị quản lý hoạt động kinh doanh than nhưng do bãi bỏ các quy định trên khiến đơn vị khó xử lý dứt điểm các vi phạm. Các bãi kinh doanh than chủ yếu bám theo các dòng sông, nhiều ngành cùng quản lý nên việc phối hợp quản lý khó chặt chẽ.
Liên quan đến quản lý nhà nước đối với hoạt động chế biến, kinh doanh than, UBND tỉnh đã nhiều lần có văn bản chỉ đạo. Riêng trong tháng 8 vừa qua, UBND tỉnh đã có 2 văn bản chỉ đạo về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh than và chấn chỉnh hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, buôn bán vận chuyển trái phép than trong tỉnh. Hoạt động chế biến, kinh doanh và vận chuyển than trên địa bàn tỉnh cần sớm được các cấp, các ngành liên quan phối hợp kiểm soát chặt chẽ.