Siết chặt xe đưa đón học sinh: HTX vận tải lo lắng vì thiếu lộ trình

Sau hơn một tháng Nghị định số 151/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xe ô tô chở trẻ em mầm non, học sinh các cấp đi vào thực tiễn, các HTX, đơn vị kinh doanh vận tải đều nhận thấy, đây là quy định đúng đắn nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh, hạn chế những rủi ro đối với đơn vị vận tải. Tuy nhiên, cần có lộ trình cụ thể và có hướng dẫn thực hiện thì các HTX, đơn vị vận tải mới áp dụng được các quy định đặt ra.

Theo đó Nghị định 151, từ 1/1/2025, xe ô tô kinh doanh chở trẻ em mầm non, học sinh phải sơn màu vàng đậm. Tuy nhiên, theo quan sát của VnBusiness, trên thực tế ở Hà Nội, phần lớn xe đưa đón học sinh hiện nay vẫn chưa đổi sang màu vàng theo quy định.

Khó thực hiện đổi màu sơn xe ngay?

Bà Phạm Thị Thanh, Giám đốc HTX vận tải và du lịch Thanh Sơn (TP HCM), cho biết đã là quy định thì phải thực hiện. Tuy nhiên tình trạng nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ đưa đón học sinh trên thực tế vẫn chưa đổi màu xe theo quy định là còn có nhiều nguyên nhân.

Theo tính toán hiện nay, chi chi phí đổi màu xe với một ô tô 29 chỗ sẽ rơi vào khoảng 20 triệu đồng, xe lớn hơn chi phí sẽ lên khoảng 50-60 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, đơn vị vận tải phải làm thủ tục gửi đến ngành chức năng xin đổi màu cho xe, thực hiện đăng ký... Trong khi những việc này không phải có thể thực hiện được ngay, nhất là với những đơn vị vận tải có đến trên 10 chiếc xe đưa đón học sinh.

Ông Trần Trung Kiên, HTX thương mại dịch vụ Trần Gia (Hưng Yên), cho biết vấn đề quan trọng đối với đơn vị vận tải là tài chính. Việc cân đối tài chính trong điều kiện ngành vận tải đang cạnh tranh gay gắt như hiện nay không phải là chuyện đơn giản. Nếu sơn lại toàn bộ xe với số lượng lớn thì đơn vị vận tải phải tốn chi phí lớn.

Ngay ý thức nhường xe cứu thương ở Việt Nam còn thấp thì việc đổi màu xe đưa đón học sinh sang màu vàng chưa chắc đã mang lại hiệu quả trong quá trình hoạt động.

Ngay ý thức nhường xe cứu thương ở Việt Nam còn thấp thì việc đổi màu xe đưa đón học sinh sang màu vàng chưa chắc đã mang lại hiệu quả trong quá trình hoạt động.

Trong khi đặc thù xe chở học sinh chỉ hoạt động được 9 tháng mà nếu chiếc xe đó một khi đã đổi màu sơn, dán logo đưa đón học sinh thì phần thời gian còn lại trong năm sẽ rất khó hoạt động bên ngoài hoặc kinh doanh được những dịch vụ khác. Điều này gây lãng phí, thất thoát cho đơn vị kinh doanh vận tải.

Bởi đã kinh doanh vận tải thì xe phải hoạt động, quay vòng liên tục mới mang lại giá trị kinh tế. Ngành vận tải vốn có rất nhiều chi phí ngầm như lương lái xe, chi phí sửa chữa, vận hành, khấu hao, đăng kiểm... chưa kể đến khoản đầu tư xe không nhỏ. Do đó, nếu đổi màu xe, chủ xe không nhận chở khách ngoài thời gian đưa đón học sinh để thêm doanh thu.

Bên cạnh đó, không phải quy định sơn vàng thì đơn vị vận tải cứ đưa xe ra tiệm là có thể sơn lại được. Vì quy định đưa ra là màu vàng nhưng là màu vàng như thế nào, vàng đậm hay nhạt, logo biển hiệu, ký hiệu như thế nào cũng phải có hướng dẫn cụ thể. Chưa kể thay đổi màu sơn ban đầu phải có cơ chế hỗ trợ chứ không phải quy định như vậy mà HTX, đơn vị vận tải có thể sơn được vì còn khâu đăng kiểm, cà vẹt xe.

Đại diện HTX Thiên An (TP HCM), cho biết phần lớn các xe đưa đón học sinh ở Việt Nam thường do HTX, đơn vị vận tải tự đầu tư mà không hoặc ít được Nhà nước hỗ trợ. Trong khi so với nhiều nước có hoạt động đưa đón học sinh hiệu quả trên thế giới thì xe làm hoạt động này thường được cơ quan quản lý hỗ trợ giá, đầu tư nên ít gây áp lực cho đơn vị vận tải.

Quy định nhưng cần linh hoạt

Có thể thấy, Nghị định 151 nhận được sự đồng thuận lớn từ phía phụ huynh học sinh, nhà trường, HTX vận tải vì đề cao yếu tố an toàn cho học sinh, sinh viên và hạn chế được những rủi ro cho đơn vị vận tải về lâu và dài. Tuy nhiên, để các đơn vị này thực hiện được sớm không phải dễ dàng.

Theo đại diện các HTX, cần có sự linh hoạt trong quy định. Bởi nếu là xe đưa đón học sinh do nhà trường đầu tư, nhất là với những trường tư thục thì việc thực hiện các quy định này có thể thuận lợi hơn so với HTX, đơn vị vận tải nhỏ vì họ áp lực lớn về chi phí, tài chính.

Do đó, cơ quan quản lý có thể xem xét, đối với xe của HTX, đơn vị vận tải nhỏ, nếu quá trình kiểm tra, xem xét các điều kiện về vấn đề an toàn mà các đơn vị này đáp được, lịch sử đưa đón học sinh chưa để xảy ra vấn đề gì thì nên tạo điều kiện cho những đơn vị vận tải hoạt động bình thường hoặc kéo dài thời gian áp dụng quy định tại Nghị định 151.

“Nếu HTX phải đổi màu, lắp thiết bị cảnh báo cùng một lúc thì có những đơn vị vận tải buộc phải tính toán chi phí trong quá trình vận hành. Khi đó, phụ huynh học sinh sẽ phải chịu cảnh tăng giá cước đưa đón học sinh và chịu thêm một phần chi phí sơn xe, lắp thiết bị cảnh báo…. Điều này sẽ tạo gánh nặng cho phụ huynh”, ông Trần Trung Kiên cho biết.

Bên cạnh đó, các cấp quản lý cần đưa ra những hướng dẫn cụ thể vừa đảm bảo an toàn nhưng cũng cần linh hoạt để để tạo điều kiện thuận lợi cho HTX vận tải trong quá trình thực hiện các quy định về hoạt động xe đưa đón học sinh.

Ngay như quy định về thiết bị ghi nhận hình ảnh trẻ em và thiết bị có chức năng cảnh báo, bỏ quên trẻ em trên xe đã được đặt ra nhưng lại chưa có quy định hoặc hướng dẫn cụ thể về quy chuẩn đối với thiết bị này. Trong khi trên thị trường có rất nhiều loại thiết bị cảnh báo với giá tiền khác nhau, gây khó khăn cho HTX, đơn vị vận trong quá trình lắp đặt.

Theo giới chuyên gia, để đảm bảo an toàn trong đưa đón học sinh thì không chỉ đơn thuần thực hiện ở mỗi khâu phương tiện đưa đón mà đi kèm với đó cần có sự hoàn thiện về con người (lái xe, người quản lý học sinh đi theo xe, đơn vị kết hợp như nhà trường…) và hạ tầng. Ngay như hạ tầng ở Việt Nam hiện vấn còn nhiều vấn đề quan tâm như đường sá, nhất là ở các đô thị luôn trong tình trạng quá tải, không có cung đường riêng cho xe đưa đón học sinh. Trong khi việc tổ chức, quản lý xe đưa đón học sinh lại do nhiều đơn vị vận tải hoặc nhà trường thực hiện.

Do đó, cần có quy hoạch cụ thể hoạt động đưa đón học sinh, hạ tầng liên quan như thế nào, hướng dẫn các đơn vị vận tải, nhà trường thực hiện ra sao chứ không chỉ tập trung vào việc phạt các đơn vị vận tải có thực hiện đúng quy định.

Ngay việc sản xuất ô tô riêng để đưa đón học sinh cũng không phải đơn giản ở Việt Nam. Và việc đơn vị vận tải đầu tư phương tiện mới theo quy chuẩn để chuyên đưa đón học sinh thì chi phí sẽ cao.

“Đối với đơn vị vận tải, cần tạo điều kiện để họ có thể tận dụng các phương tiện có sẵn và từng bước hoàn thiện các quy định trên ô tô đưa đón để đảm bảo an toàn theo lộ trình”, ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho biết.

Huyền Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/siet-chat-xe-dua-don-hoc-sinh-htx-van-tai-lo-lang-vi-thieu-lo-trinh-1104870.html