Siết dạy thêm, học thêm khiến nhiều thầy cô tâm tư: Phó Chủ tịch Hội Tâm lí giáo dục nói gì?

Thông tư 29 có hiệu lực khiến nhiều giáo viên còn băn khoăn rằng, không ai hiểu học sinh của mình bằng chính cô giáo đứng lớp; giáo viên tâm tư vì bị giảm nguồn thu hay phụ huynh sẽ phải chật vật tìm trung tâm dạy thêm với chi phí đắt đỏ hơn...

Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Nguyễn Thị Thu Anh, thành viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực Việt Nam - Phó Chủ tịch Hội Tâm lí giáo dục Hà Nội cho rằng, Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT đi vào thực tiễn, các nhà trường sẽ tập trung vai trò quản lí, không tham gia dạy thêm có thu phí nhằm đảm bảo tính minh bạch, sự công bằng trong giáo dục, học sinh không phải lo lắng học thêm để được điểm cao hơn.

Cần đổi mới thi cử, đánh giá học sinh

Thưa bà, Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT vừa ban hành có tác động thế nào đến công tác dạy học trong các nhà trường cũng như vấn đề dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường?

Thực hiện Thông tư 29, trường học sẽ tập trung vào vai trò quản lí và định hướng học tập, không tham gia vào hoạt động dạy thêm để đảm bảo tính minh bạch và sự công bằng trong giáo dục, học sinh không phải lo lắng học thêm để được điểm cao hơn.

Trong khi đó, thông tư cũng đặt ra yêu cầu giáo viên cần phải nâng cao chất lượng giảng dạy chính khóa và đổi mới cách thi cử, đánh giá để học sinh không phải học thêm quá nhiều. Từ đó củng cố niềm tin của gia đình và xã hội dành cho mỗi giáo viên và nhà trường.

TS Nguyễn Thị Thu Anh, thành viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực Việt Nam - Phó Chủ tịch Hội Tâm lí giáo dục Hà Nội.

TS Nguyễn Thị Thu Anh, thành viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực Việt Nam - Phó Chủ tịch Hội Tâm lí giáo dục Hà Nội.

Khi học thêm được tổ chức ở các trung tâm ngoài nhà trường sẽ giúp xóa bỏ những bất cập về đạo đức nhà giáo trong việc tổ chức dạy thêm, học thêm mà xã hội phản ánh là tràn lan lâu nay. Tuy nhiên, đi kèm đó luôn là những thách thức, trong đó có việc quản lí chất lượng dạy học của các trung tâm dạy thêm. Việc đảm bảo để có đủ các hình thức hỗ trợ cho những học sinh có nhu cầu được giúp đỡ cũng là điều cần được quan tâm.

Quy định, không cho giáo viên dạy chính khóa trên lớp dạy thêm có thu tiền đối với học sinh của mình khiến nhiều giáo viên còn băn khoăn rằng: không ai hiểu học sinh của mình bằng chính cô giáo đứng lớp; giáo viên tâm tư vì bị giảm nguồn thu hay phụ huynh sẽ phải chật vật tìm trung tâm dạy thêm với chi phí đắt đỏ hơn… Bà nghĩ sao về những trăn trở trên của một số giáo viên hiện nay?

Tôi cho là những lo lắng ấy của giáo viên hoàn toàn dễ hiểu, bởi vì việc dạy thêm từ lâu đã mang lại thu nhập cho một bộ phận giáo viên.

Tuy nhiên, thống kê số giáo viên dạy thêm có thu phí trong nhà trường chiếm tỉ lệ rất nhỏ so với các giáo viên không tham gia dạy thêm. Rất nhiều giáo viên đã dùng sự thấu hiểu của mình để tạo động lực giúp học sinh tiến bộ qua từng tiết học. Họ tìm tòi, học hỏi để có thể dạy học hiệu quả ngay trên lớp và hướng dẫn học sinh của họ biết cách tự học ở nhà.

"Tôi đã được chứng kiến rất nhiều giáo viên chủ động giúp đỡ học sinh sau giờ học mà không nhận bất kỳ kinh phí nào. Những giáo viên này xứng đáng được vinh danh vì sự tận tâm với học trò, với nghề dạy học", TS Nguyễn Thị Thu Anh.

Để tránh tình trạng phụ huynh vất vả tìm trung tâm dạy thêm với chi phí đắt đỏ, thầy cô chủ nhiệm thường xuyên cung cấp thông tin về tình hình học tập của học sinh ở trường và cùng bàn với cha mẹ cách đồng hành với con, giúp con tiến bộ. Thay vì đưa con đến các trung tâm dạy thêm, cha mẹ sẽ luôn theo sát quá trình học tập của con, động viên, khích lệ giúp con chủ động tự học.

Thay đổi thói quen trông đợi vào dạy thêm

Với vai trò nhà giáo, nhà quản lí trường học, thông tư này theo bà có tác động, ý nghĩa như thế nào đối với học sinh? Lâu nay, không ít học sinh quen với lối học thụ động, khi hạn chế học thêm, liệu có ảnh hưởng đến chất lượng học tập hay không? Nhất là các em vẫn lo lắng, phải chạy theo các kỳ thi vượt cấp, thi tốt nghiệp THPT...?

Học sinh học thụ động hay chủ động phụ thuộc vào cách thầy cô và cha mẹ hướng dẫn các em tự học. Chúng ta đều thừa nhận học sinh học thụ động do đi học thêm quá nhiều và đó là lí do Bộ GD&ĐT yêu cầu các nhà trường phải thay đổi.

Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, để biến kiến thức thầy cô giảng dạy trên lớp thành kiến thức của bản thân, học sinh cần dành từ gấp 2 đến 3 lần thời gian tự học. Như vậy, nếu học với giáo viên 1 giờ, học sinh cần tự học ít nhất 2–3 giờ để hiểu, thực hành và ghi nhớ.

Có lẽ nhiều thầy cô và bố mẹ sẽ giật mình khi “đếm” lại tổng thời gian tự học của con và phát hiện con không có thời gian tự học, không có thời gian chơi, học kỹ năng sống, học cách thể hiện sự quan tâm, yêu thương bản thân và mọi người - TS Nguyễn Thị Thu Anh.

Biết cách tự học không hề dễ dàng đối với học trò và cả với thầy cô và cha mẹ. Tôi cho rằng Thông tư 29 chính là cơ hội để thầy cô và cha mẹ thay đổi việc trông đợi vào dạy thêm, từ đó giúp con tiến bộ bằng việc cùng con thực hiện các phương pháp học chủ động, sáng tạo, cùng rèn luyện năng lực tự học cho con và chính mình. Biết tự học không chỉ có ý nghĩa với chính con để không phải đi học thêm mà còn có ý nghĩa với cả cuộc đời con sau này.

Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT "cấm" dạy thêm hoàn toàn các môn văn hóa đối với bậc tiểu học.

Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT "cấm" dạy thêm hoàn toàn các môn văn hóa đối với bậc tiểu học.

Bối cảnh kỳ thi Tốt nghiệp THPT và các kỳ thi chuyển cấp vẫn có tính cạnh tranh cao, việc ngừng học thêm tại trường đang khiến một số học sinh lo lắng. Vì vậy, thầy cô cần quan tâm bình ổn tâm lí của học sinh, cải tiến phương pháp giảng dạy và xây dựng hệ thống hỗ trợ học tập như các lớp phụ đạo miễn phí, tạo các nhóm học sinh giúp đỡ nhau, thành lập đội tư vấn học tập để có thể giúp học sinh nhiều nhất có thể.

Trong bối cảnh thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhà trường, thầy cô cần làm gì để giáo dục học sinh theo hướng phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực?

Đó là câu hỏi mà các nhà trường đang cùng nhau trả lời từ khi bắt đầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Điều quan trọng nhất là thầy cô cần phải hiểu sâu sắc thế nào là dạy học phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực để thay đổi được cách dạy cũ đã hằn sâu và trở thành thói quen lâu nay.

Từ đó, thầy cô sẽ có những đổi mới quan trọng trong phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá và tổ chức hoạt động giáo dục.

Bộ GD&ĐT từng có Thông tư 17 quy định về dạy thêm học thêm nhưng thực tế, dạy thêm vẫn tràn lan, thậm chí vẫn có tình trạng gò ép học sinh học thêm. Theo bà, từ thông tư đến thực tế có thể thực hiện nghiêm túc, cần có những giải pháp nào?

Để Thông tư 29 đi vào cuộc sống cần sự chung tay của cả hệ thống. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi công điện về quản lí hoạt động dạy thêm, học thêm gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố. Bộ GD&ĐT đang chỉ đạo rất quyết liệt để nâng cao chất lượng dạy học chính khóa tiến tới xóa bỏ dạy thêm trong trường học.

Rất nhiều hoạt động cần được triển khai đồng bộ ở các địa phương, đó là: nâng cao chất lượng dạy học và kiểm tra đánh giá trong trường học; xây dựng khung pháp lí rõ ràng, chặt chẽ về hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường; tổ chức giám sát và kiểm tra thường xuyên hoạt động của các trung tâm và có chế tài xử lí các trung tâm hoạt động trái phép, kém chất lượng; tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho phụ huynh và học sinh, tránh chạy theo phong trào học thêm không hiệu quả;…

Thông tư 29 là một bước tiến quan trọng trong việc hạn chế tình trạng dạy thêm tràn lan, hướng tới nâng cao chất lượng giáo dục chính khóa và thúc đẩy phương pháp học tập chủ động.

Còn rất nhiều việc cần phải làm trong thời gian tới song chúng ta có niềm tin mạnh mẽ vào những cải tiến về chất lượng dạy học trong tương lai.

Cảm ơn bà!

Hà Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/siet-day-them-hoc-them-khien-nhieu-thay-co-tam-tu-pho-chu-tich-hoi-tam-li-giao-duc-noi-gi-post1718062.tpo