Siết quản lý thuế với thương mại điện tử

Trước thực trạng công nghệ phát triển mạnh mẽ dẫn tới sự bùng nổ của hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), Bộ Tài chính đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT trong nước và xuyên biên giới.

Đẩy mạnh quản lý thuế, quản lý sàn TMĐT. Ảnh minh họa: PV

Đẩy mạnh quản lý thuế, quản lý sàn TMĐT. Ảnh minh họa: PV

Thu thuế thương mại điện tử tăng 23% so với cùng kỳ

Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 18/CT-TTg về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển TMĐT, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ. Triển khai thực hiện Nghị định này, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan đã triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều biện pháp quan trọng, trong đó có việc kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thực hiện việc rà soát đồng bộ với cơ sở dữ liệu về mã số thuế. Đến ngày 03/6/2024 đã có 97,75% dữ liệu thuế, mã số thuế định danh theo căn cước công dân đã được chia sẻ. Việc sử dụng thống nhất mã số định danh công dân là mã số thuế sẽ giúp thay đổi phương thức quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác quản lý thuế nói riêng và công tác quản lý nhà nước nói chung. Đồng thời, việc sử dụng mã số định danh công dân làm mã số thuế sẽ đồng bộ được hệ thống dữ liệu của các Bộ, ngành, địa phương về hộ tịch, thuế, ngân hàng, viễn thông... với dữ liệu quốc gia về dân cư. Trên hệ thống cơ sở dữ liệu đó, ngành thuế sẽ có đầy đủ các thông tin cần thiết để thực hiện quản lý kinh doanh TMĐT theo mức độ rủi ro, qua đó góp phần hạn chế tối đa tình trạng gian lận thuế.

Bộ Tài chính cũng đã phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Ngân hàng Nhà nước bước đầu hoàn thành việc chia sẻ cơ sở dữ liệu của 929 website cung cấp dịch vụ TMĐT; dữ liệu về 130 tổ chức hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, quảng cáo, phát thanh truyền hình; dữ liệu của trên 9 triệu tài khoản thanh toán của tổ chức và trên 121 triệu tài khoản thanh toán của cá nhân tại 96 ngân hàng thương mại...

Với việc triển khai các giải pháp nêu trên, số thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT 6 tháng đầu năm 2024 như sau: Doanh thu quản lý là 1,8 triệu tỷ đồng, số thuế đã nộp NSNN khoảng 50 nghìn tỷ đồng, tăng 23% so với số thuế bình quân 6 tháng năm 2023 (năm 2023, doanh thu quản lý là 3,5 triệu tỷ đồng, số thuế đã nộp là 97 nghìn tỷ đồng).

Cùng với việc đẩy mạnh quản lý thuế, quản lý sàn TMĐT, cơ quan thuế cũng chú trọng xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với người nộp thuế có hoạt động trong lĩnh vực TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số, livestream bán hàng online. 6 tháng đầu năm 2024, cơ quan thuế đã xử lý vi phạm đối với 4.560 người nộp thuế, gồm 1.274 doanh nghiệp, 3.286 cá nhân, với số thuế xử lý truy thu và phạt là 297 tỷ đồng. Bên cạnh đó, vẫn còn không ít tổ chức, cá nhân livestream bán hàng chưa tự giác thực hiện nghĩa vụ kê khai, đăng ký, nộp thuế đầy đủ kịp thời. 6 tháng đầu năm 2024, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã yêu cầu 7 cá nhân kinh doanh TMĐT giải trình. Theo đó, có một cá nhân có sức ảnh hưởng (KOLs) đã nộp tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương tiền công năm 2022 với tổng số thuế truy thu và tiền chậm nộp là 2,2 tỷ đồng. Đồng thời kê khai thu nhập của người này đến từ các kênh mạng xã hội với tổng số thuế truy thu và chậm nộp là 36,5 triệu đồng. Ở Hà Nội, chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, ngành thuế cũng thông báo truy thu thuế với 41 cá nhân có thu nhập từ hoạt động TMĐT. Trong đó có một cá nhân đã kê khai tiền thuế và chậm nộp lên tới 8,5 tỷ đồng...

Cần chủ động tuân thủ nghĩa vụ nộp thuế

Để tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động TMĐT nói chung và công tác quản lý thuế nói riêng, theo Tổng cục Thuế, cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp; sự phối hợp chặt chẽ cũng như trong xử lý những khó khăn, vướng mắc, bất cập về thể chế, chính sách, thẩm quyền, trách nhiệm trong quá trình triển khai phối hợp, kết nối, chia sẻ thông tin. Trên cơ sở đó, hoàn thiện thể chế phục vụ việc xây dựng, phát triển dữ liệu về dân cư, kết nối, chia sẻ dữ liệu nói riêng và chuyển đổi số quốc gia. Cùng với đó, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; cơ sở dữ liệu thuộc phạm vi quản lý của các Bộ, ngành cũng cần được nâng cấp, bảo đảm dữ liệu chính xác, được bổ sung, cập nhật thường xuyên, thống nhất để thuận lợi và hiệu quả cao trong quá trình phối hợp, kết nối, chia sẻ thông tin. Ngoài ra, cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế, nhất là trong quản lý hoạt động TMĐT. Theo đó, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp về hóa đơn điện tử, tiếp tục quản lý và phát huy vai trò của Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, Cổng thông tin TMĐT, xây dựng Cổng Thông tin đăng ký kê khai thuế của sàn TMĐT trong nước, đôn đốc kê khai, chọn thanh tra, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật thuế. Đồng thời, thường xuyên rà soát, đánh giá an toàn thông tin, an ninh mạng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu; khẩn trương khắc phục những hạn chế, bất cập về lỗ hổng bảo mật, tình trạng lộ lọt thông tin để bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Từ góc độ tư vấn việc tuân thủ pháp luật đối với các cá nhân kinh doanh, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế lưu ý, các cá nhân cần nắm chắc chính sách thuế đối với hoạt động kinh doanh của mình. Trường hợp đã kinh doanh TMĐT mà chưa nộp thuế, cơ quan thuế cũng chưa phát hiện và truy thu thì cá nhân kinh doanh nên tự giác liên hệ với chi cục thuế nơi mình cư trú (tạm trú, thường trú) để nộp thuế và tự tính tiền chậm nộp 0,03% tính trên số tiền thuế phải nộp và số ngày chậm nộp. Trường hợp cơ quan thuế phát hiện cá nhân kinh doanh không kê khai thuế, nếu số tiền thuế lớn thì ngoài việc bị xử lý hành vi vi phạm, truy thu, phạt tiền thuế còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng – Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam – cho rằng, với những nền tảng công nghệ mới và sự quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng, việc thu thuế kinh doanh TMĐT sẽ ngày càng chặt chẽ. Cơ quan thuế thực hiện đầy đủ chế độ trao đổi thông tin với cơ quan thuế các quốc gia, vùng lãnh thổ; qua đó ký kết hiệp định tránh đánh thuế trùng. Việc này để nắm bắt thông tin về doanh thu, thu nhập phát sinh của doanh nghiệp kinh doanh TMĐT tại Việt Nam, xác định nghĩa vụ thuế, ngăn ngừa hành vi gian lận, trốn, tránh thuế tại Việt Nam. Để tránh bị phạt và bị truy cứu trách nhiệm hình sự do chậm kê khai, nộp thuế, các hộ và cá nhân kinh doanh TMĐT cần chủ động tuân thủ nghĩa vụ nộp thuế, nhằm tạo sự bình đẳng về nghĩa vụ thuế, tạo nên môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh./.

MINH ANH

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/siet-quan-ly-thue-voi-thuong-mai-dien-tu-33995.html