Siết chặt quản lý quảng cáo trên mạng

Trong phiên thảo luận sáng nay, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị rà soát bổ sung các quy định nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với quảng cáo trên mạng, quảng cáo xuyên biên giới.

Sáng 10/5, tiếp tục Kỳ họp thứ Chín, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Tổ chức, cá nhân phải ngăn chặn, gỡ bỏ quảng cáo vi phạm

Trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, về quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo (khoản 2 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 4), một số ý kiến cho rằng đang có sự chồng lấn trách nhiệm của một số bộ; một số ý kiến khác cho rằng cách quy định cụ thể này không bao quát được hết nhiệm vụ của các bộ, ngành; một số ý kiến góp ý cụ thể về trách nhiệm quản lý nhà nước liên quan đến hoạt động quảng cáo của các bộ; đề nghị bổ sung trách nhiệm của UBND các cấp trong quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng, ghép Điều 4 và Điều 5 thành 1 điều quy định chung về Quản lý nhà nước về quảng cáo; đồng thời, giao Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước của từng bộ, ngành liên quan, trách nhiệm của UBND các cấp trong Nghị định hướng dẫn thi hành Luật.

Về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo (khoản 8 Điều 1 dự thảo Luật bổ sung Điều 15a), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội cho biết, một số ý kiến cho rằng Điều 15a chủ yếu quy định về nghĩa vụ, thiếu các quy định về quyền của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Đề nghị rà soát để đảm bảo tính thống nhất giữa dự thảo Luật và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023. Nhiều ý kiến góp ý về nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật. Ảnh: Lâm Hiển

Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã chỉnh lý Điều 15a gồm 3 khoản như sau: khoản 1 quy định về quyền của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo; khoản 2 quy định về nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo nói chung; khoản 3 quy định về nghĩa vụ của người có ảnh hưởng khi chuyển tải sản phẩm quảng cáo, ngoài nghĩa vụ chung được quy định tại khoản 2, có một số nghĩa vụ đặc thù; bỏ quy định về nghĩa vụ phải trực tiếp sử dụng sản phẩm khi quảng cáo mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội do tính khả thi chưa cao, khó kiểm soát và thực hiện.

Về quảng cáo trên mạng và quảng cáo xuyên biên giới (khoản 15 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 23), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội nêu rõ, tiếp thu ý kiến ĐBQH góp ý tại Kỳ họp thứ Tám, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo (Điều 15a); về nghĩa vụ của người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, người phát hành quảng cáo tham gia hoạt động quảng cáo trên mạng (khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều 23); về trách nhiệm của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo trên mạng khi thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian để cung cấp dịch vụ (điểm g khoản 5 Điều 23).

Dự thảo Luật cũng đã được chỉnh lý theo hướng: xác lập đây là loại hình quảng cáo cần quản lý, các chủ thể liên quan phải thực hiện nghĩa vụ thuế và tuân thủ pháp luật Việt Nam, quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo trên mạng, quảng cáo xuyên biên giới phải ngăn chặn, gỡ bỏ quảng cáo vi phạm, trường hợp không thực hiện thì cơ quan có thẩm quyền triển khai các biện pháp kỹ thuật ngăn chặn và thực hiện biện pháp xử lý theo quy định pháp luật.

Cần bổ sung cơ chế phối hợp liên ngành

Qua thảo luận, đa số các ĐBQH bày tỏ thống nhất với dự thảo Luật cơ bản tiếp thu các ý kiến góp ý của ĐBQH tại Kỳ họp thứ Tám. ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đồng tình với nội dung thống nhất quản lý Nhà nước đối với hoạt động quảng cáo trong dự thảo Luật, giao Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước của từng bộ, ngành liên quan, đặc biệt là trách nhiệm của UBND các cấp trong Nghị định hướng dẫn thi hành Luật.

Quan tâm đến các quy định liên quan đến quảng cáo trên mạng và quảng cáo xuyên biên giới, một số ĐBQH nhấn mạnh, đây là xu thế tất yếu trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Các đại biểu cũng đề nghị rà soát, bổ sung trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo trên mạng và quảng cáo xuyên biên giới; cơ chế phản hồi, xử lý sai phạm trong hoạt động quảng cáo trên mạng và quảng cáo xuyên biên giới.

ĐBQH Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn) đề nghị bổ sung quy định về quản lý Nhà nước đối với kiểm soát nội dung quảng cáo trên môi trường mạng, nhằm thể hiện tính cấp thiết đối với lĩnh vực quảng cáo này. Theo đại biểu, môi trường mạng, mạng xã hội và các nền tảng số xuyên biên giới dễ bị lợi dụng để truyền bá thông tin quảng cáo sai sự thật, tiếp tay cho việc tiêu thụ các sản phẩm kém chất lượng.

ĐBQH Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái cũng đề nghị bổ sung một điểm sau điểm g khoản 2 Điều 1 dự thảo Luật (sửa đổi, bổ sung Điều 4 Luật hiện hành) quy định về “kiểm soát, phản hồi, xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng, mạng xã hội và các nền tảng số xuyên biên giới

ĐBQH Hà Phước Thắng (TP. Hồ Chí Minh) đề nghị bổ sung trong dự thảo Luật khái niệm “phương tiện quảng cáo số”, bao gồm nội dung quảng cáo do trí tuệ nhân tạo tạo ra.

ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) đánh giá cao việc bổ sung các quy định về trách nhiệm của các chủ thể tham gia hoạt động quảng cáo xuyên biên giới và trên nền tảng số. Bên cạnh đó, đại biểu cũng thấy rằng, một số quy định chưa bảo đảm cụ thể và khả thi nhằm bảo đảm quản lý hiệu quả đối với lĩnh vực quảng cáo này.

ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Góp ý về khái niệm “cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới”, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị cần cụ thể tiêu chí xác định dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam trên cơ sở thực tiễn kỹ thuật gồm: phạm vi tiếp cận người tiêu dùng Việt Nam; quảng cáo có yếu tố hướng tới người tiêu dùng Việt Nam; căn cứ phân tích dữ liệu…

Dự thảo luật chưa có cơ chế phối hợp kiểm soát quảng cáo xuyên biên giới, do đó, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng cũng đề nghị bổ sung cơ chế phối hợp liên ngành trong kiểm soát nội dung, quản lý hoạt động quảng cáo xuyên biên giới.

ĐBQH Trần Khánh Thu (Thái Bình) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Trần Khánh Thu (Thái Bình) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Trần Khánh Thu (Thái Bình) đề nghị xem xét, bổ sung quy định về kiểm soát, quản lý trong hoạt động quảng cáo đối với tất cả các nền tảng truyền hình trực tuyến, các trang tin tức, trang thông tin điện tử; có chế tài xử lý nghiêm đối với các trang tin điện tử đăng tải quảng cáo sai sự thật, không đúng theo công dụng, nội dung của sản phẩm, những người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm không đúng sự thật dẫn đến thiệt hại cho người tiêu dùng, để công tác quản lý, kiểm soát đối với nội dung và hoạt động quảng cáo được chặt chẽ.

Đại biểu Trần Khánh Thu cũng đề nghị, bổ sung quy định yêu cầu các trang tin phải chịu trách nhiệm kiểm duyệt quảng cáo trước khi đăng tải nội dung, thay vì chỉ dựa vào hệ thống quảng cáo tự động như hiện nay.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, đa số các ĐBQH tán thành với nội dung dự thảo Luật sẽ góp phần quan trọng cho việc xây dựng thị trường quảng cáo phát triển phù hợp với xu thế chung, phát triển minh bạch, lành mạnh, hiệu quả; tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng; bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng; đồng thời, phát huy vai trò của quảng cáo nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, giữ gìn văn hóa và các giá trị văn hóa của dân tộc.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan khẩn trương nghiên cứu tiếp thu, giải trình thấu đáo các ý kiến của ĐBQH và hoàn thiện dự thảo Luật, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này.

Thanh Chi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/siet-chat-quan-ly-quang-cao-tren-mang-10371958.html