Siết chặt quản lý thực phẩm chức năng
Sau hàng loạt vụ việc gây bức xúc liên quan tới thực phẩm giả, Bộ Y tế đưa ra đề xuất siết chặt quản lý với biện pháp, doanh nghiệp sẽ không được tự công bố thực phẩm bổ sung mà bắt buộc phải đăng ký bản công bố sản phẩm.

Hàng nghìn hộp có dán nhãn thực phẩm bảo vệ sức khỏe đã được người dân phát hiện vứt tràn lan ra vỉa hè đường Nguyễn Lân, phường Khương Mai, Thanh Xuân (Hà Nội).
Lỗ hổng hậu kiểm
Tiến sĩ Trần Việt Nga, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm () cho biết, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm quy định cơ chế tự công bố sản phẩm, tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp tự công bố và chịu trách nhiệm về chất lượng, an toàn của sản phẩm. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đã lợi dụng cơ chế này để làm ăn phi pháp.
Với cơ chế tự công bố, doanh nghiệp có thể tự công bố và sản xuất ngay mà không cần cơ quan quản lý nhà nước thẩm định hồ sơ. Lợi dụng sự thông thoáng này, một số doanh nghiệp tự công bố các sản phẩm dinh dưỡng y học hoặc sản phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt là , đây là hành vi lách luật đáng bị lên án.
Ngoài ra, thủ tục tự công bố khá đơn giản, hồ sơ không phức tạp và không mất phí. Do đó, nhiều doanh nghiệp ồ ạt tự công bố sản phẩm, nhưng số lượng sản xuất kinh doanh thực tế có thể không đúng với số lượng đã công bố, gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong thanh tra, hậu kiểm.
Cũng theo bà Nga, Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định phần lớn thực phẩm do doanh nghiệp tự công bố, chỉ 4 nhóm sản phẩm phải đăng ký công bố trước khi lưu hành: thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng cho chế độ ăn đặc biệt, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng và sản phẩm mới về công dụng, thành phần. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiếp nhận hồ sơ, cấp giấy công bố, giấy xác nhận quảng cáo; riêng thực phẩm bảo vệ sức khỏe do Cục An toàn thực phẩm tiếp nhận. Nếu vi phạm, địa phương chịu trách nhiệm xử lý.
Để khắc phục những “lỗ hổng” , bất cập nêu trên, Bộ Y tế đã xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP. Điểm nhấn lớn nhất của Dự thảo nghị định này là quy định doanh nghiệp không được tự công bố thực phẩm bổ sung như trước, mà bắt buộc phải đăng ký bản công bố sản phẩm để cơ quan quản lý thẩm định và hậu kiểm.
Theo Bộ Y tế, thực phẩm bổ sung được tự công bố - dẫn đến tình trạng doanh nghiệp cố tình xếp sản phẩm sai nhóm, phóng đại công dụng, không tuân thủ chất lượng. Khi bị phát hiện, sản phẩm đã lưu thông rộng rãi, khó xử lý triệt để.
Theo đó, Dự thảo nghị định quy định rõ nhóm thực phẩm bổ sung sẽ bắt buộc đăng ký bản công bố sản phẩm. Các sản phẩm bảo vệ sức khỏe, dinh dưỡng y học, thực phẩm cho chế độ ăn đặc biệt và dinh dưỡng trẻ dưới 36 tháng tuổi cũng phải lập hồ sơ công bố từ khâu nghiên cứu, phát triển đến trước khi lưu thông.
Doanh nghiệp phải công bố cả chỉ tiêu chất lượng, thay vì chỉ công bố chỉ tiêu an toàn như trước. Nếu vi phạm, cơ quan chức năng sẽ thu hồi giấy chứng nhận, giấy xác nhận quảng cáo, hồ sơ công bố sản phẩm và tạm dừng tiếp nhận hồ sơ mới cho đến khi khắc phục xong.
Dự thảo nghị định cũng bắt buộc các cơ sở sản xuất nhóm sản phẩm trên phải có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt các tiêu chuẩn quốc tế như GMP, HACCP, ISO 22000, hoặc tương đương. Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ giám sát các tổ chức được cấp phép chứng nhận.
Dự thảo cũng quy định trách nhiệm và nhiệm vụ của cơ quan tiếp nhận hồ sơ tự công bố, cho ý kiến khi tiếp nhận hồ sơ, đăng tải hồ sơ trên trang thông tin điện tử, xây dựng, triển khai kế hoạch hậu kiểm hồ sơ. Nếu phát hiện vi phạm, cơ quan tiếp nhận sẽ tiến hành lấy mẫu giám sát chất lượng, an toàn sản phẩm thực phẩm lưu thông trên thị trường.
Để phục vụ hậu kiểm, kiểm soát và nâng cao chất lượng sau khi công bố sản phẩm thực phẩm, dự thảo nghị định cũng đề xuất quy định về thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Giấy xác nhận nội dung quảng cáo, Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm và gỡ bỏ thông tin sản phẩm đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ công bố sản phẩm.
Kiểm soát chặt quảng cáo, trách nhiệm liên ngành
Để ngăn chặn quảng cáo sai sự thật, dự thảo nghị định yêu cầu tăng cường giám sát hoạt động quảng cáo trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội; kiểm tra, giám sát đơn vị kinh doanh phát hành quảng cáo, người chuyển tải quảng cáo, người có ảnh hưởng thực hiện quảng cáo thực phẩm. Các bên tham gia quảng cáo phải công khai mối quan hệ giữa người ảnh hưởng và đơn vị tài trợ quảng cáo, tuân thủ bộ quy tắc ứng xử nghề nghiệp trong hoạt động quảng cáo thực phẩm, chịu trách nhiệm về nội dung quảng cáo.

Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP yêu cầu các bên liên quan kiểm tra, giám sát đơn vị kinh doanh phát hành quảng cáo, người chuyển tải quảng cáo, người có ảnh hưởng thực hiện quảng cáo thực phẩm.
Dự thảo cũng quy định trách nhiệm cụ thể của một số bộ, ngành liên quan trong công tác quản lý an toàn thực phẩm, bao gồm các Bộ: Y tế, Công thương; Nông nghiệp và Môi trường, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công an, Ủy ban nhân dân tỉnh. Điều này nhằm tăng cường trách nhiệm các bộ, ngành để chủ động quản lý tránh doanh nghiệp lạm dụng sản xuất sản phẩm giả và làm giả phiếu kiểm nghiệm; kinh doanh, quảng cáo trên sàn thương mại điện tử và nền tảng xã hội, kiểm soát giá thực phẩm chức năng, sữa dưới 6 tuổi theo Luật Giá.
Dự thảo cũng bổ sung quy định về chuyển tiêu thụ nội địa, thay đổi mục đích sử dụng sản phẩm và siết chặt kiểm tra thực phẩm nhập khẩu.
Ngoài ra, dự thảo thay đổi nội dung, phương thức kiểm tra an toàn thực phẩm nhập khẩu; xác định rõ trường hợp miễn kiểm, kiểm hồ sơ, kiểm cảm quan, hoặc bắt buộc lấy mẫu kiểm nghiệm để đảm bảo kiểm soát chất lượng nguyên liệu phục vụ sản xuất nội bộ. Đây là điểm mới quan trọng, phù hợp thực tiễn quản lý và pháp luật chuyên ngành.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/siet-chat-quan-ly-thuc-pham-chuc-nang-post892411.html