Siết chặt tiêu chuẩn ứng cử, điều chỉnh thời gian hiệp thương và khu vực bỏ phiếu

Chiều 12/5, thảo luận tại tổ 11 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Bắc Kạn, Sơn La, Long An, Vĩnh Long) về dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, các đại biểu phân tích về chế tài xử phạt vi phạm dữ liệu cá nhân, phạm vi hành vi bị cấm, đến tiêu chuẩn ứng cử, thời gian hiệp thương và quy trình xác định khu vực bỏ phiếu, nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả và đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Quang cảnh phiên thảo luận tổ 11 chiều ngày 12/5. Ảnh: Khánh Duy

Quang cảnh phiên thảo luận tổ 11 chiều ngày 12/5. Ảnh: Khánh Duy

Có biện pháp kỹ thuật và tổ chức để bảo vệ dữ liệu cá nhân

Góp ý về Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, đại biểu Trịnh Minh Bình ( Vĩnh Long) cho rằng: mục đích cuối cùng của Bảo vệ dữ liệu cá nhân các biện pháp quy định nhằm đảm bảo vệ thông tin cá nhân của cá nhân như họ tên, căn cước công dân, địa chỉ, số điện thoại, thông tin tài khoản ngân hàng, ... được thu thập, lưu trữ, xử lý và sử dụng một cách an toàn, minh bạch và hợp pháp, tránh việc bị truy cập trái phép, lạm dụng hoặc bị phát tán.

Tuy nhiên, góp ý về nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân, đại biểu nhấn mạnh: việc xử lý dữ liệu cá nhân phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật, không xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân. Dữ liệu cá nhân chỉ được thu thập và sử dụng cho những mục đích cụ thể, rõ ràng, hợp pháp và đã được người có dữ liệu cá nhân đồng ý. Do đó phải có biện pháp kỹ thuật và tổ chức để bảo vệ dữ liệu cá nhân tránh bị truy cập, tiết lộ, sửa đổi hoặc hủy hoại trái phép.

ĐBQH Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Khánh Duy

ĐBQH Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Khánh Duy

Về xử lý vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân (Điều 4) quy định tại khoản 2 về áp dụng mức xử phạt hành chính từ 1- 5% doanh thu năm liền trước của tổ chức, doanh nghiệp có vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu thêm đối với quy định này, bởi khó khả thi nếu: một tổ chức, doanh nghiệp vừa mới thành lập thì không có cơ sở để phạt do vừa mới thành lập và do dự thảo Luật quy định phạt dựa trên doanh thu năm liền trước mà mới thành lập thì chưa có năm liền trước để tính.

Liên quan đến các hành vi nghiêm cấm, đại biểu Minh Bình đề nghị, bên cạnh mua bán dữ liệu cá nhân, cần bổ sung các hành vi trao đổi, tặng cho, chuyển nhượng dữ liệu cá nhân trái pháp luật. Đồng thời, cần làm rõ các hành vi lợi dụng bảo vệ dữ liệu để trốn tránh nghĩa vụ, không thông báo đầy đủ việc xử lý dữ liệu, cản trở quyền của chủ thể dữ liệu, cung cấp, chia sẻ dữ liệu trái phép, làm giả mạo dữ liệu, ép buộc, lừa dối để lấy thông tin, sử dụng dữ liệu thu thập cho mục đích kinh doanh tiếp thị gây ảnh hưởng tiêu cực, che giấu vi phạm dưới danh nghĩa bảo vệ dữ liệu, trách nhiệm của bên kiểm soát, xử lý dữ liệu cá nhân khi để lộ lọt thông tin, và đặc biệt, cấm công khai dữ liệu cá nhân nhạy cảm. Danh mục dữ liệu cá nhân nhạy cảm cần được rà soát kỹ lưỡng và bao quát.

Giữ nguyên thời gian hiệp thương như luật hiện hành để bảo đảm chất lượng bầu cử

Góp ý vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, đại biểu Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn) bày tỏ sự thống nhất cao với việc sửa đổi Luật lần này nhằm bảo đảm đáp ứng yêu cầu chủ trương, đường lối Đảng, Nhà nước về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, về bầu cử sớm, rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Tuy nhiên, để bảo đảm có sự đồng bộ, thống nhất, đại biểu đề nghị, bổ sung một số Điều, khoản.

ĐBQH Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Khánh Duy

ĐBQH Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Khánh Duy

Theo đại biểu Nguyễn Thị Huế, tại Điều 37 của Luật hiện hành đã liệt kê 5 trường hợp cụ thể những người không được ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND.. Tuy nhiên, điều luật này cần được bổ sung thêm một đối tượng nữa, đó là những người đang bị khiếu nại, tố cáo về hành vi kê khai tài sản, thu nhập không trung thực hoặc đang trong quá trình bị cơ quan kiểm tra của Đảng xem xét các dấu hiệu vi phạm. “Việc bổ sung quy định này là vô cùng cần thiết để bảo đảm tính minh bạch, sự liêm chính và uy tín của những người tham gia ứng cử vào các cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và cơ quan đại diện của nhân dân ở địa phương. Chúng ta cần xây dựng một đội ngũ đại biểu thực sự trong sạch, gương mẫu, có đủ phẩm chất và năng lực để gánh vác trọng trách mà cử tri giao phó. Do đó, Ban soạn thảo cần nghiêm túc xem xét và bổ sung đối tượng này vào danh sách những trường hợp không được quyền ứng cử”- đại biểu Huế đề nghị.

Về quy định thời gian tổ chức các hội nghị hiệp thương, đại biểu cho rằng: mốc thời gian tổ chức các hội nghị hiệp thương- khâu then chốt trong quy trình bầu cử nên giữ nguyên như Luật hiện hành để bảo đảm đủ thời gian cho công tác chuẩn bị và triển khai là yếu tố then chốt để cuộc bầu cử diễn ra thành công, dân chủ và đúng pháp luật. Bởi, theo dự thảo Luật quy định, thời gian tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, chậm nhất là 95 ngày trước ngày bầu cử thì được, song ở hiệp thương lần thứ hai (ở Trung ương) được tổ chức chậm nhất là 40 ngày trước ngày bầu cử; Hiệp thương lần thứ ba được tổ chức chậm nhất là 23 ngày trước ngày bầu cử.

Đại biểu cho rằng: khoảng cách giữa lần hiệp thương thứ nhất và thứ hai là 55 ngày, trong khi khoảng cách giữa lần thứ hai và lần thứ ba là 17 ngày. “ Sự phân bổ thời gian này là chưa thực sự hợp lý, tạo ra sự chênh lệch lớn và có thể gây áp lực lớn lên các cơ quan chức năng ở giai đoạn cuối của quá trình hiệp thương".

Đáng chú ý, theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 23, Ủy ban bầu cử các cấp nhận tài liệu và phiếu bầu cử ĐBQH từ UBND cấp tỉnh chậm nhất là 17 ngày trước ngày bầu cử. Điều này đồng nghĩa với việc chỉ còn lại 6 ngày, kể từ thời điểm kết thúc hiệp thương lần thứ ba (chậm nhất là 23 ngày trước ngày bầu cử), để các cơ quan chức năng phải hoàn thiện hồ sơ ứng cử, lập danh sách chính thức người ứng cử, hoàn chỉnh tiểu sử, thiết kế và in ấn phiếu bầu, tiến hành kiểm tra và phân phối đến các khu vực bỏ phiếu trên cả nước. Theo đại biểu, khoảng thời gian 6 ngày là vô cùng gấp rút và tiềm ẩn nhiều rủi ro, có thể ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ của công tác chuẩn bị bầu cử. “Một sai sót nhỏ ở giai đoạn này cũng có thể gây ra những hậu quả không mong muốn”- đại biểu nhấn mạnh.

ĐBQH Hà Sỹ Huân (Bắc Kạn) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Khánh Duy

ĐBQH Hà Sỹ Huân (Bắc Kạn) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Khánh Duy

Góp ý về việc xác định khu vực bỏ phiếu, đại biểu Hà Sỹ Huân (Bắc Kạn) cũng cho rằng, quy định giao quyền quyết định xác định khu vực bỏ phiếu cho UBND cấp xã là một bước điều chỉnh hợp lý. Sự phân cấp này giúp địa phương chủ động hơn trong công tác chuẩn bị, sát với tình hình thực tế của từng khu dân cư.

Tuy nhiên, dự thảo Luật vẫn duy trì quy định "trường hợp cần thiết thì do UBND cấp tỉnh điều chỉnh". Về việc này, nên chăng điều chỉnh theo hướng "UBND tỉnh chỉ đạo UBND xã chủ động điều chỉnh"- đại biểu đề nghị.

Phân tích thêm vấn đề này, đại biểu Hà Sỹ Huân nêu thực tế, việc UBND tỉnh trực tiếp thực hiện điều chỉnh khu vực bỏ phiếu sẽ phát sinh nhiều thủ tục hành chính phức tạp, kéo dài thời gian, không phù hợp với tính chất nhanh chóng và kịp thời của công tác bầu cử. Trong khi đó, hệ thống tổ chức bầu cử ở các cấp, từ Hội đồng bầu cử đến Ủy ban bầu cử, đã được thiết lập đầy đủ theo quy định, hoàn toàn có khả năng chủ động triển khai nhiệm vụ này dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn và giám sát của cấp trên. Hơn nữa, UBND xã, với vai trò là cấp trực tiếp xác định khu vực bỏ phiếu, vẫn thường xuyên báo cáo tình hình lên UBND tỉnh, bảo đảm sự quản lý và giám sát chặt chẽ từ cấp tỉnh. Do đó, việc giữ vững và làm rõ hơn nữa nguyên tắc phân cấp này là phù hợp và cần thiết.

ĐBQH Hoàng Thị Đôi (Sơn La) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Lê Nguyên

ĐBQH Hoàng Thị Đôi (Sơn La) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Lê Nguyên

“Để quy định này được thực hiện hiệu quả và thống nhất, tránh gây lúng túng cho cơ sở, cơ quan soạn thảo cần có hướng dẫn cụ thể hơn về thế nào là "trường hợp cần thiết" để UBND cấp tỉnh chỉ đạo UBND xã chủ động điều chỉnh khu vực bỏ phiếu”- đại biểu Hà Sỹ Huân đề nghị.

Ngoài ra, góp ý vào Khoản 1 Điều 1 (sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 4) dự thảo Luật, đại biểu Hoàng Thị Đôi (Sơn La) cho biết: Dự thảo Luật quy định” Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức bầu cử ĐBQH tại địa phương; Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban bầu cử ở xã, phường, đặc khu tổ chức bầu cử đại biểu HDND cấp tỉnh, đại biểu HDND cấp xã tương ứng...”, đại biểu cho rằng việc dùng cụm từ “ cấp xã tương ứng” trong dự thảo Luật chưa bảo đảm đầy đủ, chính xác, khi vế trước nội dung quy định rõ “Ủy ban bầu cử ở xã, phường, đặc khu”, chưa thống nhất với các quy định tại nhiều điều khoản trong Dự thảo Luật.

Hải Thanh- Lê Nguyên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/siet-chat-tieu-chuan-ung-cu-dieu-chinh-thoi-gian-hiep-thuong-va-khu-vuc-bo-phieu-10372225.html