BCĐ Trung ương trực tiếp chỉ đạo xử lý vụ án, vụ việc lãng phí nghiêm trọng
Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vừa ký ban hành Hướng dẫn số 63, định hướng các nội dung trọng tâm trong công tác phòng, chống lãng phí.
7 hành vi gây lãng phí cần tập trung chỉ đạo phòng, chống gồm: vi phạm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, gây lãng phí; gây lãng phí liên quan đến xây dựng, ban hành thể chế về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; gây lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước.
Gây lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; đầu tư xây dựng, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công; gây lãng phí trong quản lý, khai thác, sử dụng đất đai và các tài nguyên khác; gây lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn nhà nước trong dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Ngoài ra còn có các hành vi khác gây lãng phí trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
BCĐ Trung ương trực tiếp theo dõi, chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc: Liên quan đến nhiều ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; tỉnh, thành trực thuộc Trung ương; gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Thứ hai, liên quan đến cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và MTTQ Việt Nam; cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Thứ ba, có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, tiến hành tố tụng có thể làm sai lệch kết quả điều tra, truy tố, xét xử vụ án, xử lý vụ việc; các vụ án gây lãng phí đã có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật nhưng có khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, đề nghị xem xét lại, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Thứ tư, các vụ án, vụ việc gây lãng phí nghiêm trọng, phức tạp khác mà BCĐ Trung ương, Thường trực BCĐ Trung ương xét thấy cần trực tiếp theo dõi, chỉ đạo.
Còn BCĐ phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tỉnh, thành theo dõi, chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc gây lãng phí phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra ở địa phương; liên quan đến cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy quản lý.
Các vụ án, vụ việc gây lãng phí nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm do BCĐ Trung ương, Thường trực BCĐ Trung ương giao hoặc được các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương đề nghị tỉnh ủy, thành ủy, BCĐ cấp tỉnh chỉ đạo, xử lý.
Các vụ án, vụ việc gây lãng phí khác dư luận xã hội quan tâm mà các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương còn có quan điểm khác nhau; các vụ án gây lãng phí đã có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật nhưng có khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, đề nghị xem xét lại, dư luận xã hội quan tâm.
Trường hợp được xem xét loại trừ, miễn, giảm trách nhiệm
Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, gây lãng phí được nêu tại hướng dẫn phải bị xem xét trách nhiệm, xử lý nghiêm minh và bồi thường theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Trường hợp vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật, nghiêm cấm giữ lại để xử lý nội bộ.
Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, gây lãng phí do nguyên nhân khách quan (vi phạm trong tình thế cấp thiết, sự kiện bất ngờ hoặc do trở ngại khách quan theo quy định của pháp luật) hoặc đã chủ động phát hiện và áp dụng các biện pháp cần thiết theo thẩm quyền hoặc báo cấp có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý, khắc phục hậu quả của vi phạm thực hiện theo mệnh lệnh, quyết định của cấp trên, mà không biết các quyết định, mệnh lệnh đó là trái pháp luật thì được xem xét loại trừ, miễn, giảm trách nhiệm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.