Siết chặt quản lý thương mại điện tử xuyên biên giới

Nhằm khắc phục khó khăn, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới, trong năm 2025, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) sẽ tăng cường quản lý nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, đảm bảo tính minh bạch và tuân thủ pháp luật.

Nỗ lực triển khai nhiều giải pháp quản lý thương mại điện tử trong nước và xuyên biên giới. Ảnh minh họa: Phạm Hậu/TTXVN

Nỗ lực triển khai nhiều giải pháp quản lý thương mại điện tử trong nước và xuyên biên giới. Ảnh minh họa: Phạm Hậu/TTXVN

Ngoài ra, Cục sẽ tiếp tục phát triển thương mại điện tử bền vững, giảm thiểu tác động môi trường; thúc đẩy hợp tác giữa các bên, liên kết với hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử… Đặc biệt, Bộ Công Thương dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến dự thảo Luật Thương mại điện tử tại Kỳ họp diễn ra vào tháng 10 tới đây.

Bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết: Dự thảo Luật Thương mại điện tử do Bộ Công Thương dự thảo nêu rõ, thương nhân, tổ chức có hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam phải xin cấp phép với Bộ Công Thương và thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam hoặc chỉ định đại diện theo ủy quyền của mình là pháp nhân tại Việt Nam. Ngoài ra, quy định trách nhiệm của văn phòng đại diện hoặc pháp nhân được ủy quyền tại Việt Nam nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam. Quy định trách nhiệm xác thực người bán nước ngoài và bồi thường người mua trước khi có vi phạm trên nền tảng.

Dự thảo Luật Thương mại điện tử cũng quy định, thương nhân, tổ chức nước ngoài bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trên nền tảng số thương mại điện tử có trách nhiệm tương tự như người bán trong nước trên nền tảng số thương mại điện tử. Bên cạnh đó, cần cung cấp các thông tin cho chủ quản nền tảng số trung gian thương mại điện tử và các biện pháp đảm bảo xác thực thông tin về người bán và khả năng đáp ứng tiêu chuẩn, kỹ thuật của sản phẩm khi bán vào thị trường Việt Nam. Đáng lưu ý, hàng hóa nước ngoài được bán, dịch vụ nước ngoài được cung cấp vào thị trường Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về hàng hóa, dịch vụ của thị trường Việt Nam. Chính phủ quy định danh mục hàng hóa được phép nhập khẩu qua thương mại điện tử.

Thống kê cho thấy, thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đạt mức 18 - 25% mỗi năm. Năm 2024, quy mô thị trường thương mại điện tử đã đạt 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023, chiếm tỷ trọng khoảng 9% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Ngoài ra, thương mại điện tử xuyên biên giới cũng phát triển tương đối tốt, giúp người tiêu dùng Việt Nam trở thành người tiêu dùng toàn cầu có thể tiếp cận với đa dạng sản phẩm trong nước và quốc tế. Hơn nữa, doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam đã tận dụng thương mại điện tử xuyên biên giới đã trở thành kênh xuất khẩu quan trọng, mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa Việt Nam.

Báo cáo của Amazon Global Selling Việt Nam chỉ rõ, hơn 17 triệu sản phẩm của doanh nghiệp Việt đã được xuất khẩu, tăng 50% về giá trị và tăng 40% về số lượng đối tác bán hàng. Tổng quan, thương mại điện tử xuyên biên giới đã tăng trưởng 26% so với năm trước. Đáng lưu ý, hoạt động thương mại của Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng trong 5 năm tới nhờ vào các Hiệp định thương mại tự do (FTA), nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và các khoản đầu tư công, tạo ra triển vọng tích cực cho thương mại điện tử xuyên biên giới. Trung Quốc, Mỹ và Hàn Quốc là những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng hoạt động trên nền tảng số.

Tuy nhiên, với sự xuất hiện của các công nghệ và nền tảng mới như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, thương mại qua mạng xã hội, các mô hình thương mại điện tử ngày càng trở nên phức tạp và đa dạng nhưng chưa có quy định pháp luật điều chỉnh riêng biệt. Không những thế, các mô hình, xu hướng trên vượt ra ngoài phạm vi điều chỉnh của chính sách hiện hành và vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân khiến việc quản lý gặp nhiều khó khăn, bất cập cũng như tạo cạnh tranh thiếu bình đẳng với doanh nghiệp.

Uyên Hương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/siet-chat-quan-ly-thuong-mai-dien-tu-xuyen-bien-gioi-20250122171029773.htm